“Chúng tôi không bị lạc”
Các thành viên trong đoàn 20 người được cho là đi lạc trên núi Bà Đen ngày 11/1 đều khẳng định điều đó với phóng viên Lao Động. Tại sao như vậy, vì họ cùng chung quan điểm với phần đông ý kiến của độc giả, Bà Đen quá dễ đi, không dễ gì bị lạc. Nhưng tại sao lại phải gọi cứu hộ, chỉ những người trong cuộc mới hiểu và tường tận sự tình.
Theo Phạm Kim Ngân - thành viên trong đoàn - thì nhóm leo núi hôm đó gồm 20 người, 9 nữ và 11 nam. Con số này vượt ngoài dự tính và khiến nhiều thành viên khác trong đoàn bất ngờ. Vì ban đầu, họ được thông báo là chỉ có 12 người, đều là những phượt thủ từng có kinh nghiệm leo núi, nhưng sau đó người dẫn đầu của nhóm có tuyển thêm một vài thành viên mới, có người sợ độ cao và yếu về thể lực.
Và câu chuyện cũng bắt đầu từ đó, người mạnh, người khỏe, người có kinh nghiệm, người lại non tay nên về sau nhóm gặp sự cố và phân tách.
“Nhóm xuất phát từ Sài Gòn lúc 2h sáng chủ nhật, đến chân núi Phụng lúc 6h30 sáng. Dự định ban đầu leo Ma Thiên Lãnh, nhưng muốn thử thách cả nhóm, nên mọi người quyết định bẻ cung leo từ Núi Phụng, qua núi Heo, rồi mới đến núi Bà, có nghĩa là qua 3 đỉnh” – thành viên Phan Ngọc Bảo cho biết.
Các thành viên trong nhóm phượt này cũng không chọn đường mòn có sẵn, thay vào đó là leo ghềnh đá từ chân núi Phụng, sau đó là chui qua rừng dây leo. Và cũng vì bẻ cung ngay từ đầu, cộng thêm thể lực các thành viên không đồng đều nên sau khi chinh phục được 90% hành trình thì một vài người tụt lại phía sau.
“Vì đi cung đường mới ít người đi, nên nhóm rất khó khăn trong việc di chuyển, lúc này có vài thành viên có dấu hiệu xuống sức, một anh bắt đầu chuột rút, một bạn sợ độ cao khóc, nhưng cả nhóm vẫn hỗ trợ và động viên nhau để tiếp tục di chuyển, có chậm hơn so với dự kiến. Đến 5h chiều cùng ngày nhóm bắt đầu chinh phục tảng đá to nằm ở lưng chừng núi” – Ngọc Bảo kể lại hành trình leo Bà Đen “nhớ đời” của mình.
Cũng do nhóm có người bị thương, nên tất cả đã thống nhất tách ra làm hai nhóm: Một nhóm gồm những bạn yếu cộng thêm với những người mạnh nhất đễ hỗ trợ, động viên tinh thần các bạn này, nhóm còn lại đi trước. Nhưng do thể lực không đều, nên nhóm quyết định quay xuống núi, trong khi nhiều người chưa lên đến đỉnh.
“Lên núi thì khó, chứ xuống núi thì dễ vô cùng, đặc biệt lại là một ngọn núi cô lập như Bà Đen”- một thành viên khác khẳng định. Nhưng vẫn quyết định gọi cứu hộ là vì: Chuyện phát sinh như thế này, lead dẫn đường không may trượt chân bị bong gân nằm tại chỗ không di chuyển được, nhóm hỗ trợ lead chăm sóc vết thương, lúc này một số bạn trong nhóm hoảng loạn vì không được lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên ngủ đêm trong rừng đòi gọi người tới giúp, tâm trí rất bất an, nhưng cả nhóm không đồng ý. Nhưng sau đó, một số thành viên khác nghĩ, gọi hay không là quyền của các bạn đó và nhóm tôn trọng nếu điều này giúp họ trấn an tinh thần, để tránh hoảng loạn. Nhưng không ai thông báo là bị lạc, chỉ là nhờ giúp đỡ. Vì chúng tôi vẫn có thể tìm được đường xuống núi” – Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Đó là câu hỏi của rất nhiều độc giả sau khi đọc được thông tin về nhóm đi lạc đặt ra với nhóm bạn trẻ này. Có người còn đặt ra giả thiết phải chăng bản năng sinh tồn của các bạn trẻ chưa đủ mạnh, để có thể dùng các cách khác nhau để tìm đường xuống núi.
Về vấn đề này, một thành viên giải thích với Lao Động: “Trên núi lúc đó vẫn có thể dùng được GPS, smartphone vẫn có thể hoạt động bình thường. Nhưng dù có dùng cũng không dễ như mọi người tưởng. Vì GPS áp dụng tìm đường ở đồng bằng thì dễ, còn trên núi thì rất khó khăn. Vì tính theo đường chim bay là còn 1km, nhưng phía trước đó còn có không biết bao nhiêu hang sâu hoặc vách đá dựng đứng... hoàn toàn không khả thi. Nhóm đã chọn cách cho một bạn đi tiền trạm.
Chúng tôi cũng đính chính là nhóm vẫn có khả năng xác định được phương hướng di chuyển chứ không phải là bị mất phương hướng như việc một vài phương tiện truyền thông nêu. Việc leo Bà Đen nhiều và đi theo hướng Ma Thiên Lãnh thì có thể để ý có rất nhiều lối mòn của người dân đi lên” – Nguyễn Tuấn Anh giãi bày.
Hình ảnh nhánh lan rừng do một thành viên trong nhóm ghi lại trong chặng đường leo núi Bà Đen. Ảnh: Phạm Kim Ngân
“Khi leo núi chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho trường hợp “sinh tồn” giả định. Đã mang theo 1 bộ kits tiện cho việc nấu ăn và sinh tồn trong thời gian 3 ngày. Cũng đã tính đến khả năng nếu hết nước mà chưa xuống chân núi sẽ uống luôn nước tiểu. Nhưng chúng tôi đã tìm xuống tới khu vườn chuối, chanh và đã lấy nước chanh uống cho đỡ khát".
Câu chuyện đã qua và may mắn các bạn trẻ là đã an toàn trở về. Nói về cảm xúc của chuyến đi này, Kim Ngân coi đó là chuyến đi để đời của mình và cảm giác khi đặt chân xuống chân núi giống như vừa từ hành tinh khác trở về trái đất.
Còn Nguyễn Tuấn Anh cũng coi đây là một bài học, vì nguyên tắc của đoàn phượt trước khi lên đường là phải tuyển chọn thành viên thật kỹ, có sức khỏe đồng đều, nhưng nhóm đã không làm điều đó.
“Để hoàn thành chuyến đi không may xảy ra cơ sự đáng tiếc. Ngoài việc gửi lời cảm ơn tới lực lượng cứu hộ đã nhiệt tình giúp đỡ ở gần chân núi, thì điều để giúp mọi người vượt qua sự hoang mang, lạc lõng, sợ hãi, chia rẽ, đói, khát, lạnh, cô đơn.... chính là tinh thần. 15 tiếng đồng hồ trên núi, chửi có, mắng có, buồn có, giận có, năn nỉ có, lạnh lùng có, im lặng có, động viên, nhưng trên hết mọi người vẫn ở bên nhau, tạo niềm tin cho những thành viên yếu trong đoàn, người bị thương tiếp tục hành trình tìm đường xuống núi” – Tuấn Anh nhớ lại.
Sai lầm tiếp theo của nhóm được các thành viên nhìn nhận là khâu chuẩn bị chưa thật kỹ. Nước mang đầy đủ, nhưng do chủ quan, cứ nghĩ thời gian lên tới đỉnh chỉ mất 2-3 tiếng nên nhóm đã “tiêu dùng” quá đà, lấy rửa tay, rửa mặt nên mới bị thiếu. Theo Kim Ngân, thì nhóm còn không chuẩn bị dụng cụ đề phòng như đèn pin trong trường hợp chưa xuống núi kịp trước khi trời tối.
“Mình cũng hơi sốc khi màn đêm buông xuống, chỉ duy nhất mình có đèn pin và pin dự phòng. 20 con người dò tìm đường nhờ vào duy nhất tia sáng đó” – Kim Ngân chia sẻ.
Thêm nữa, khi một thành viên gọi cho lực lượng cứu hộ và thông báo cho bạn bè nhờ giúp đỡ, do mọi người quá lo lắng nên thông tin bị nhiễu loạn.
Còn theo Phan Ngọc Bảo thì những ai có ý định leo núi và những người lần đầu leo núi thì nên tham khảo bài học của nhóm trước khi lên đường: “Thứ nhất cần tuyển chọn thành viên thật kỹ. Tiếp theo, đối với những người mới tham gia thì nên có quá trình rèn luyện thể lực, test khả năng chịu độ cao và có những chuẩn bị chu đáo nhất có thể”.
Câu chuyện đã lắng dịu, mỗi thành viên trong nhóm đã có bài học cho riêng mình và có những phút ngẫm lại sau chuyến đi “để đời”. Và đúng như các bạn trẻ nói, không ai biết trước mọi việc trong mỗi chuyến đi, nhưng ai cũng có thể làm hạn chế tối đa những sự cố đáng tiếc, nếu mỗi người chuẩn bị chu đáo, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chuyến đi thực sự trọn vẹn, trải nghiệm thêm đong đầy.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet