Đối với việc chụp ảnh thông thường, chúng ta chỉ cần cầm máy ảnh trên tay. Tuy nhiên một số trường hợp như chụp kiến trúc, chụp xa, chụp tốc độ chậm… thì chân máy là bắt buộc sử dụng để cho ra chất lượng đạt yêu cầu. Chân máy sẽ giúp bạn định vị chính xác vị trí của máy, xoay khung hình chính xác theo ý muốn và nhất là tránh được hoàn toàn hiện tượng rung máy, làm nhoè hình sau khi chụp.
Cấu tạo cơ bản của 1 tripod
Các loại chân máy
Chân máy ảnh gồm có hai phần chính: phần chân đứng và phần đế để gắn máy ảnh vào (panhead). Phần chân đứng có 3 càng xoạc, có thể thay đổi độ dài hoặc góc chụm. Chân càng được làm bằng vật liệu tốt sẽ chịu được trọng lượng cao, nhưng sẽ khá nặng (thường phải hơn 2 kg). Ngoài vật liệu làm bằng nhôm, một số hãng có sản xuất bằng vật liệu sợi cacbon nhẹ hơn nhưng giá thành rất đắt. Phần đầu gắn máy ảnh vào có thể chia làm hai loại: loại có cần tinh chỉnh và loại xoay tự do (ballhead), thích hợp tùy vào mục đích sử dụng.
Loại đầu ballhead
Loại đầu panhead
Hiện nay trên thị trường, chân máy được chia làm 4 dạng: chân máy chuẩn tripod dùng cho mọi yêu cầu, chân máy dạng minipod dùng cho máy ảnh du lịch loại nhỏ, chân máy dùng cho các phóng viên thể thao và dạng chân máy một chân monopod dành cho dân du lịch. Loại chân máy này buộc người dùng phải giữ thăng bằng bằng tay nhưng có ưu điểm là rất cơ động, thao tác chuyển đổi nhanh.
Loại chân monopod rất thích hợp dành cho việc chụp ảnh thể thao bởi tính linh động của nó.
Ngoài ra, cách đây chưa lâu, nhà sản xuất Joby tung ra một loại chân máy mới lạ kỳ nhất từ trước tới nay, được gọi là Gorillapod – chân máy vượn. Gorillapod cũng có ba chân như các loại tripod thông thường, nhưng khác ở chỗ ba cái chân này có thể co duỗi tùy ý, thậm chí vòng lên để bám chặt vào vật chủ hay treo ngược lủng lẳng như con dơi… Nó có thể nằm ở mọi vị trí, tạo mọi tư thế “quái đản” nhất cho góc chụp của máy ảnh. Bí mật nằm ở những viên bi sắt có thể xoay 360o nằm trong bộ xương làm bằng plastic có những mối nối cao su. Kết cấu này cho phép những chiếc chân có thể co duỗi, xoay chuyển tứ bề và bám vào bất cứ vật thể nào, vừa vững chãi lại rất uyển chuyển.
Mua sắm và sử dụng
Khi chọn chân máy, bạn cần quan tâm đến trọng lượng tải và độ cao khi chân càng được kéo ra tối đa. Các loại chân máy không chuyên thường có thanh giằng liên kết với ba càng, có khuyết điểm khi bạn đặt chân máy ở các địa hình nghiêng hoặc không bằng phẳng thì bị rơi vào trạng thái không ổn định.
Một số loại chân máy giá thành phổ thông thường có sẵn luôn đầu panhead, loại có cần chỉnh. Những loại chân máy chuyên nghiệp thì không có sẵn phần panhead mà được bán riêng, tùy nhu cầu sử dụng mà bạn chọn mua loại panhead có phần canh chỉnh hoặc loại xoay tự do (ballhead).
Về chiều cao, khi bạn chỉnh khớp nối và nâng toàn bộ phần panhead ngang tầm mắt mình là được. Trục nâng chính kéo ra vừa đủ, chủ yếu độ cao đạt được là do kéo hết chân ra. Chọn độ cao tầm ngắm và độ cao chân ba càng tương thích nhau. Khi chụp vật thể thấp như côn trùng, hoa dại, chân máy cần phải được dang rộng ra và hạ thấp xuống được. Với yêu cầu này, chân máy phải xoạc rộng ra tối đa và trục chính có thể tháo rời được.
Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm thêm về chốt khóa giữa các khúc chân với nhau, càng tinh xảo cứng cáp càng tốt. Chân máy có trọng lượng nặng thường chịu được lực tải lớn, ví dụ bạn chụp thú hoang dã thì khi đã lắp ống kính cỡ từ 400mm trở lên thì chân máy phải có trọng lượng tối thiểu là hơn 2 kg. Loại chân 1 càng (monopod) thích hợp chụp bóng đá, tennis, đua ngựa và thời trang…
Một số mẹo nhỏ khi mua sắm chân máy
Nếu bạn thuộc mẫu người thích hiệu quả không cầu toàn, thì có thể tìm kiếm chân máy trên các diễn đàn nhiếp ảnh như: vnphoto.net, photo.vn… Ở đây, phần lớn người bán là dân nghiệp dư, sau khi mua sử dụng cảm thấy không phù hợp với nhu cầu nên có ý định thay đổi. Những dịp như thế, bạn sẽ mua được giá hời mà sản phẩm khá mới, vì họ rất ít sử dụng (thỉnh thoảng chỉ dùng khi đi offline).
Nếu đồ nghề của bạn còn khiêm tốn và tài chính hạn hẹp thì chỉ tạm sắm cho mình một chân máy phổ thông, chất lượng Trung Quốc, giá thành tầm 300-400 ngàn đồng, được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng máy ảnh trên toàn quốc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet