Tôi có một cô bạn thân là người Nhật Bản. Yoko năm nay đã 35 tuổi. Cô lấy chồng người Mỹ và chuyển đến New York ở với gia đình chồng. Tuy nhiên, từ sau khi sinh con, Yoko đã quyết định quay trở lại quê hương và sinh sống định cư tại đó. Quyết định này làm tôi có phần ngạc nhiên. Tại sao vậy? Từ bỏ giấc mơ Mỹ - nơi thiên đường bao người mong muốn đặt chân đến để quay về một vùng quê Nhật Bản thanh bình?
Nhân một lần sang Nhật công tác, tôi đã gặp Yoko và nghe cô bạn kể về lý do của mình. Chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều về chủ đề phương pháp nuôi dạy con cái kiểu Nhật Bản, một bà mẹ Nhật thì như thế nào? Văn hóa dạy con và mối quan hệ mẹ - con tại Nhật ra sao?... Tôi xin thuật lại với các bạn một phần của cuộc nói chuyện theo tôi là khá bổ ích và thú vị này.
Yoko này, bạn quyết định quay trở lại Nhật Bản khi con được bao nhiêu tuổi?
Chúng tôi quay trở lại Nhật Bản từ tháng 4/ 2010. Theo tôi đây là khoảng thời gian hợp lý bởi lúc đấy Motoki – con trai tôi vừa tròn 3 tuổi và sẽ sẵn sàng cho giai đoạn bắt đầu đi lớp tại một trường chuyển tiếp của Nhật – năm học thường được bắt đầu vào mùa Xuân.
Cấp học từ 3 tuổi ở Nhật đường gọi là Hoikuen, - một dạng giống như trường mẫu giáo ở Việt Nam. Trong đó, trường sẽ vừa giảng dạy vừa làm công tác chăm trẻ, bao gồm cả nuôi dạy và ăn uống hàng ngày từ 7h sáng đến 7h tối, 6 ngày trong tuần.
Học phí cũng khá phải chăng. Thay vì tốn 800$ một tháng (khoảng 16tr800 VNĐ) để học tại trường dạng Trước tiểu học (preschool) tại New York nửa buổi một ngày mà không kèm ăn trưa, thì tiền học tại trường Hoikuen ở Nhật chỉ tốn khoảng 150$.
Ở độ tuổi này, chương trình giáo dục tại Nhật không có giáo án với cấu trúc cụ thể. Motoki dành thời gian của mình tại trường chơi, ca hát, đọc sách, tập luyện thể thao và học hỏi những điều tự nhiên khác nhau. Phòng học của con luôn đầy những con bọ hay ếch mà lũ trẻ bắt được.
Motoki đang cùng các bạn ở trường Hoikuen nhổ khoai lang
Tập thể dục buổi sáng trong lớp.
Motoki giúp chuẩn bị bữa ăn trưa tại trường học
Ở bậc học này, các con chưa có đồng phục. Chỉ đội một cái mũ nhỏ đánh dấu phân lớp.
Lý do quay trở lại Nhật Bản của bạn là vì con?
Đúng vậy. Lý do lớn nhất cho việc di chuyển nơi ở là cho Motoki có thể học ngôn ngữ và văn hóa của Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta muốn thay đổi môi trường sống, ba tuổi sẽ là một thời điểm tốt bởi vì con sẽ không quá chậm trễ trong việc học một ngoại ngữ thứ hai. Ngôn ngữ đầu tiên của Motoki là tiếng Anh, nhưng chỉ sau một vài tháng, con đã có thể trò chuyện bằng tiếng Nhật và sau một năm, con đã thành thạo.
Motoki chơi chùng bạn bè trong khu phố.
Đây có thể là một quyết định kỳ lạ. Nhưng chúng tôi thực sự đã bỏ một trong những thành phố lớn nhất thế giới để về sống với một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi những đồng lúa ở Nhật Bản. Nếu bạn đã từng xem phim Totoro, khu phố chúng tôi ở y hệt như vậy. Nó thanh bình và gần như không cần quan tâm đến thời gian. Hầu hết hàng xóm của chúng tôi nông dân và người Nhật thường sống với ba hoặc bốn thế hệ của gia đình trong một nhà nên có rất nhiều trẻ em cũng như người lớn tuổi. Tại đây, Motoki con trai tôi sẽ có những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển theo những đức tính tốt đẹp của người Nhật.
Ở Nhật, các bà mẹ có hay trao đổi về chuyện con cái không?
Xã hội ở Nhật Bản là rất khác so với ở Việt Nam. Người Nhật lịch sự và tử tế nhưng họ cũng có nguyên tắc riêng, không nói quá nhiều về cảm xúc và các vấn đề con cái của họ. Nếu ở Việt Nam, các bà các mẹ thường ra sân khu tập thể, đứng ở vỉa hè hay sang nhà nhau hàng ngày để trò chuyện với các bà mẹ khác về con cái mình, về cân nặng của con, ngày ăn mấy bát, đi học mấy điểm… thì người Nhật lại không như vậy.
Cha mẹ Nhật không đem việc con mình giỏi hay thông minh ra để khoe khoang với người khác. Họ không khoe chiều cao, cân nặng của con, vì đó là thông tin cá nhân. Họ không khoe việc trẻ làm được việc này việc kia nhanh hơn so với quy định của lứa tuổi… vì nó sẽ dẫn đến việc con họ sẽ bị so sánh với con người khác. Nếu trẻ nhẹ cân hơn con bạn bè hay con hàng xóm thì mẹ sẽ bị mọi người xung quanh ì xèo rằng không biết nuôi con. Đứa trẻ đó sẽ bị đem ra so sánh với những đứa trẻ khác, điều đó rất không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Tôi thấy ở đây trẻ em thường tự đi học phải không Yoko?
Đúng vậy, trẻ em ở Nhật thì dường như độc lập hơn trẻ em ở Việt Nam. Nếu ở Việt Nam, nhiều bố mẹ đưa đón con đi học hàng ngày bằng ô tô, xe máy từ bậc mẫu giáo cho đến tận cấp 3 thì ở Nhật trẻ em thường bắt đầu đi bộ đến trường và về nhà một mình lúc 7 tuổi. Tôi nghĩ rằng đó là một phần do Nhật Bản rất an toàn. Vì vậy cha mẹ tin tưởng rằng họ có thể cho phép con tự đi đến trường và trở lại mà không cần lo lắng bất cứ điều nguy hiểm gì xảy ra.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em tự đi học này tại Nhật.
Nhưng trong chuyện chiều chuộng con, hình như mẹ Nhật thường có cách cưng nựng con rất khác?
Vâng, khác với các bậc cha mẹ Việt Nam cho rằng không nên để trẻ làm nũng hay bế trẻ khi chúng khóc “vạ” bởi như vậy sẽ khiến con sinh hư. Mẹ Nhật luôn thoải mái để con làm nũng, yêu chiều và bế nựng con khi khóc. Theo quan niệm của người Nhật, lúc trẻ khóc là lúc chúng cần tình yêu thương và sự quan tâm. Nếu ta lờ điều đó đi, trẻ sẽ gặp tổn thương trong tâm hồn, đồng thời không gắn kết được tình mẹ con. Cũng đừng lo để con làm nũng nhiều sẽ sinh hư và không tự lập. Người Nhật phân biệt rất rõ giữa “yêu chiều” và “nuôi chiều”. Trẻ được yêu chiều và làm nũng đúng mức độ sẽ nhận biết được bản thân mình luôn được yêu thương, từ đó hình thành tâm lý an tâm, không cần tỏ ra hư hay phá phách để gây chú ý.
Thực phẩm mẹ Nhật hay cho con ăn có gì đặc biệt không?
Tất nhiên người Nhật nói chung và trẻ em Nhật nói riêng đều ăn nhiều gạo. Gạo xuất hiện trong hầu hết các bữa ăn của người Nhật.
Hình ảnh một hộp Bento tôi làm cho Motoki mang đi học.
Ăn dặm kiểu Nhật có lẽ đã là một “từ khóa” rất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn tại rất nhiều quốc gia khác bởi độ phức tạp, độ thô khác biệt trong cách chế biến. Mẹ Nhật rất quan trọng chuyện dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên lại không quá chú ý tới cân nặng của trẻ. Sức khỏe của con không đánh giá chỉ qua số cân, số lạng con tăng mỗi tuần.
Với trẻ đã hơn 3 tuổi như Motoki con trai tôi, cơm hoặc Onigiri có lẽ là món ăn phổ biến nhất. Có thể đơn giản như cơm gói với nori (rong biển khô), hoặc cũng có thể có các loại nhân “bất ngờ” bên trong (rong biển, cá, trứng cá, cá ngừ, mận muối, vv ).
Một điển hình của thức ăn cho trẻ em ở Nhật bản là hộp Bento. Một hộp Bento thường gồm: cơm, trứng omelete, xúc xích/ cá/ thịt gà và rau.
Các bà mẹ Nhật thường trang trí hộp ăn trưa của con mình để thức ăn của chúng trông giống như nhân vật hoạt hình. Điều này kích thích con ăn ngon, ăn khỏe và đôi khi là “lừa” để bé tập ăn cả những loại thực phẩm mình không thích như: cà rốt, ớt chuông.v.v.
Lược dịch theo momfilter...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet