1. Đổi mới và sáng tạo
Rõ ràng để khởi nghiệp, bạn phải có thứ gì đó “mới” trong đầu. Không nhất thiết phải là một phát kiến vĩ đại chưa từng ai biết tới hay một sản phẩm mới chưa từng xuất hiện trên thị trường, chỉ một ý tưởng giúp cải tiến và biến những thứ đã có trở nên tiện dụng, hữu ích và thú vị hơn cũng có thể là nền tảng cho bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp nào.
Làm khởi nghiệp đồng nghĩa với việc tìm điều gì đó mới. Ảnh minh họa (Internet). |
Hãy xem trên thị trường hiện nay, có vô số các bạn trẻ “tiến công” vào những địa hạt đã cũ, như thời trang, ẩm thực hay café. Thế nhưng, không shop quần áo nào giống nhau, cũng như mỗi quán café lại mang một concept khác biệt, thu hút những đối tượng khách hàng riêng. Thị trường rộng lớn và cạnh tranh vừa đem đến những thách thức, vừa tạo ra các cơ hội để ta “xào nấu” một mảng sản phẩm dịch vụ cũ theo cách của riêng mình.
Người khởi nghiệp giỏi trước hết là người có sự nhạy bén thương trường, dám tìm tòi và thử sức. Hãy nhìn vào chuỗi café nhượng quyền Cộng giờ “phủ sóng” khắp các quận của thủ đô Hà Nội, với phong cách thiết kế, bày trí không lẫn đi đâu được.
Một góc nhỏ của Cộng cà phê. |
Lấy cảm hứng từ màu xanh áo lính và những nét đặc trưng gợi nhắc Hà Nội của thời bao cấp, Cộng café đem tới một cảm giác hoàn toàn mới lạ, khác biệt và đồng bộ. Sự thống nhất về ý tưởng xuyên suốt hệ thống các cửa hàng, nên dù menu chẳng có gì đặc biệt (nếu không muốn nói là có phần tầm thường, nhàm chán), người ta vẫn đến Cộng như một …thói quen, để trải nghiệm những gì rất riêng, vừa quen, vừa lạ mà ít có không gian hàng quán nào tại Hà Nội có thể đáp ứng trọn vẹn đến thế.
Lẽ dĩ nhiên, sáng tạo hay đổi mới cũng phải tuân theo những quy tắc nhất định. Đừng chỉ lao theo những suy nghĩ của riêng mình, hãy nghiên cứu, hãy điều tra và hãy tìm điểm giao thoa giữa năng lực sáng tạo của bạn với khả năng chấp nhận của khách hàng. Thêm vào đó, đừng bao giờ ngừng sáng tạo và đổi mới. Ngay cả khi bạn đã bắt đầu từ một thứ mới toanh, hãy nhớ rằng nó cũng sẽ sớm trở nên cũ kỹ.
Khởi nghiệp với những loại hình kinh doanh không mới, song nhiều đơn vị đã chọn cạnh tranh bằng "dịch vụ" hay "trải nghiệm" khác lạ, thay vì "cố" đem đến một sản phẩm tốt hơn. |
2. Bài toán lợi nhuận
Nhiều người nói họ sẽ khởi nghiệp bởi họ có một ý tưởng hay, một phát kiến mới cần được hiện thực hóa. Thế nhưng, dường như họ đã quên mất yếu tố cơ bản nhất: họ đang làm kinh doanh. Vậy nên, đừng chỉ làm vì bạn muốn, hãy làm vì bạn muốn và bạn cảm thấy có thể làm. “Có thể làm” ở đây ám chỉ khả năng thu về lợi nhuận.
Có thể nhiều người sẽ khoát tay, cho rằng đây là một lời khuyên thừa và chẳng ai lại không rõ điểm này. Thế nhưng, thực tế chứng minh có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chăm chăm tìm cách thúc đẩy doanh số, song lại rất mơ hồ về tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa: bạn cần thu về lợi nhuận. Lợi nhuận, chứ không chỉ là doanh thu.
Hãy quan tâm tới lợi nhuận thay vì chỉ lo "đếm" số bán hàng. Ảnh minh họa (Internet). |
Ai cũng biết, lợi nhuận là phần bạn thật sự thu về sau khi đã trừ đi mọi chi phí phát sinh. Thế nhưng, phải chăng cứ có lợi nhuận dương là bạn thành công. Trong ngắn hạn, bạn thậm chí có thể chịu lỗ để xây dựng và phát triển mô hình, nhưng trong dài hạn, yêu cầu lợi nhuận trở nên cực kỳ cấp thiết, bởi không chỉ giúp bạn hoàn vốn, chi trả các khoản vay, các chi phí nhân công, nguyên liệu… lợi nhuận mở ra cho bạn tầm nhìn vào tương lai. Bạn có thể đầu tư vào đâu, có thể mở rộng cái gì, có thể cải thiện những điểm nào và thúc đẩy việc làm ăn ra sao, tất cả là bài toán bạn cần giải quyết với dữ kiện lợi nhuận của mình. Tỉ suất lợi nhuận cũng thể hiện khả năng tối ưu hóa các nguồn lực và vị thế phát triển của một doanh nghiệp.
3. Bài toán dòng tiền
Sau lợi nhuận, người khởi nghiệp khôn quan phải biết chú ý tới dòng tiền. Trong khi lợi nhuận là thứ giá trị hữu hình bạn có thể tính toán, đánh giá và thật sự nắm giữ khi kết thúc một chu kỳ hoạt động, dòng tiền lại là phương diện biến đổi khôn lường mà bạn phải luôn theo sát. Tùy vào quy mô hoạt động kinh doanh mà bài toán dòng tiền có thể đơn giản hay vô cùng phức tạp.
Hiểu một cách đơn giản, kiểm soát dòng tiền là việc bạn nắm bắt chính xác nguồn tiền mặt mà bạn đang có, đồng thời “đọc vị” những thay đổi của nó sẽ diễn ra trong tương lai. Việc kiểm soát hai chiều vào – ra trong ngắn hạn của tiền sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định chính xác, an toàn và hiệu quả.
Hãy cân nhắc cả "đầu vào" và "đầu ra" của tiền để có những quyết định đúng đắn nhất. Ảnh minh họa (Internet). |
Nghe thì đơn giản nhưng rất nhiều doanh nghiệp hiện nay, bất kể lớn nhỏ, đều chủ quan với khái niệm tài chính cơ bản này. Lấy ví dụ về một văn phòng du lịch nhỏ tại Việt Nam với danh mục khách hàng hạn chế, dẫn đến việc họ không có nhiều lợi thế khi đàm phán giá thành với các đơn vị cung cấp landtour, xe đưa đón hay khách sạn tại nước ngoài. Họ buộc lòng phải làm việc với một bên thứ ba tại Việt Nam, với lợi thế quy mô và mạng lưới liên hệ tốt hơn để đưa một số khách của mình sang Mỹ. Để làm được điều này, bên thứ ba yêu cầu công ty này phải ứng trước 90% giá trị hợp đồng (giúp họ “gánh” các rủi ro về visa cũng như khi có sự cố phát sinh trên đất Mỹ). Trong khi đó, đoàn khách chỉ đồng ý trả trước 50% giá trị hợp đồng, số còn lại sẽ thanh toán sau khi họ về nước. Vì quá mong muốn có được hợp đồng quan trọng này, văn phòng du lịch đã chấp nhận bỏ tiền túi của mình để “bù” 40% giá trị chênh lệch cho bên thứ 3, vô tình tạo ra một sơ hở dòng tiền mà nếu có sự cố xảy ra, giá trị thất thoát của họ sẽ còn lớn hơn nhiều so với mức đó.
Đừng bao giờ chủ quan với dòng tiền. Hãy tìm một ai đó có kinh nghiệm, hoặc một cộng sự có kiến thức tài chính vững vàng giúp bạn "lo lắng" phương diện này.
4. Văn hóa doanh nghiệp
Nhiều người khởi nghiệp mà quên đi việc tạo lập một văn hóa doanh nghiệp riêng, bởi cho rằng ở giai đoạn đầu, chỉ nên quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận. Thế nhưng, chính văn hóa lại là nền tảng cho thấy năng lực vươn lên của công ty bạn, là thứ động lực thúc đẩy nhân viên của bạn làm việc chăm chỉ, là môi trường ươm mầm sáng tạo và hun đúc tinh thần tiếp nhận cơ hội – vượt qua thử thách của từng thành viên.
CEO Travis Kalanick chính là người đặt nền tảng cho văn hóa cởi mở, thẳng thắn và nỗ lực đạt được mục tiêu bằng cách nhanh nhất tốt nhất ...tại Uber. |
Cũng chính bởi bạn là “cha đẻ” của doanh nghiệp, chính quan điểm, đường lối tư duy, thái độ phản ứng cũng như hành động cụ thể của bạn sẽ góp phần lớn tạo lập nên văn hóa công ty. Đừng lơ là chủ quan với phương diện này, hay thực sự coi đây là một trong những ưu tiên ngay ngày đầu bắt tay vào việc. Một văn hóa vững mạnh - lành mạnh sẽ là bệ đỡ vững chắc để công ty của bạn có thể phát triển rộng hơn - sâu hơn trong tương lai.
5. Liên tục cải tiến
Cuối cùng, đừng quên rằng dù bạn làm gì hay có ưu tiên như thế nào, điều quan trọng là phải luôn bền bỉ. Đừng hài lòng với những gì đã đạt được, hãy luôn cố để mọi thứ tốt hơn, dù ít hay nhiều.
Tại sao Apple không chỉ bán các mẫu iPhone 4 được xem là thành công nhất của mình, mà còn phải bỏ ra cả núi tiền để nghiên cứu và nâng cấp chiếc điện thoại mỗi năm, đồng thời ra lò hàng loạt loại hình ứng dụng và sản phẩm mới. Tại sao cửa hàng trà sữa gần nhà bạn cứ vài hôm lại chào hàng một số hương vị mới, hoặc combo sản phẩm mới với mức giá hấp dẫn hơn. Tại sao các ngân hàng vẫn thường xuyên tìm kiếm các nhân tài giúp phát triển các gói dịch vụ tài chính độc đáo phù hợp với từng đối tượng khác hàng nhau (thay vì chỉ quanh đi quẩn lại với việc tăng giảm lãi suất). Liên tục thay đổi để không nhàm chán, để nắm bắt các nhu cầu mới, để tấn công những thị trường “lạ” là thách thức đặt ra với mọi doanh nghiệp nếu muốn tồn tại lâu dài và có lãi.
Sau iPhone, Apple tiếp tục lấn sân sang nhiều địa hạt công nghệ khác. |
- 20/06/15 13:57 Những mẹo quản lý nhân viên từ nhà quản lý nhân sự của Google
- 20/06/15 13:54 Biệt đội siêu anh hùng có giải cứu được Samsung?
- 20/06/15 13:53 20 khách sạn tốt nhất thế giới theo Jetsetter
- 19/06/15 17:41 7 chiến lược thương hiệu tuyệt vời của Coca-Cola
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet