“Bố mày đi lấy vợ khác rồi, không về với mày nữa đâu.”
Hoặc là “Mẹ mày đi lấy chồng khác rồi, không về với mày nữa đâu.” Đây là câu rất hay để được đưa ra dọa dẫm khi đứa trẻ khóc quấy đòi bố hoặc mẹ trong trường hợp bố/mẹ đang đi vắng còn trẻ đang được người khác trông. Người lớn nào cũng hiểu rằng đó là câu nói để mua vui hoặc cho đỡ... bực khi việc trông trẻ trở nên mệt mỏi nhưng trẻ con rất dễ hiểu đó là sự thật, có tâm lí lo sợ hoang mang vì nghĩ bố mẹ sẽ thật sự không về với chúng nữa.
Gọi con gái là “vịt giời”, “thị mẹt”
Gia đình sinh con gái một bề rất hay nhận được những câu châm chọc về chuyện nhà toàn “vịt giời”, “thị mẹt”, mai sau con gái lớn chỉ có bay đi hết, không giúp gì được cho bố mẹ. Những câu nói hồn nhiên được thốt ra trong lúc “tám” chuyện cho...vui miệng này có thể khiến các bé gái nảy sinh tâm lí tự ti, mặc cảm từ bé, kìm hãm tham vọng phấn đấu trong trẻ vì trẻ sẽ có suy nghĩ, có cố gắng thế nào thì mình cũng không có giá trị gì đối với bố mẹ, mình chỉ là... “vịt giời” mà thôi.
Có những câu nói tưởng chi là đùa vui mà đi sâu cả vào kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ, vô tình khiến trẻ tổn thương mãi về sau. (Ảnh minh họa)
Nựng nịu con trai là “đích tôn”, “thằng cu chống gậy”
Đừng nghĩ rằng kiểu gọi đùa này chỉ khiến các bé gái mặc cảm bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà chính các bé trai cũng bị ảnh hưởng tâm lí không tốt. Bé trai rất dễ nảy sinh tư tưởng kiêu căng, tự phụ, coi mình luôn là “trung tâm của vũ trụ”, mình không cần để ý đến người khác mà người khác luôn phải quan tâm, phục vụ mình.
“Hư... thì đem ra chợ bán/đem cho ông Ba Bị bắt nhé.”
Người lớn rất hay có thói quen tạo ra những nhân vật, những hành động đáng sợ như “ông Ba Bị”, “con ma” hay “đem ra chợ bán” khi muốn hù dọa, bắt trẻ phải vâng lời. Có thể khi trẻ lớn, chúng sẽ tự hiểu rằng những lời dọa dẫm kia hoàn toàn là bịa đặt nhưng để trẻ phải sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi vì những thứ vô lý, hoang đường thực sự không hề tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
“Thằng bé/con bé này chẳng giống bố gì cả. Hay là con của bác hàng xóm?”
Một đứa trẻ không có nhiều nét giống bố có thể phải hứng chịu những câu bông đùa “kém duyên” suốt cả thời ấu thơ: ‘A, hay thằng này/con này là con bác hàng xóm!” Trẻ nhỏ không thể hiểu hết sự bông đùa trong lời nói, chúng chỉ nảy sinh tâm lí bối rối, lo lắng có điều gì đó không bình thường, ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai bố con.
“Mẹ có em bé mới, chuẩn bị ra rìa nhé!”
Có lẽ 10 đứa trẻ Việt Nam khi mẹ sinh thêm em bé mới thì 9 trẻ đã từng nghe câu nói này. Thay vì động viên, khuyến khích trẻ biết yêu thương, chào đón em bé nồng nhiệt thì với kiểu nói này, người lớn lại vô tình làm trẻ chán ghét, ganh tị với em vì sợ hãi rằng mình sẽ bị bố mẹ bỏ rơi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet