Dù bực bội vì việc nhân viên bán hàng của Vidamco hứa hão và chuyển thời điểm nhận xe từ tháng 5 sang tháng 7, nhưng anh Linh Anh, Giám đốc một công ty xây dựng, đành thở dài thú nhận: "Đi khắp các hãng xe từ lắp ráp trong nước đến nhập khẩu, cuối cùng lại phải quay về với Captiva. Với mức giá đó, quả thật không chiếc nào đẹp hơn nó".
Nếu thoải mái về tài chính, mẫu xe anh "kết" nhất là Hyundai Santa Fe nhập khẩu nguyên chiếc bởi vẻ khỏe khoắn, hiện đại. Mức giá tầm 50.000 USD của Santa Fe khiến anh e ngại nhưng vẫn không bỏ ý định mua nó vào lúc khác. "Mình là dân xây dựng, hay đi công trình nên rất thích loại vừa mạnh mẽ vừa sang trọng như crossover. Đi xe sedan thấy cứ thế nào", anh thổ lộ.
Xe nhập khẩu đa dạng
Trên thế giới, Chevrolet Captiva và Hyundai Santa Fe được xếp vào phân khúc có tên gọi "crossover", có thiết kế lai giữa kiểu sedan (xe 5 chỗ) và thể thao đa dụng SUV. Những chiếc crossover đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là Nissan Murano, Lexus RX330 hay Acura MDX cách đây vài năm.
Nissan Murano, một trong những chiếc crossover được ưa chuộng nhất. Ảnh: Minh Đức. |
Khi ấy, chúng mang lại cho thị trường xe hơi trong nước một xu hướng mới, đẹp và uyển chuyển hơn hẳn những chiếc xe dạng "bao diêm" như Mitsubishi Jolie, Toyota Zace hay có phần cứng cáp của Ford Escape. Ngày đó, lượng Lexus RX chạy trên đường chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện tại đã lên đến vài trăm chiếc.
*Crossover - 'hoàng tử lai' 10 tuổi |
*5 chiếc crossover dành cho nam giới năm 2007 |
Sau 1 năm cho phép nhập khẩu xe cũ, Lexus là thương hiệu được nhập về nhiều nhất trong số các mẫu xe hạng sang với 244 chiếc. Trong số đó, có tới 25% thuộc về dòng RX với những sản phẩm như RX330, RX350 hay RX400 h (sử dụng động cơ hybrid). Ấn tượng nhất ở RX là kiểu dáng nhẹ nhàng, thanh thoát và uyển chuyển cộng với tính năng lái cao cấp. Theo dân buôn xe chuyên nghiệp, khách hàng chủ yếu của Lexus RX là giới trẻ thành đạt. Giá của RX350 mới trên thị trường vào khoảng 120.000 USD.
Ngoài Lexus RX, hai mẫu crossover BMW X5 và BMW X3 cũng không kém cạnh về khả năng hút khách. Lượng X5 và X3 cũ nhập khẩu chiếm 30% tổng số xe của BMW. Đối với xe mới nhập khẩu nguyên chiếc, X5 cũng bán khá chạy dù giá ở tầm 100.000 USD. Theo lãnh đạo cấp cao của công ty cổ phần Euro Auto, nhà phân phối các sản phẩm BMW tại Việt Nam, X5 sẽ là sản phẩm chủ lực của họ với khoảng 100 xe mỗi năm.
Hyundai Veracruz dự kiến vào Việt Nam từ tháng 7. Ảnh: Edmunds. |
Ngoài hai "ông lớn" hạng sang Lexus và BMW, chiếc crossover bình dân Nissan Murano cũng được ưa chuộng không kém, dù số lượng ít hơn. Đại diện một nhà phân phối Nissan tại Việt Nam cho biết, tuy không được nhập khẩu chính thức nhưng Murano cứ về chiếc nào hết chiếc ấy trong khi dòng sedan như Tiida thì vài tháng mới tiêu thụ được một chiếc.
Mẫu crossover nhập khẩu tiêu thụ nhanh nhất có lẽ là Hyundai Santa Fe với lượng xe bán ra gấp 3-4 lần so với dự kiến của nhà phân phối, công ty cổ phần Hyundai Việt Nam. Sắp tới, Hyundai Việt Nam dự kiến sẽ đưa chiếc Veracruz vào Việt Nam trong tháng 7. Veracruz có dáng gần giống Lexus RX350, tính năng vận hành hơn hẳn Santa Fe nhưng giá lại không đắt hơn là bao. "Chúng tôi dự báo Veracruz sẽ thành công hơn cả Santa Fe", đại điện của Hyundai Việt Nam cho biết.
Captiva - một mình một ngựa xe trong nước
Chevrolet Captiva hiện là chiếc crossover duy nhất được lắp ráp trong nước và chính điều đó đã mang lại thành công của mẫu xe này. Dù chất lượng không có gì nổi bật nhưng với mức giá khoảng 30.000 USD và kiểu dáng hiện đại, Captiva nhanh chóng trở nên "hot". Ngay từ khi chưa bắt tay lắp ráp, Vidamco đã nhận khá nhiều đơn đặt hàng, đặc biệt tại triển lãm ôtô Việt Nam hồi tháng 10/2006.
Chevrolet Captiva hút khách nhờ kiểu dáng crossover. Ảnh: T.N. |
Sau 5 tháng, Vidamco bán được 1.190 chiếc Captiva, cao hơn tổng doanh số xe 5 chỗ của nhà sản xuất này. Thành tích của Captiva không thể sánh với Toyota Innova nhưng so ở phân khúc thể thao đa dụng, chưa có sản phẩm nào trên thị trường đạt được kỷ lục trên. Theo nguồn tin của VnExpress, sắp tới, do sự hỗ trợ tốt từ hãng mẹ GM Daewoo, Vidamco có thể sẽ giao nhiều xe hơn chứ không nhỏ giọt như những tháng trước.
Lần đầu tiên thuật ngữ “crossover” được đặt cho chiếc RAV4 của Toyota năm 1995. Nhưng sau đó, Honda mới là hãng có cú “huých” vào thị trường Nhật Bản với mẫu CR-V có khung sườn lấy từ Honda Civic. Tại Mỹ, phản ứng của thị trường trước sự xuất hiện của crossover làm sửng sốt hầu hết các nhà sản xuất, đặc biệt là 3 ông lớn ngự tại Detroit gồm Ford, Chrysler và General Motors. Thủ phủ ngành công nghiệp Mỹ đã miễn cưỡng phải thay đổi tư duy về SUV và bắt đầu “mặn mà” với crossover khi doanh số của Ford phải dựa phần lớn vào chiếc Edge. |
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet