Vẫn là một vườn rau như bao hộ gia đình khác nhưng vườn rau của cô Hoa lại mang những nét riêng hết sức mới lạ, thể hiện sự dày công của người chủ.
Là một người yêu cây cảnh đã khá lâu năm, cô Hoa dành trọn cả 3 tầng ban công và nguyên sân thượng để ấp ủ đam mê của mình, ước chừng tổng diện tích vườn rau lên đến hơn 40m2, gần bằng nửa diện tích ngôi nhà với hơn 100 thùng xốp trồng cây. Tình yêu dành cho vườn rau của cô Hoa có lẽ khó diễn tả hết bằng lời nói.
Toàn cảnh vườn rau.
Ít ai ngờ rằng vườn rau hoàn toàn chỉ do bàn tay cô Hoa tự trồng nên. Với diện tích được ưu ái như vậy, khu vườn rất đa dạng các loại rau, từ những loại rau ăn hàng ngày như rau muống, rau cải, ngót, cho đến các loại rau thơm, đậu, củ quả…. Ẩn trong khu vườn ấy, có những cây hết sức “độc đáo” mà không phải ai cũng biết đến. Hãy cùng khám phá những loại cây "độc lạ" này.
Rau ngót Nhật: Không tuốt cây như rau ngót thường
Rau ngót Nhật chứa hàm lượng dinh dưỡng cao
Hẳn ai cũng từng ăn loại rau ngót, nhưng đã bao giờ bạn nghe đến loại ngót Nhật này chưa? Loại rau này còn có các tên khác như rau ngót Liên Hợp Quốc hay là rau Diễn...
Vẫn giống vị như rau ngót, nhưng để nấu canh, bạn sẽ nhặt thay vì tuốt loại rau này. Rau có vị hơi lạ nhưng rất ngon và ngọt hơn rau ngót thường. Rau ngót Nhật thường được dùng để nấu với tôm khô, cua đồng hoặc xay nấu cháo cho trẻ em, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.
Rau húng lai: Chủ nhân cũng không biết tên thật của loại rau này
Rau húng lai khác hẳn các loại húng khác ở mùi thơm và sức sống vượt trội
Vườn cô Hoa trồng khá nhiều các loại húng (húng láng, húng chó, húng xoăn hay có nơi còn gọi tên gọi khác là thơm Láng, thơm Bạc Hà…) nhưng đặc biệt, có loại húng mà cô và nhiều người bạn trong Hội nhà rau cũng không biết tên là gì. Đây là một loại húng lai mà trong một lần về quê (ở chùa Hương) cô tình cờ xin được.
Cây có mùi vị thơm đặc trưng và lạ một điều, cây có sức sống vượt trội hoàn toàn hơn hẳn các loại húng khác trong vườn (các loại húng khác thường chỉ sống qua một mùa). Hiện cô đã trồng đến năm thứ ba. Cây húng lai sống khỏe qua mọi thời tiết, từ mùa đông lạnh cắt cho đến mùa hè nắng cháy da và càng được ngắt, cây càng phát triển nhiều hơn so với lứa đầu.
Củ cải đỏ: Không nhiều nhà tự trồng
Đây là một loại cây mà cô Hoa nhờ mua hạt giống tận bên Áo. Bạn sẽ khó tìm được khu vườn nào ở Hà Nội trồng những cây củ cải đỏ. Củ cải đỏ có rất nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống đột quỵ, tốt cho tim, gan và phòng chống ung thư. Cô chỉ trồng được củ cải đỏ vào mùa đông vì cây hợp với khí hậu lạnh của châu Âu.
Đây là loại cây khá khó trồng, thường dễ bị sâu và mỗi lần như vậy, cô Hoa thường phải tự tay vạch lá và bắt từng con sâu một. “Vào những ngày nắng nóng, và lại ở trên tầng thượng, công việc ấy quả thật như một cực hình”, cô Hoa chia sẻ.
Rau lá cẩm: Khi đun sôi, nước đổi màu
Cây lá cẩm thường được dùng để nấu xôi, làm bánh chưng, bánh tét, nhiều loại bánh như bánh nướng, bánh dẻo và tạo mầu thực phẩm.
Cây có điều rất đặc biệt là khi đun lá cây lên khoảng 5 phút, nước ngả sang màu đỏ như màu tiết hoặc màu tím sẫm khiến ta không tin vào mắt mình. Nước đó có thể dùng để ngâm gạo nấu xôi hay làm bánh.
Điều đặc biệt nữa là 2 loại cẩm tím và cẩm đỏ hình thức giống hệt nhau nên nếu không trồng riêng thì nhìn cây bạn không phân biệt được đâu là cây cẩm tím vào đâu là cây cẩm đỏ.
Lá mắc mật - Đặc sản của dân tộc vùng cao
Cô Hoa đem cả nét đặc sản của những dân tộc vùng cao về khu vườn của mình – lá mắc mật, loại lá chuyên làm nguyên liệu cho những món thịt nướng.
Cóc Thái: Là cóc, nhưng hay bị nhầm với quả dâu da
Cây cóc Thái - quả có vị chua và giòn
Rất nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là quả dâu da. Thực tế đây vốn là quả cóc Thái đang lớn, một loại cây thân mộc.
Giống cây này đã được cô Hoa kì công chuyển từ Sài Gòn ra. Sự kì công không chỉ thể hiện qua công đoạn vận chuyên mà kể cả ở giai đoạn chăm sóc. Trước Tết, cô Hoa phải tỉa, cắt trụi từng cành một, từng nhánh nhỏ của cây để ra ngoài Tết đến mùa Xuân cây lại đâm chồi nảy lộc và mùa hè lại sai ra hoa kết quả. Cứ như vậy từ năm này qua năm khác.
Chăm sóc mất công là thế, nhưng bù lại, loại cây này có rất nhiều tác dụng. Lá cây cóc thường được dùng trong các món gỏi cuốn của dân Nam bộ, món bánh cuốn Trảng Bàng trứ danh nơi đây sẽ không thể nổi tiếng nếu thiếu vị của lá rau này. Ngoài lá cóc thái ra, quả loài cây vốn là một trái cây dinh dưỡng khi ép nước làm sinh tố hay một món quà vặt ngon bổ rẻ với món cóc dầm, ngâm chua cay.
Cây rau đắng: Có tác dụng giải nhiệt và giúp giảm cân
Sẽ thật thiếu sót khi ăn lẩu cá kèo mà thiếu mất vị rau này, cây rau đắng, một loại cây giúp giải nhiệt và giúp giảm cân khá hiệu quả. Ngoài ra, khi kết hợp với những trái cóc Thái trên, rau đắng có thể chế biến thành món gỏi cóc tôm khô khó có thể bỏ qua được.
Cây chùm ngây - Cây quý đang ngày càng có giá
Giá trị dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác.
Liệu bạn từng nghe nói đến cây chùm ngây? Một loại cây "thần dược" đa tác dụng mà cô Hoa đặc biệt “cưng” trong khu vườn của mình. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì mọi bộ phận trên cây đều có tác dụng nhất định, từ lá, hoa, quả cho đến rễ cây đều có thể chế biến làm món ăn hay thuốc và đặc biệt, giá trị dinh dưỡng của loại cây này cao gấp nhiều lần so với nhiều loại cây khác.
Chùm ngây còn được gọi là “Cây thần dược”, “Cây độ sinh” hay "Tiên Đan trường sinh” của người Philippines. Nếu bạn gõ từ "Cây chùm ngây" trên mạng thì chắc hẳn bạn đi từ ngạc nhiên đến thú vị khi biết hàng trăm tác dụng của loại cây này.
Phải đánh đổi khá nhiều năm cô Hoa mới thu hoạch đươc thành quả, vì cây khá khó trồng và lên rất chậm.
Quả lặc lày (mướp Nhật)
Quả lặc lày
Là loại mướp rừng (hay còn gọi là quả mướp Nhật), cây lặc lày vốn thường chỉ được trồng ở vùng núi Tây Bắc và còn lạ lẫm với khá nhiều người.
Cây sung: Chủ nhân đã trồng trong 14 năm
Cây sung được trồng từ khi mới cao 1 mét, giờ đã cao hơn 10 mét.
Cây sung vốn không hề xa lạ với mọi người, nhưng việc trồng cây sung tại nhà thì không phải ai cũng nghĩ đến vì đây là loại cây trồng lâu năm và chiếm khá nhiều diện tích. Thật bất ngờ khi cây sung này đã được cô Hoa trồng trong 14 năm, từ khi cây cao chưa đầy 1 mét và cho đến bây giờ đã hơn 10 mét. Cứ đến mùa, cây sung luôn trĩu quả như vậy, cho ra đến hàng chục cân mỗi khi cô Hoa thu hoạch.
Cây sương sâm: Mọi bộ phận của cây đều có công dụng
Giàn cây sương sâm, một loại cây dây leo khá đặc biệt.
Cô Hoa phải nhờ mua loại cây này từ trong thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như cây chùm ngây, cây sương sâm khá khó trồng, song bù lại, mọi bộ phận của cây đều có những công dụng nhất định, từ dây, lá cây cho đến rễ cây.
Thi thoảng, cô Hoa dùng lá loại cây này để làm thạch cho các cháu ở nhà ăn, vừa mát lại vừa có tính giải nhiệt cao, đặc biệt hiệu quả với những người mắc các bệnh về gan.
Nếu như ai đó có thắc mắc về chi phí cho “bộ sưu tập” cây độc của cô Hoa, câu trả lời là không hề đắt, bởi vốn đây không phải những loại cây hiếm, chỉ đơn thuần những cây này ít được mọi người chuộng trong khu vườn của mình.
Khi được hỏi về lý do tại sao cô lại chọn trồng những loại cây, rau độc đáo này, cô dí dỏm: “Những loại rau hàng ngày thì dùng để chế biến các món ăn bình dân hàng ngày, nhưng để làm được những món đặc sản thì cần phải có những nguyên liệu đặc biệt, ngoài chợ chắc gì đã có, mà có chắc giá trên trời mất!".
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet