Bé Thành Công là con út trong gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Chì và chị Trần Thị Duyên ( xã Thuần Mỹ, Ba Vì). Rủi ro vượt cạn, chị Duyên đã tử vong, bé Công được phẫu thuật cứu sống. Công sinh ra nặng gần 4kg nhưng do di chứng não và thiếu sữa mẹ, hiện tại bé chỉ nặng hơn 1 kg, người co quắp và sống nhờ sự trợ giúp của bình oxy.
Ngày con sinh ra cũng là ngày mẹ mất
Giường bệnh nơi bé Vũ Thành Công nằm (khoa cấp cứu Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) những ngày này nhiều người đến thăm hỏi. Cậu sinh viên in logo trường Đại học Bách Khoa nghe thông tin từ một người bạn cũng đến chơi với gia đình bé, hỏi han tình hình. Từ ngày mẹ mất, đi lại quanh viện chăm bé chỉ có người bác họ với anh Chì (bố bé). Cả hai cứ lóng ngóng thay phiên nhau chạy vạy việc điều trị cho đứa trẻ 2 tháng tuổi kém may mắn.
Anh Chì cho biết trước bé Công vợ chồng anh đã có 2 con: 1 trai, 1 gái. Chị vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Suốt quá trình mang thai chị cũng siêu âm, xét nghiệm và làm đầy đủ các thủ tục thăm khám sức khỏe. Kết quả từ những lần ấy cả chị và con vẫn bình thường. Ngày sinh con, chị có dấu hiệu lâm nhẩm đau bụng. Anh cùng một chị bạn đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Bé Vũ Thành Công hiện tại chỉ hơn 1 kg, chân tay co quắp
8 giờ 30 phút sáng, anh đi làm thủ tục nhập viện. Người bạn đưa chị vào phòng sinh. Đến 11 giờ trưa, chị khám và được thông báo cổ tử cung mở 3 cm. 1 giờ chiều chị lên cơn đau dữ dội. Anh mang quần áo và đưa vợ vào phòng chờ sinh. 5 phút sau, từ trong phòng sinh y tá gọi anh thông báo về tình hình nguy kịch và khó khăn chuyển dạ của chị.
Anh bước vào, vợ anh nằm trên giường bệnh co rúm chân tay, mặt mũi tím đen, co quắp. Chị được chuyển lên tầng 2 bệnh viện mổ cấp cứu. 5 giờ chiều hôm đó, vợ anh tiếp tục được chuyển từ Bệnh viện Ba Vì đến Bệnh viện Bạch Mai. Chị Duyên tử vong với lý do mất nhiều máu. Đứa trẻ may mắn được cứu sống ngay trong những giờ phút cuối cùng của mẹ. Bé được đặt tên là Vũ Thành Công.
Điều trị cho con từ tiền hậu sự của mẹ
Cái tên Vũ Thành Công được anh đặt cho con như ước nguyện và lời tri ân anh dành cho vợ. Anh vẫn nhớ nụ cười của chị trước khi chào anh vào phòng sinh như mọi lần chị tiễn anh đi làm xa mãi tận Quảng Ninh, Cẩm Phả. Ngày anh theo xe của viện đưa chị cấp cứu lên Bạch Mai, chị vẫn cố nắm chặt lấy tay anh bằng chút sức lực cuối cùng trong giờ phút sinh tử. Rồi chị mất. Con anh được sống nhưng đứa bé 2 tháng tuổi vẫn đang ngày đêm vật vã với đủ thứ bệnh tật trên đời từ phổi, dạ dày đến cả bại não.
Từ ngày chị đi cũng là ngày bé Công bắt đầu những ngày chiến đấu với bạo bệnh. Nằm lồng kính hết 2 tháng, Công được chuyển nằm ngoài nhưng sức khỏe yếu. 2 tháng nằm viện, con không ăn được, tim đã nhiều lần ngừng đập. Anh Chì lại tức tốc chạy vạy tiền xin bệnh viện lấy thêm 1 máy nữa kích lên tim con mới hồi phục trở lại. Tiền người ta phúng viếng vợ, tiền hậu sự của người mẹ mới mất anh cũng gom góp hết để điều trị cho con.
Anh Chì hiện tại vẫn đang rất lo khoản chi phí điều trị cho con những ngày sắp tới
Công không được ăn sữa mẹ. Những người cùng phòng thương tình lại vắt sữa cho con. Anh vừa làm cha vừa giữ luôn thiên chức làm mẹ. Hàng này, anh vẫn thay tỉ mỉ truyền, bơm sữa qua ống xông, nắn bóp chân tay cho con từng li từng tí. 2 tháng tuổi nhưng bé chỉ được 1,8 kg, chân tay cứng đơ, co rúm không nằm thẳng như người bình thường. Nước mũi, nước miệng con cứ trào ra liên tục.
Trưa, tại phòng cấp cứu Nhi – Bệnh viện Bạch Mai người đàn ông mặc áo bò xanh cũ mèm đứng tựa đầu ngoài cửa. Dáng khắc khổ, tiều tụy của anh chẳng giống ai. Anh đang chạy vạy khắp nơi, nhờ vả họ hàng để lo tiền chữa bệnh cho con.
“Tiền người ta phúng viếng vợ, tôi dồn hết vào điều trị cho con. Giờ hết rồi, mà viện phí nhiều quá”, anh khóc, giọt nước mắt chạy trên khuôn mặt nhàu nhĩ, chằng chịt nếp nhăn vì những đêm thức trắng. Có lẽ ước mơ tới ngày được bế bé Thành Công về nhà với anh vẫn còn xa vời quá.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet