Ngộ độc rượu gia tăng vào dịp Tết
Theo Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bình thường mỗi ngày tại Trung tâm cũng tiếp nhận từ 2 đến 3 ca ngộ độc rượu. Nhưng vào thời điểm trước tết, trong và sau tết nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp tết đến, xuân về.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân nặng có dấu hiệu bị mù mắt, viêm gan, sau đó là trụy mạch và tử vong. Những người thoát chết thì cũng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan…
“Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Nguyên nhân gây ngộ độc rượu
Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc rượu trong thời gian gần tết chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính; nạn nhân có tiền sử nghiện rượu, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa tính mạng.
Bên cạnh đó, nhận thức, hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng chưa cao, nhu cầu sử dụng rượu rất cao về số lượng, nhu cầu sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu giá rẻ, rượu ngâm bất kỳ cây, con gì còn phổ biến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là nấu rượu thủ công còn rất nhiều hạn chế…
Những triệu chứng ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu loại ethanol thường có cấp tính và mạn tính. Ngộ độc cấp tính trong giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Sau đó là giai đoạn ức chế biểu hiện giảm phản xạ gân xương, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, có nguy cơ giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và có thể tử vong, nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngộ độc mạn tính bởi uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy (do tổn thương gan và ruột), da xanh tái (do thiếu máu), tổn thương gan (thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan), mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là uống rượu tự pha chế có chứa methanol (cồn công nghiệp). Triệu chứng đầu tiên là chán nản, lú lẫn, ngủ li bì. Triệu chứng nhiễm độc có thể xuất hiện chậm sau 18 - 24 giờ, bao gồm đau đầu, nhìn mờ, nhìn có màu trắng, buồn nôn, nôn, thở nhanh, suy hô hấp. Nhiễm độc methanol nặng sẽ gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Xử trí khẩn cấp các trường hợp bị ngộ độc rượu
Khi gặp trường hợp người bị ngộ độc rượu có dấu hiệu bất tỉnh, nhịp thở ít hơn 8 lần trong mỗi phút hoặc đã lặp đi lặp lại tình trạng nôn không kiểm soát được thì phải gọi điện thoại khẩn cấp ngay cho đơn vị y tế tại địa phương.
Cần lưu ý một người đã bị bất tỉnh sau khi uống rượu hoặc đã ngừng uống rượu thì rượu vẫn được xâm nhập vào máu, nồng độ rượu ở trong cơ thể vẫn tiếp tục gia tăng, vì vậy không bao giờ chủ quan nhận định người uống rượu sẽ ngủ đi trong tình trạng ngộ độc rượu. Nếu người bị ngộ độc rượu còn ý thức, nhân viên y tế có thể hướng dẫn chăm sóc tại nhà hay nên đến trực tiếp bệnh viện; các thông tin cung cấp đều được nhân viên y tế giữ bí mật nên người bị ngộ độc rượu hay người thân hãy sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết như loại rượu uống, số lượng uống và uống khi nào...
Không nên để người ngộ độc rượu bị bất tỉnh ở một mình, trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của y tế không nên cố gắng làm cho người ngộ độc rượu nôn mửa vì họ đã giảm phản xạ và có thể sặc chất nôn hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi gây tổn thương và tử vong.
Khi thấy người bị ngộ độc rượu, cần xử trí sơ cứu bằng cách cho nạn nhân nằm đầu thấp để làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng và cứ vài giờ phải đánh thức nạn nhân dậy để cho ăn cháo. Cần đưa người bị ngộ độc rượu đến ngay cơ sở y tế để xử trí cấp cứu nếu có biểu hiện như: nôn liên tục, đặc biệt trong dịch nôn có máu; lay gọi nhưng không tỉnh sau 2 - 3 giờ; vã nhiều mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu; co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái. Lưu ý không nên cho nạn nhân uống các loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu; không uống các loại vitamin B1, vitamin B6, axít folic... để giảm đau đầu vì rất có hại cho gan; các thuốc paracetamol, aspirin và một số thuốc giảm đau, hạ sốt khác nếu uống sẽ kích thích niêm mạc dạ dày gây chảy máu đường tiêu hóa.
Khi ngộ độc rượu cũng không nên dùng các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc được chất độc kịp thời sẽ làm tổn thương nghiêm trọng thêm, lâu ngày có thể bị xơ gan, ung thư gan.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet