Đối với nhiều người lớn lên từ những năm 80, 90 các loại xe số như Dream, Wave, Future hay Viva vẫn là người bạn không thể thay thế trong cuộc sống. Thậm chí Honda Dream được ngợi ca như một dòng xe huyền thoại. Hiện nay, ở Việt Nam đang có phong trào chơi lại (Retro) xe Dream. Nhưng để mang đến sức sống cho huyền thoại cũng cần chút công sức tìm hiểu.
Một trong những bộ phận cần quan tâm nhiều nhất để xử lý có lẽ là bộ ly hợp (bộ nồi hay côn). Trải qua hơn chục năm sử dụng, sức nặng tuổi tác làm cho những chiếc xe số bị “lì”, ì ạch, hao xăng. Đa số các trường hợp, xử lý bộ phận ly hợp là có thể đem lại sự linh hoạt cho xe.
Bộ ly hợp là bộ phận cắt hay nối truyền động từ máy sang bánh xe. Khi máy chạy lực máy truyền từ tay dên (trục khuỷu) sang nồi trước (ly hợp tiếp động/starter clutch). Nồi trước quay truyền lực sang nồi sau (ly hợp tải/clutch) nhờ 2 bánh răng ăn khớp vào nhau. Khi tác động lực vào cần số, nồi sau sẽ làm quay cốt hộp số sơ cấp sau đó truyền lực ra bánh sau đẩy xe đi.
Cấu tạo bộ máy ly hợp trên xe số
Dài dòng như vậy nhưng về cơ bản nồi có 2 bộ phận chính ly hợp tiếp động và ly hợp tải. Bộ ly hợp là trung gian điều khiển lực từ máy sang bánh sau bằng cơ cấu dùng lực ma sát. Lực ma sát phát sinh do bố ba càng bắt vào chuông ở ly hợp tiếp động hay từ các lá bố ép vào các miếng sắt ở ly hợp tải. Khi ly hợp nhả hay cắt (trạng thái ly) thì lực không truyền ra được bánh sau. Khi vào số, lên ga thì bộ ly hợp sẽ tăng dần lực ma sát (trạng thái hợp) để truyền công suất ra bánh sau.
Sau một thời gian sử dụng thì bố ba càng, các lá bố nồi, lá sắt sẽ bị mòn, các lò xo yếu đi không còn đủ sức ép. Các bộ phận của ly hợp sẽ trượt lên nhau, giảm hoặc mất khả năng truyền công suất, phát sinh ra nhiệt lớn làm nóng máy, gây tiếng kêu, hao xăng. Lúc này công suất máy sẽ bị mất đi nhiều (công hao phí lớn). Xe sẽ bị lì, mặc dù máy mạnh nhưng không truyền hết lực ra bánh. Có những trường hợp bị tuột ly hợp nghĩa là lực máy bị mất hoàn toàn ở bộ phần ly hợp.
Bố ba càng (trái) và Bố nồi
Trường hợp thường gặp là xe có tiếng hú ở nồi ly hợp. Âm thanh này phát sinh do do cặp bánh răng ở nhông nồi lớn và nhông nồi nhỏ bị mòn, không còn ăn khớp, bị trượt trong khi xoay ở tốc độ cao. Kèm theo việc nồi hú là xe bi hao xăng hơn bình thường do công suất hao phí lớn.
Nhông nồi lớn (trái) và nhông nồi nhỏ
Xử lý, canh chỉnh lại nồi ly hợp và việc cần làm khi “người bạn đường” đã “có tuổi”. Đây không phải là việc gì ghê gớm và quá tốn kém, nên các bạn cần cẩn thận với một số thợ sửa xe đồng thời là “thầy thuốc”. Một khi đã hiểu nguyên lý cấu tạo, các bạn sẽ tự tin yêu cầu thợ xử lý nồi ly hợp cho xe của mình theo ý muốn với chi phí vừa phải.
Nguồn: Thiên Nhẫn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet