Có thể nói, rất ít người có ý thức chủ động đi khám hay kiểm tra sức khỏe sinh sản từ sớm. Một số ít chịu đi khám là khi được người yêu hay gia đình hai bên thúc ép. Số nhiều hơn đi khám là khi đã kết hôn, gặp phải các rắc rối về sinh nở rồi mới tới cầu viện bác sĩ. Điều này cực kỳ nguy hiểm.
Thực tế khám bệnh ở một số bệnh viện ở TP. HCM cho thấy, phần lớn trường hợp mắc các bệnh liên quan hay có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như bất thường cơ quan sinh dục, nhiễm sắc thể, tinh hoàn ẩn, lỗ tiểu đóng thấp, HIV… khi được phát hiện đều rơi vào những người đã lập gia đình hoặc chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên khi đó tình trạng bệnh có thể đã trở nên nghiêm trọng, quá trình điều trị phải kéo dài, tốn kém hơn, thậm chí không ít trường hợp mất luôn khả năng sinh sản và không thể phục hồi.
Ảnh minh họa.
Những người trẻ hơn - ở tuổi thanh niên chưa lập gia đình, không hoặc ít phát hiện ra bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản đơn giản vì các bạn không chịu đi khám từ sớm. Đa số bạn trẻ đều nghĩ rằng, nếu cần khám sức khỏe sinh sản thì chỉ cần tiến hành khi chuẩn bị sinh con. Chỉ vì sự chủ quan đó mà không ít bạn đã phải gánh lấy hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng xấu đến khả năng làm bố, làm mẹ trong tương lai.
Theo các bác sĩ sản khoa, nếu có bệnh, khám và phát hiện sớm sẽ mang đến cơ hội điều trị cao hơn. Do vậy, các bạn trẻ nên mạnh dạn đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản từ sớm, tốt nhất là lúc dậy thì, trễ hơn là khi 18 tuổi hoặc trước khi kết hôn. Dưới đây là 6 xét nghiệm, kiểm tra bạn nên làm ở giai đoạn này:
Khám lâm sàng
Là các thủ thuật khám bên ngoài, bác sĩ quan sát, dùng tay khám cơ quan sinh dục, vùng ngực để phát hiện các dấu hiệu bất thường như viêm nhiễm, lở loét, dị tật, các khối u ở ngực, mụn nước ở cơ quan sinh dục; hay giãn tĩnh mạch tinh, teo tinh hoàn, lỗ tiểu đóng thấp… Đối với các bạn nữ, thời điểm thích hợp nên đi khám là sau khi sạch hẳn kinh nguyệt từ 3-5 ngày.
Siêu âm bụng, vùng kín
Mục đích nhằm để kiểm tra tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, sự phát triển của trứng, dày của nội mạc tử cung, phát hiện các khối u (ở nữ); cũng như những bất thường về cấu trúc cơ quan sinh dục nam, tuyến tiền liệt, u tuyến tiền liệt…
Ảnh minh họa.
Nột tiết tố
hormone có liên quan mật thiết đến khả năng sinh sản. Mục đích của xét nghiệm này nhằm kiểm tra lượng hormone trong cơ thể có bất thường như nhiều hay ít quá hay không. Thông qua đó sẽ biết được tình trạng hoạt động của buồng trứng, khả năng dự trữ noãn của buồng trứng, tuyến yên hay của tinh hoàn… Đối với các bạn nam, thời điểm “vàng” để thực hiện xét nghiệm này là từ 7h30-11h. Đối với các bạn nữ, có nhiều thời điểm khác nhau tùy thuộc vào từng xét nghiệm, chẳng hạn ngày thứ 2-4 vòng kinh để xét nghiệm FSH, LH, ngày thứ 21-28 để xét nghiệm Progesterone hoặc bất kể ngày nào của vòng kinh nếu xét nghiệm Prolactin, Estrogen… Nếu thực hiện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể.
Xét nghiệm tinh địch đồ
Đây là xét nghiệm đặc thù đối với các bạn nam nhằm để kiểm tra số lượng, hình dạng, khả năng di chuyển của “tinh binh”. Đối với xét nghiệm này, trước đó, các chàng nên kiêng “xuất binh” từ 3-5 ngày để kết quả được chính xác. Nên giữ tinh thần thoải mái, đi tiểu, vệ sinh tay, bộ phận sinh dục sạch sẽ trước khi lấy tinh trùng. Thực hiện lấy tinh trùng bằng biện pháp thủ dâm tại phòng lấy tinh trùng của bệnh viện.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Không ít bạn nghĩ rằng chỉ khi nào làm "chuyện ấy" với nhiều người thì mới cần đi khám bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thực tế có những bạn trẻ bị lây bệnh nhưng không hề biết, bệnh không hề có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, cả những bạn từng “yêu đương” lẫn chưa “vượt rào” đều nên đi làm xét nghiệm này. Bao gồm các xét nghiệm về bệnh lâu, giang mai, HIV, HPV, viêm gan B, C…
Yếu tố di truyền
Hay còn gọi là xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể, chỉ thực hiện nếu bác sĩ phát hiện bất thường như bất thường hình thể cơ quan sinh dục, tinh dịch đồ… hoặc bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền liên quan đến khả năng sinh sản. Xét nghiệm này để kiểm tra về số lượng, cấu trúc nhiễm sắc thể có thay đổi so với nhiễm sắc thể chuẩn của người bình thường. Khi nhiễm sắc thể bất thường sẽ gây nên những trở ngại nhất định về khả năng sinh sản.
Cả nam và nữ giới trưởng thành đều nên duy trì thói quen khám phụ khoa, nam khoa ít nhất 6 tháng/lần để nắm rõ sức khỏe sinh sản cũng như kịp thời phát hiện những bất thường nếu có.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet