Cháu bé sau khi được phẫu thuật
Bệnh nhi là cháu M.Đ, 21 tháng tuổi (thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, Ba Vì, TP Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 16/5 trong tình trạng đau đớn, kích thích, hoảng sợ do bị chó nhà cắn dập nát mặt, đã được gia đình băng bó tạm thời để cầm máu.
Mẹ bé Đ. cho biết đây là con chó becgie nhà nuôi vừa mới đẻ, do bé chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại, sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó đã chết. Điều này khiến người mẹ không lúc nào ngừng lo lắng về nguy cơ mắc bệnh dại của con trai mặc dù ngay sau khi bị cắn bé đã được tiêm phòng dại và điều trị tích cực theo các bác sĩ.
“Mọi ngày, các con tôi vẫn chơi đùa với nó, ai ngờ sự việc lại xảy ra bất ngờ đến vậy. Con trai tôi được tiêm phòng bệnh dại và con chó becgie chết cũng tiêm phòng thường xuyên. Tuy nhiên, con chó đã chết nên tôi vẫn lo lắng vì vẫn có nguy cơ chó mắc bệnh dại” – chị T. buồn bã nói.
Phim chụp cho thấy tình trạng nguy hiểm khi bé nhập viện
Trong thời gian điều trị tại khoa Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện Nhi Trung ương), cháu Đ. được các bác sĩ xử lý nhưng viết thương trên mặt và làm thủ tục phẫu thuật sớm nhất có thể cho cháu bé. Trong quá trình phẫu thuật, cháu Đ. đã được tạo hình lại vùng mặt, mắt, mũi, khoang miệng, đặt ống dẫn lưu, khâu phục hồi ống stenon (ống tuyến nước bọt)…
Sau khi phẫu thuật, cháu Đ. thể tự uống sữa và ăn cháo loãng. Chiều 21/5, cháu Đ. được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Trước đó, báo chí đã đưa nhiều tin về các vụ chó nhà tấn công các cháu bé. Điển hình như vụ cháu bé hơn 1 tuổi, ở Đắc Lắc bị con chó lai ở nhà cắn nát mặt, đứt gần hết mũi đầu năm 2018, theo Báo Thanh niên.
Mẹ cháu bé cho biết buổi trưa, sau bữa ăn cơm thì chị cho 3 con chó ăn. Trong lúc chị dọn dẹp, thì đứa con cầm que cà phê chọc chơi với mấy con chó ngoài sân.
Bỗng nghe con khóc ré lên, chị vội chạy ra sân thì thấy mặt con bê bết máu, một phần lỗ mũi không còn. Con chó lai 2 tuổi thường ngày vẫn chơi đùa với con thì mồm dính đầy máu.
Đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện, mặc dù đã được các bác sĩ tiến hành ghép phần cơ mặt, mũi bị đứt, nhưng do phần cơ, mũi để thời gian quá lâu (gần 12 giờ) nên khi ghép lại có thể sẽ bị hoại tử một phần.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm khoa Tạo hình - Sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc xin ngừa bệnh dại định kỳ.
Khi bị chó mèo cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại:
- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.
- Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.
- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.
- Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet