Ông Kimikazu Mitsuhashi, Tổng Giám đốc liên doanh Vindaco. Ảnh: Hoàng Hà.
- Xin ông cho biết nguyên nhân khiến Vindaco tuyên bố giải thể?- Daihatsu Nhật Bản là công ty nổi tiếng về các sản phẩm xe hạng nhỏ. Vì vậy, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi hy vọng và tin tưởng sẽ chiếm lĩnh thị trường với những mẫu xe tải dưới 1 tấn và chiếc đa dụng Terios. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không như mong đợi. Doanh số xe nhỏ xuống dốc nhanh chóng, từ 8.000 chiếc vào 2005 xuống chỉ còn 3.000 năm 2006. Với thị phần nhỏ như vậy, cộng với cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất, chúng tôi không thể tiếp tục lắp ráp xe tại Việt Nam.
- Lý do nào khiến xe hạng nhỏ có doanh số thấp như vậy, trong khi sản phẩm này thuận tiện hơn rất nhiều so với xe cỡ lớn?
- Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, dòng xe hạng nhỏ đang phải chịu những mức thuế không khác gì xe cỡ lớn, do đó, chi phí sản xuất lắp ráp gần như tương đương nhau trong khi người tiêu dùng luôn muốn chúng có giá phải chăng. Thứ hai, đa số người dân Việt Nam coi xe hơi là tài sản, là một khoản đầu tư nên họ rất thận trọng khi quyết định mua và yếu tố giá được đưa lên hàng đầu. Hạn chế nữa là mọi người có thể đi xe cỡ lớn đi làm, đi chơi hay đi ký hợp đồng trong khi xe hạng nhỏ chủ yếu để chở gia đình.
- Trên thế giới, Daihatsu thuộc sở hữu của Toyota, ông nói gì về thông tin cho là có áp lực từ phía Toyota trong việc các ông rút khỏi Việt Nam?
- Daihatsu và Toyota có nhiều công ty liên kết, trung tâm hợp tác nhưng vẫn độc lập với nhau. Những quyết định của chúng tôi không hề có ảnh hưởng nào từ bên ngoài và hoàn toàn do yếu tố thị trường.
- Vindaco giải thể, Daihatsu có ở lại Việt Nam dưới hình thức khác như phân phối xe nhập khẩu?
- Chúng tôi chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc ở lại Việt Nam, nhưng tiếp tục xem xét trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo tôi thị trường này vẫn rất tiềm năng và Daihatsu cố gắng trở lại ngay khi có thể.
- Với những khách hàng mua xe Daihatsu, công ty có chế độ sau bán hàng như thế nào?
- Tôi có thể đảm bảo mọi dịch vụ sau bán hàng từ bảo hành, sửa chữa và phụ tùng sẽ diễn ra bình thường như khi Vindaco chưa giải thể. Chúng tôi có 16 xưởng ủy quyền trên toàn quốc và thời hạn bảo hành 01 năm hoặc 40.000 km (tùy theo điều kiện nào đến trước) cho khách hàng vẫn còn nguyên giá trị.
Trước khi giải thể, Daihatsu đã ký hợp đồng yêu cầu các trạm bảo dưỡng thực hiện đúng cam kết cho đến ngày 6/11. Sau thời hạn này, Daihatsu sẽ bổ nhiệm một nhà sản xuất thứ ba chịu trách nhiệm chăm sóc các sản phẩm của hãng tại Việt Nam. Ngoài ra, Daihatsu cũng sẽ cung cấp phụ tùng thông qua nhà phân phối để khách hàng có thể thay thế bất cứ lúc nào.
- Công ty giải quyết như thế nào về vấn đề nhân sự và tài sản trong liên doanh?
- Hiện tại, Vindaco có 117 nhân viên bao gồm 3 người nước ngoài. Đại bộ phận trong số này được hưởng lương đến hết tháng 7 dù công ty có quyết định giải thể từ 6/6. Ngoài ra, chúng tôi còn có những khoản đền bù khác.
Về tài sản trong liên doanh, hội đồng quản trị Vindaco đã quyết định trả lại 6 ha đất thuê tại Sóc Sơn, Hà Nội cho Sở Tài nguyên Môi trường. Còn phần tài sản trên đất gồm dây chuyền, nhà xưởng, văn phòng sẽ được bán đấu giá.
- Đã có nhiều năm kinh nghiệm, ông đánh giá thế nào về công nghiệp ôtô Việt Nam?
- Với chính sách của nhà nước như cho phép nhập khẩu xe cũ, xe nguyên chiếc cùng với cơ sở hạ tầng và thị trường chưa lớn như hiện nay, quả thực rất khó để công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, và các nhà lắp ráp gặp nhiều khó khăn.
Trọng Nghiệp thực hiện
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet