Cadillac CTS 2008. Ảnh: Edmunds. |
Trong quá khứ, Mỹ là mảnh đất của những chiếc xe sang trọng mà cả thế giới đều thèm muốn. Vào những năm êm ả giữa hai cuộc đại chiến, các nhãn hiệu Packard và Duesenberg là mốt của các triệu phú và những ngôi sao điện ảnh. Thời kỳ tươi đẹp kéo dài cho tới thập niên 1970, khi mà sức cạnh tranh tăng cao buộc Detroit, thủ phủ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, tập trung nhiều hơn vào sản xuất các mẫu xe phổ thông, nhường lại phân khúc xe hạng sang cho những đối thủ đến từ Nhật Bản và Đức. Đến những năm 1990, đáng buồn thay, Cadillac và Lincoln lại trở thành lựa chọn của những người đã nghỉ hưu, hoặc của các nhà tang lễ với màu đen trang trọng của chúng. Ít ai tin tưởng rằng người Mỹ sẽ lại sản sinh ra những chiếc xe sang trọng.
Điều đó giờ đây có thể thay đổi. Tại triển lãm ôtô Bắc Mỹ vào tháng 1 năm nay, Cadillac đã giới thiệu chiếc sedan CTS 2008. Sau thành công của một vài mẫu trong thời gian gần đây, nhất là chiếc SUV Escalade, Cadillac đã tìm lại được sự yêu thích của khách hàng cùng với doanh số tăng cao. Một lần nữa, hiệu xe nổi tiếng của Mỹ có thể thu hút tầng lớp khách hàng trẻ trung hơn và giàu có hơn. Những chiếc xe này với dáng vẻ bóng bẩy và động cơ mạnh mẽ khiến cho khách hàng phải khao khát. Tuy nhiên, nội thất của chúng lại chưa thể so sánh được với các nhãn hiệu khác như Lexus, Audi và BMW. Và chỉ khi hoàn thiện nốt được điều đó, Cadillac mới có thể thực sự thách thức các đối thủ.
*Triển lãm ôtô Bắc Mỹ 2007 |
*Bí quyết thành công của GM ở Trung Quốc |
Đầu tư vào nội thất làm tăng chi phí, Giám đốc thiết kế của GM Dave Rand thừa nhận. Nhưng ông và những nhà quản lý khác tin rằng việc cải thiện chất lượng đáng đồng tiền bát gạo. "Mọi hãng xe đều biết tầm quan trọng của nội thất xe", Rand nói. "Kiểu dáng là thứ gây bắt mắt nhưng những gì bên trong lại là thứ bạn cảm nhận thường xuyên hơn".
Cadillac hồi sinh
Chiếc CTS mới thuộc thế hệ thứ hai và là xe sedan dẫn động cầu sau. Nó từng là một trong những sản phẩm được chuộng nhất của Cadillac, sau mẫu xe biểu tượng chiếc SUV Escalade. CTS cũng là xe bán chạy nhất năm 2005. Dù vậy, trong năm 2006, chiếc xe đã phải rơi lại phía sau mẫu sedan cỡ lớn DTS vừa được nâng cấp và chỉ tiêu thụ được 54.846 xe.
Chiếc CTS 2008, với thiết kế mới, sẽ có mặt các đại lý vào mùa thu năm nay và giá khoảng 30.000 USD. Khi chiếc xe được giới thiệu tháng 1 vừa qua, Robert Lutz, Phó chủ tịch GM phụ trách bộ phận sản phẩm toàn cầu, cho biết: "Chiếc CTS mới đa năng hơn và cũng hấp dẫn hơn. Tôi cho rằng nó là giai đoạn thứ hai trong quá trình hồi sinh của Cadillac". Các nhà phân tích của ngành công nghiệp ôtô đánh giá cao hình thức CTS ở lưới tản nhiệt giàu sức liên tưởng, kiểu dáng trông thanh thoát hơn nhưng không làm mất đi những đường nét sắc cạnh, cả hai điều đó đều được lấy từ mẫu xe ý tưởng Cadillac Sixteen ra mắt năm 2003.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ BMW serie 3 hay các thiết kế hoàn toàn mới của Lexus IS và Mercedes C-class khiến mọi việc trở nên không dễ dàng. Năm 2006, BMW bán hơn 106.000 xe serie 3 riêng tại Mỹ, còn C-class là mẫu xe bán chạy nhất của Mercedes.
Vấn đề của Ford
Khi GM tung ra chiếc CTS vào năm 2002, lãnh đạo công ty cho rằng đây là dấu hiệu báo trước sự hồi sinh của một nhãn hiệu vốn bị bị các đối thủ gặm nhấm dần thị phần kể từ thập niên 1970. Trước đó, 4 tỷ USD đã được đầu tư vào dự án hồi sinh Cadillac, tương đương với khoảng 10% tổng ngân sách của GM vào lúc đó. Nên nhớ rằng Cadillac khi ấy chiếm chưa đầy 4% tổng số xe của cả tập đoàn GM bán ra. Liên tục sau đó lần lượt các sản phẩm khác ra đời, từ xe STS dẫn động cầu sau, xe DTS cải tiến, chiếc SRX crossover và thế hệ kế tiếp của Escalade. "Mọi thứ đang tiến triển theo chiều hướng đúng đắn", Wes Brown, chuyên gia của Iceology, công ty nghiên cứu khách hàng tại Los Angeles, nhận định.
Điều tương tự không dành cho Lincoln, hiệu xe lâu đời của Ford. Dù là một chiếc SUV chất lượng và hào nhoáng không kém gì Escalade, mẫu Lincoln Naviator chỉ bán ra 23.947 chiếc trong năm 2006 (Escalade tiêu thụ hơn 41.000 xe, bao gồm 2 phiên bản ESV và EXT). Năm ngoái cũng là năm mà thị trường dành cho các mẫu xe tải hạng nhẹ giảm 6,7%. Tuy nhiên, riêng doanh số của mẫu Escalade tăng hơn 30%. Và tệ hơn nữa, trong khi lượng xe bán được của Cadillac tăng 13,6% thì Lincoln giảm 24,5%.
Rõ ràng Lincoln đang vật lộn với hình ảnh của chính mình. Những mẫu xe gần đây, chẳng chiếc sedan MKZ và crossover MKX, lơ lửng giữa phân khúc xe hạng sang và xe giá rẻ. Mới đây, công ty vừa trình làng một chiếc concept dẫn động cầu sau nhưng cũng phải chờ ít nhất tới năm 2009 nó mới được ra mắt. Vẫn chưa rõ liệu Lincoln có tiếp tục theo đuổi lớp khách hàng cao cấp hay không, còn bản thân người phát ngôn của Cadillac - Dave Caldwell - thì nói: "Chúng tôi không coi Lincoln là một đối thủ".
Những khó khăn
Vẫn có một vài công ty của Mỹ nổi tiếng với những chiếc siêu xe như Saleen và Mosler. Tuy nhiên, giá đắt kinh khủng và tốc độ thuộc số những xe nhanh nhất thế giới, các công ty này chỉ cho ra lò một số lượng sản phẩm ít ỏi. Và trên những mẫu xe này, tính sang trọng, tiện nghi cao cấp không được chú trọng bằng sức mạnh của xe.
Cadillac XLR mui xếp. Ảnh: Rsportscars. |
Với Cadillac, dù đã có những sản phẩm chất lượng cả nội thất và kiểu dáng, thì liệu nó đã phải là điểm tựa giúp vực công ty dậy hay chưa vẫn là một câu hỏi. Liệu khách hàng có chấp nhận Cadillac như một thương hiệu sang trọng, ngang với BMW và Lexus? Escalade rất thành công, nhưng đó không phải là một ví dụ cần xem xét vì dù mức giá gần 70.000 USD, đây là một chiếc SUV cỡ lớn. Để thành công ở phân khúc dành cho xe hạng sang, Cadillac phải đưa ra những mẫu sedan và coupe quyến rũ. Chiếc CTS có thể tạo ra ấn tượng tốt nhưng mẫu xe mui xếp XLR thì lại gây lo lắng.
XLR có giá 78.000 USD, và nếu gắn hết các trang bị nhà sản xuất đưa ra, giá của nó có thể đội lên xấp xỉ 100.000 USD. Nhưng đây là một thất bại xét về mặt doanh số, kể từ khi ra mắt thị trường năm 2003. Năm ngoái, Cadillac chỉ bán được 3.203 xe XLR, giảm 14% so với năm trước đó. Nội thất rẻ tiền, không gian chật chội là những điểm yếu của XLR. Tuy nhiên, sự băn khoăn của khách hàng trung thành với Cadillac lại nằm ở giá cả. Và ngay cả ở cùng một mức giá, người mua còn có rất nhiều lựa chọn khác với những chiếc xe nhập khẩu.
Để giành lại sự tin yêu của người Mỹ, và cùng với nó là ví tiền của họ, Cadillac cần học theo Lexus hay Acura, những tên tuổi đi tiên phong trong việc thuyết phục khách hàng rằng Nhật Bản có thể chế tạo xe hạng sang. Thêm vào đó, sản phẩm của công ty còn thiếu tính đa dạng. CTS còn thiếu nhiều phiên bản bản - coupe, mui xếp hay wagon - như cách mà BMW 3 làm để tăng lượng tiêu thụ. Giám đốc sản phẩm của Cadillac - John Howell - nói: "Sẽ phải cần nhiều hơn 3 mẫu sedan để có thể cạnh tranh". Dù sao, CTS cũng sẽ vẫn là một sự khởi đầu lý tưởng.
Thế Phong (theo Business Week)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet