Nội dung
Ăn cá nóc trên đất phù tang

Món ăn được dọn ra, bên cạnh nhiều chén nhỏ đựng nào là hành xắt, củ cải nghiền, ớt đỏ xay nhuyễn, chén giấm là một đĩa lớn được bày ở giữa, có in hình cô gái mặc kimono. Nhìn kỹ lắm mới thấy rõ là trên mặt đĩa có xếp một lớp cá sống có thịt màu trắng rất ngon.

Nhấp một ngụm sake nóng, gắp lát cá sống nhúng vào chén giấm có hành, củ cải, ớt đỏ băm nhỏ - còn gọi là giấm ponzu - đưa vào miệng nuốt chậm mà cảm nhận vị lành lạnh thơm ngát ngọt ngào của món cá sống.

Người Nhật giới thiệu đây là cá fugusashi, tức cá nóc ăn sống. Thật kinh ngạc vì đó là loại cá Việt Nam đang khuyến cáo - nếu không nói là cấm - không nên ăn.

Fugu tức cá nóc. Tại các nhà hàng nổi tiếng, mỗi suất ăn giá từ 100-200 USD, tuy nhiên tại các nhà hàng bình dân thì chỉ 15-20 USD. Fugu được chế biến thành nhiều món ăn và được giới sành ăn đánh giá cao như fugusashi, fugu - zõsui, hiezake, chiri-nabé... trong đó, fugusashi là món cá nóc ăn sống, là món cao cấp nhất và được trình bày rất mỹ thuật.

Một người Nhật giải thích, con cá nóc chứa đựng điều nghịch lý. Món cá này tuyệt hảo, ngon từ trong ra ngoài. Xương thì chiên lên để ăn, da thì cắt vào trong món sashimi. Thế nhưng gan, buồng trứng và một số cơ quan khác của nó chứa chất độc gây chết người.

Cá nóc có tên khoa học là Diodon holacanthus, nó chứa một số lượng Tetrodotoxin là một chất độc thần kinh rất mạnh, chỉ cần liều lượng bằng đầu kim đã có thể gây ngộ độc và cướp đi mạng sống của một người rất khỏe mạnh. Chất này độc hại hơn Cyanide gấp 1.200 lần và một con cá nóc chứa đủ chất độc để giết chết 30 người.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật, có hơn 100 loài cá nóc và tất cả đề có chứa chất độc. Có năm, gần 100 người Nhật đã chết vì độc tố của con cá lạ lùng này, hầu hết xảy ra nơi những vùng không được huấn luyện để chế biến loại cá độc.

Một trong những người nổi tiếng nhất của Nhật về bộ môn Kabuki là nghệ sĩ Mitsugoro Bando VIII, đã bị chết bởi độc tố của cá nóc. Cá nóc là một món ăn duy nhất không được phép phục vụ Nhật hoàng.

Trong cuốn từ điển cổ của Nhật Bản, người ta gọi cá này là huku, là một loài “thủy trư”, từ này còn có một nghĩa khác là hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu xác nhận rằng văn hóa ăn cá fugu đã có từ 2.000 năm trước.

Vào thời Minh Trị Thiên hoàng, món cá nóc bị cấm ăn, ai mà lén lút ăn, khi bị phát hiện sẽ chịu phạt nặng, đặc biệt là các Samurai (hiệp sĩ) thì bị khai trừ và phạt nặng hơn dân thường. Cho đến giữa thế kỷ XIX, Thủ tướng Ito Hirofumi đã bãi bỏ lệnh này. Bởi một lần khi đến thành phố Shimonoseki thuộc tỉnh Yamaguchi, Thủ tướng Ito Hirofumi đã ghé dùng bữa tại nhà hàng Shupanro, tại đây ông được người bếp trưởng chế biến món cá nóc “để đãi khách quý”.

Là người sành ăn, ông phát hiện vị ngon đặc biệt của con cá nóc và thấy việc loại bỏ nó như lâu nay là phí của trời. Từ đó, chính phủ cho dân chúng được ăn cá nóc nhưng kèm theo nhiều luật lệ quy định nghiêm khắc như chỉ có những đầu bếp được đào tạo qua trường lớp, có thời gian thực tập lâu dài mới được phép chế biến.

Trải qua hơn một thế kỷ, nhà hàng Shunpanro ở Yamaguchi ngày càng nổi tiếng vì món ăn chế biến từ cá nóc và tính lịch sử của nó. Ngày nay, có rất nhiều chi nhánh nhà hàng Shunpanro ở các thành phố lớn của Nhật Bản, thực khách hầu hết là giới thượng lưu hoặc chính khách nổi tiếng tiếp đãi khách quý.

Tỉnh Yamaguchi, đặc biệt là thành phố Shimonoseki thuộc đảo Honshu, nổi tiếng vì cá fugu mà dân trên đảo gọi là cá huku theo cổ ngữ. Ở đây có một chợ đặc biệt chỉ chuyên bán cá nóc. Chợ bắt đầu họp từ 3 giờ sáng, chỉ có những người đàn ông hiểu rành về con cá nóc mới được vào đây. Cá nóc được bán sống và không niêm yết giá. Việc mua bán diễn ra rất lạ lùng, các cuộc mặc cả giá không diễn ra bằng lời mà bằng các ra dấu bằng tay. Điều lạ lùng là người mua và người bán cùng luồn tay vào trong cái ống bằng vải màu đen được che kín để... mặc cả. Đắt nhất và cũng ngon nhất là tigerfugu (cá nóc cọp), giá hơn 100 USD một con.

Tại chợ Haedoman ở Shimonoseki, chỉ riêng cá nóc, doanh số bán đã lên đến 40 triệu USD mỗi mùa đông.

Ngay cả người Nhật, có dịp đến Yamaguchi thường ngạc nhiên không hiểu món fugusashimi là món cá nóc ăn sống rất đắt tiền lại bày bán tại siêu thị bình dân. Thành phố này nổi tiếng nhờ cá nóc đến nỗi người ta dùng con cá này để làm biểu tượng cho thành phố.

Ngày nay, vì nuôi cá nóc có lợi nhuận cao nên nhiều vùng biển ở tỉnh Mie bên cạnh Osaka, ngư dân đã bỏ nuôi ngọc trai để chuyển qua nuôi cá nóc.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Chè sen làng Mỹ Độ

Người dân làng Mỹ Độ (Bắc Giang) có nghề làm chè sen lâu đời. Chè ở đây được ướp bằng sen bách diệp, loài thơm và hiếm nhất. Một nhúm chè trong ấm nhỏ cũng có thể làm ẩm khách có cảm giác như đang đứng trước một đầm sen bách diệp.

Xem thêm  

8 món ăn ngon của người Hoa ở Sài Gòn

Cùng với ẩm thực các vùng miền, các món ăn của người Hoa mang nét đặc trưng riêng biệt góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực đa sắc của người Sài Gòn. 1. Hủ tiếu cá ​ Hủ tiếu cá là món ăn nổi...

Xem thêm  

Cá bống trứng mùa nước son

Mùa nước sông Hậu chuyển sang nhuốm đỏ cũng là mùa cá bống trứng ngon nhất. Cá bống trứng kho tiêu ăn với cháo tép bạc nóng là món khó quên đối với thực khách.

Xem thêm  

Khám phá món ăn đường phố Hàn Quốc qua bộ phim Ký sự Kim Chi

Ký sự Kim Chi, bộ phim truyền hình kết hợp hai yếu tố du lịch và ẩm thực, ghi lại chuyến hành trình khám phá Hàn Quốc của đầu bếp nổi tiếng thế giới Jean-Georges và vợ Marja Vongerichten. Trong tập Street Food (Món ăn đường phố Hàn Quốc), Marja đã nếm thử những món ăn vặt được ưa chuộng nhất của xứ sở Kim Chi, từ ngọt lịm như kẹo mật ong đến độc đáo như nhộng hấp. 

Xem thêm  

Súp Miso của Nhật Bản

Súp Miso là một món ăn truyền thống của người Nhật, thường được dùng với cơm trắng trong bữa điểm tâm, làm món khai vị hoặc bữa trưa nhẹ. Công thức chế biến do độc giả Nguyễn Thị Mỹ Nhung gửi đến.

Xem thêm