Đây là ca tử vong do cúm A/H1N1 thứ 2 chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua.
Trước đó, ngày 3/4, bệnh nhân K có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi, tự mua thuốc hạ sốt, cảm cúm uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 8/4 bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp. Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị tích cực, thở máy và có các biểu hiện rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được sử dụng ngay thuốc Tamiflu và điều trị tích cực nhưng đáp ứng kém và ngày càng nặng lên, tử vong sau hơn 1 tuần nhập viện.
Bệnh nhân điều trị cúm tại bệnh viện
Trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân nam ở 46 tuổi (Yên Bái đã tử vong sau hai ngày nhập viện). Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca tử vong do cúm phần lớn là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng.
"Cúm H1N1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác, có tỉ lệ tử vong nhất định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do cúm A/H1N1 rất thấp, chỉ khoảng 0,7%. Tức là phải có 1.000 ca bệnh mới có 7 ca tử vong, còn lại là lành tính, tự khỏi", BS Kính nói.
BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, những chủng cúm hiện nay rất khó phân biệt vì chúng có dấu hiệu khá giống nhau. Người nhiễm cúm đều có dấu hiệu ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức cơ bắp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở và có thể kèm theo viêm kết mạc, viêm phổi. Vì thế, dựa trên biểu hiện lâm sàng khó có thể phân biệt được mắc chủng virus nào mà phải dựa vào xét nghiệm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet