Tôi đã từng rất đau đầu vì chuyện có một giai đoạn Sóc luôn phớt lờ mọi yêu cầu và lời nói của mẹ. Để nhắc Sóc tắt ti vi, dọn đồ chơi, đi đánh răng, hay bất cứ một việc gì mẹ cũng đều phải nhắc đi nhắc lại năm lần bảy lượt, thậm chí quát lên hoặc phải nhắc đến một hình phạt thì Sóc mới thực hiện. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng, mình cũng có một phần lỗi rất lớn trong vấn đề này và có những điều chỉnh kịp thời để rút ra 5 tuyệt chiêu giúp Sóc biết nghe lời:
1. Dùng câu với 1 từ đơn
Tình huống: Quy định của tôi là Sóc sẽ phải tự mang bát của mình để vào bồn rửa sau mỗi bữa ăn. Thường xuyên là hiện tượng Sóc ăn xong và nhanh chóng đứng dậy để xem ti vi hay chạy ngay ra với món đồ chơi mới. Mặc cho mẹ gọi lần thứ nhất, lần thứ hai và đến lần thứ ba thì Sóc mới quay lại để làm nhiệm vụ.
Phương pháp cũ: Yêu cầu Sóc ngồi xuống và nghe mẹ nhắc nhở một thôi một hồi rằng: Sóc đã lớn phải biết giúp mẹ, phải tự giác, phải học cách gọn gàng, có nền nếp,… nhưng lần sau thì Sóc vẫn thói nào tật ấy.
Phương pháp mới hiệu quả: Sau bữa ăn khi thấy Sóc chuẩn bị rời bàn ăn mẹ nhìn vào mắt Sóc và nói “DỌN BÁT!”. Lần đầu tiên, Sóc nhìn mẹ với một ánh mắt lạ kỳ, nhưng sau một giây, Sóc đã cầm bát và đi thẳng ra phía bồn rửa. Sau khoảng một tháng đi vào nề nếp, Sóc đã tự giác và không cần mẹ nhắc nhở nữa. Với các việc khác cũng vậy, cứ đến giờ là mẹ chỉ cần vỗ tay ra hiệu và nói “Đánh Răng” là Sóc xếp gọn đồ chơi, đi đánh răng và chuẩn bị đi ngủ.
2. Cung cấp thêm thông tin
Tình huống: Đến giờ ăn nhưng Sóc không chịu ngồi yên trên ghế mà trèo lên, trèo xuống, nhoài ra bàn, ngó đằng sau, thậm chí đứng hẳn lên ghế.
Phương pháp cũ: Lúc còn đủ bình tình thì mẹ nhắc: “Ngồi yên đi con”, đến lúc nhắc mãi mà Sóc chỉ ngồi yên được 2 phút thì mẹ sẽ to tiếng: “Con hư quá! Có chịu ngồi yên không thì bảo?”
Phương pháp mới hiệu quả: Bởi vì trẻ em không phải là những chú robot được lập trình sẵn cho bất cứ những mệnh lệnh của cha mẹ, và bản thân trẻ thì lại rất thích thể hiện quyền tự do của mình, vì thế việc từ chối làm theo những yêu cầu của cha mẹ là điều dễ hiểu. Bí quyết là hãy chuyển những câu mệnh lệnh thức thành những câu cung cấp cấp thông tin đối với trẻ. Ví dụ, thay vì nói với trẻ “Ngồi yên trên ghế đi con” thì tôi đã nói: “Ghế là để ngồi, không phải để đứng lên đâu Sóc nhé”. Nghe thấy vậy, Sóc đã mỉm cười với mẹ, ngồi xuống và bắt đầu ăn. Tương tự, thay vì nói: “Không được chạm vào tủ đồ”, mẹ nên nói: “Đồ sẽ đổ vỡ khi con chạm tay vào tủ đấy” hoặc thay vì nói: “Cất gọn đồ chơi vào giỏ ngay cho mẹ”, mẹ nên nói: “Nếu con muốn sau còn tìm thấy đồ chơi thì phải cất gọn vào giỏ”.
3. Cung cấp thêm sự lựa chọn
Tình huống: Kỳ nghỉ hè mong chờ cùng gia đình đã đến và cả gia đình Sóc đi biển nghỉ mát. Dưới cái nắng chiều, chuẩn bị cho cả gia đình dạo biển bằng xe đạp đôi, mẹ đưa mũ rộng vành cho Sóc đội để tránh nắng nhưng Sóc nhất định không chịu.
Phương pháp cũ: Sau một hồi cố gắng thuyết phục Sóc không thành công, mẹ đã đe dọa Sóc rằng: “Sóc không đội mũ đúng không, mẹ không cho Sóc đi xe đạp cùng với cả nhà nữa”. Kết quả không như mẹ mong muốn, Sóc thậm chí không đội mũ mà còn khóc nhè khiến cả nhà mất vui.
Phương pháp mới hiệu quả: Không còn chọn cách đe dọa trừng phạt Sóc nữa, mẹ đã đưa ra các phương án để Sóc lựa chọn. Mẹ nói với Sóc: “Sóc đội mũ để đạp xe cùng cả nhà hay là không đội mũ để ngồi lại trong dù mát nào?” Kết quả chắc chắn sẽ là Sóc chọn cầm lấy mũ và ngồi lên sau xe của mẹ. Cách mẹ đưa ra phương án lựa chọn để trẻ cảm thấy mình có quyền quyết định chắc chắn sẽ rất hiệu quả vì việc đe dọa trừng phạt chỉ khiến trẻ thêm bướng bỉnh.
Đe dọa sẽ chỉ khiến bé thêm bướng bỉnh (ảnh minh họa)
4. Cảnh báo về thời gian
Tình huống: Đến giờ tập viết, nhưng Sóc vẫn cố nán lại và dán mắt vào ti vi. Mẹ yêu cầu Sóc đứng dậy tắt ti vi và ngồi vào bàn học nhưng Sóc bỏ ngoài tai.
Phương pháp cũ:
- Mẹ: “Sóc, không xem ti vi nữa, đi học bài thôi con”.
- Sóc: “Mẹ ơi còn sớm mà, con muốn xem thêm chút nữa”.
- Mẹ: “Con xem như vậy là đủ rồi. Tắt ti vi ngay!”
Kết quả là mẹ đã phải tắt ti vi thay cho Sóc.
Phương pháp mới hiệu quả: Hiểu được tâm lý thích sự trì hoãn của trẻ, nghệ thuật của tôi đó là luôn tạo đưa ra cảnh báo về thời gian trước khi đưa ra yêu cầu cương quyết đối với trẻ. Trước giờ học 10 phút, mẹ nhắc Sóc: “Mười phút nữa là đến giờ học bài, chuẩn bị tắt ti vi đi Sóc nhé”. Vì được chuẩn bị sẵn tâm lý, nên cứ đến giờ là Sóc lại tự giác thực hiện.
5. Nói về cảm xúc của trẻ
Tình huống: Sóc đang chơi vui vẻ với bạn Gấu ở ngoài sân thì đột nhiên chạy vào nhà khóc nhè và kể lể với mẹ: “Bạn Gấu đã dành lượt chơi của con”.
Phương pháp cũ: Mẹ nhìn Sóc và an ủi “Nín đi con, vì chuyện đó mà cũng phải khóc à?”. Nghe thấy vậy, Sóc lại òa lên khóc to hơn.
Phương pháp mới hiệu quả: Khóc là một biểu hiện của việc trẻ không thể bày tỏ được lý do khiến trẻ khó chịu hoặc trẻ không biết cách làm thế nào để đối phó với những cảm xúc của mình. Vì vậy lúc trẻ khóc là lúc trẻ rất cần được lắng nghe và thấu hiểu. Do đó mẹ nên thể hiện sự đồng cảm của mình và cho trẻ cơ hội để thể hiện những bức xúc trong lòng. Chính vì thế mà mẹ đã chọn một câu nói khác để nói với Sóc trong hoàn cảnh này: “Ước gì mẹ có 2 trái bóng”. Thấy mẹ nói vậy, Sóc cũng dịu đi và không khóc nữa. Mẹ lại hỏi Sóc, “Thế làm thế nào để con và bạn Gấu cùng chơi bóng?”. Sóc nói: “Chúng con đã chia lượt rồi nhưng Gấu cứ chơi mãi không chịu đưa cho con”. Gỡ rối cho Sóc, mẹ đã gợi ý về việc quy định rõ thời gian mỗi bạn chơi bóng 5 phút. Thế là vấn đề được giải quyết và hai bé cùng vui vẻ chơi tiếp với nhau.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet