Cứu chó mèo vì "nếu không phải mình thì ai sẽ làm"
Thảo Nguyên có thể chia sẻ câu chuyện về chú chó đầu tiên mà bạn cứu?
Chú chó đầu tiên được tôi cứu cách đây 8 năm tên là Mực và hiện nó vẫn sống cùng chúng tôi. Sáng hôm đó trên đường đi làm, khi đi ngang công viên Tao Đàn, tôi thấy Mực đang co ro núp dưới ghế nhà chờ xe buýt ở khu công viên Tao Đàn, trên người chi chít những sẹo do bị nhiều người đuổi bắt và đánh nhau với các chú chó khác.
Ban đầu, tôi đi lướt qua vì đó là khoảng thời gian tâm lý còn bị chấn động mạnh sau cái chết của chú chó tôi nuôi trước đó. Nhưng ngay lập tức tôi đã quay lại vì biết rằng nếu tôi không giúp nó thì sẽ chẳng ai giúp nó. Tôi không thích suy nghĩ “nếu mình không làm thì sẽ có người khác làm”, mà thay vào đó thường nghĩ “nếu không phải mình thì ai sẽ làm”.
Trong khi mọi người quanh đó hàng ngày cho gì nó cũng không ăn và cũng không ai lại gần được, thì tôi có thể tiếp cận và ôm Mực vào lòng sau khoảng 30 phút nói chuyện và dụ ngọt. Tôi mang Mực về tới nhà khi trời đã tối và cột ở cửa ban công cho nó quen dần. Tối đó, ba tôi đi làm về khuya đã giật mình suýt xỉu khi vừa thấy một cục đen thui to đùng nằm ngay cửa, nhe hàm răng trắng hếu. Nhưng Mực rất thông minh, nó biết ba tôi là người “uy quyền” nhất nhà nên theo "nịnh" ba tôi ngay.
Mực - chú chó đầu tiên Vi Thảo Nguyên cứu vào năm 2007, nay vẫn sống cùng vợ chồng cô.
Thời điểm mới bắt đầu công cuộc giải cứu những chú chó mèo bị bỏ rơi, Nguyên sống trong một căn nhà khá nhỏ. Bạn có gặp khó khăn trong việc cưu mang những sinh linh bé nhỏ đó không?
Đến giờ tôi vẫn sống trong căn nhà nhỏ, chỉ khác là giờ tôi sống với chồng, còn khi xưa thì sống cùng ba mẹ và em gái. Bạn tưởng tượng nổi không khi trong một căn hộ chừng 60m2 mà có 4 thành viên, ngoài ra còn nuôi thêm khoảng 30 mèo và 10 chó. Mẹ tôi là người cực nhất vì bà phải dành nhiều thời gian trong ngày để lo việc vệ sinh nhà cửa.
Đó là chưa kể tiếng sủa của cả 10 con chó cùng lúc mỗi khi có người lạ đi ngang hành lang chung cư hoặc có khách. Cha mẹ tôi phải rất yêu thương những sinh linh bất hạnh đó và mong muốn bù đắp cho chúng một cuộc sống tốt đẹp hơn mới có thể chịu đựng được.
Nguyên có thể chia sẻ nhiều hơn về những chú chó mèo mà bạn đang chăm sóc?
Ban đầu, tôi cưu mang các chú chó, chú mèo mà mình cứu ngoài đường về ngay tại ngôi nhà tôi sống cùng cha mẹ và em gái. Lúc ấy tôi và mẹ cùng nhau cứu chúng từ ngoài đường, chăm sóc và sau khi khỏe lại thì tìm cho chúng một gia đình mới yêu thương. Hiện tại vẫn còn 30 - 40 bé mèo và 10 bé chó đang sống cùng mẹ tôi. Nhiều trong số đó là những bé bị khuyết tật, liệt, mù… ít có khả năng tìm nhà nên chúng tôi quyết định giữ lại.
Sau đó, tôi gặp những người bạn tri kỉ và chúng tôi đã lập nên Yêu Động Vật. Hội ra đời vào tháng 8/2010, mục tiêu hoạt động vì động vật, xây dựng và nâng cao nhận thức xã hội về các vấn đề liên quan đến quyền lợi động vật. Hội có một ngôi nhà tình thương riêng là nơi cưu mang 40 bé mèo, 15 bé chó.
Khát sữa...
Những chú mèo cần sự yêu thương
Nhà riêng của tôi đang sống cùng chồng cũng là nơi tôi thường đón các bé về foster (chăm sóc một thời gian ngắn đợi chúng khỏe để tìm nhà cho chúng). Mỗi chú chó mèo cứu về lại có một câu chuyện riêng, đa phần là những câu chuyện buồn.
Có “bé" nào đang khiến bạn phải lo lắng nhất không?
Nói lo thì hầu như đứa nào cũng đáng lo cả, nhưng lo nhất là những đứa đã bị chấn thương tâm lý nặng nề sau khi bị chủ cũ ngược đãi hoặc từng trải qua những khốn khó trong khoảng thời gian lang thang. Những trường hợp này rất khó để bình tâm trở lại vì chúng luôn sống trong hoang mang và sợ hãi, không biết ngày mai mình sẽ ra sao.
Khi mới được cứu về, chú mèo tên Binh rất nhát và thường hay trốn một góc. Sau một thời gian, cu cậu đã quen hơi và bắt đầu "lùng sục" khắp nhà.
Chi phí một tháng dành cho các em thú cũng như nhà tình thương mà Hội đang duy trì có tốn kém không? Khoảng bao nhiêu tiền/tháng?
Nhà tình thương của Hội phải thuê nhà riêng, thuê bảo mẫu ở lại chăm sóc vì chúng tôi không thể túc trực ở đó 24/7 do mỗi người đều có công việc riêng của mình. Cộng thêm vào đó chi phí thú y, ăn uống… mỗi tháng trung bình hết khoảng 40 triệu đồng. Đó là chưa kể những tháng tiếp nhận những trường hợp cần điều trị lâu dài.
Còn chi phí cho những chú chó mèo tôi đang chăm sóc và gửi ở nhà mẹ thì đã “ngốn” hết 2/3 lương của một nhân viên biên tập viên sách rồi. Đôi khi tôi cũng nghĩ là nếu mà không có tụi nó thì có lẽ mình cũng giàu lắm rồi. Nghĩ thế thôi, nhưng mà điều tôi chắc chắn là cuộc sống của tôi khi có chúng ý nghĩa hơn nhiều. Phải cảm ơn chúng đã xuất hiện trong cuộc đời tôi.
Duyên mệnh gặp chồng khi cứu 2 chú mèo mù
Được biết, chồng Nguyên cũng là một người yêu động vật. Cơ duyên nào đã mang hai bạn đến với nhau?
Tôi tin vào luật hấp dẫn. Chúng ta có xu hướng hút những điều tốt đẹp về phía mình nếu chúng ta thật sự nghĩ đến điều đó. Chúng tôi gặp được nhau và đến với nhau sau lần tôi sắp xếp để đưa 2 chú mèo mù Hope và Mercy mà Hội cứu được sang định cư tại Mỹ.
Đợt đó, khi chúng tôi thực hiện một chương trình kêu gọi hỗ trợ chi phí để 2 chú mèo mù được sang Mỹ thì nhận được nhiều "gạch đá" lắm. Người ta nói mèo mà bày đặt đi Mỹ, mù mà bày đặt đi máy bay. Người ta còn mắng chửi tôi thậm tệ vì dám kêu gọi giúp 2 con mèo mù trong khi cả thế giới đang còn nhiều người chết đói (?!). Tôi không hiểu sao nhiều người cứ hay nói về hòa bình thế giới trong khi bản thân họ thì một con mèo cũng không cứu nổi.
Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người - những người tin rằng mọi mạng sống đều đáng giá – trong đó có chồng tôi bây giờ. Hơn nữa, sếp của chồng tôi khi đó chính là người trực tiếp đưa 2 đứa nó đi cùng trong dịp anh sang Mỹ công tác.
Mercy và Hope là hai chú mèo mù cả hai mắt, vật thí nghiệm của các sinh viên thú y, sau khi thực hành thì vứt bỏ lại tại một phòng khám thú y. Yêu Động Vật (YDV) đã đến cứu các bé ngay trước khi các bé sắp bị tiêm nhân đạo. Sau khi nhận được tin có một gia đình ở Mỹ muốn nhận nuôi hai bé, YDV đã quyên góp tiền để lo các chi phí, thủ tục đưa hai bé qua đó. Hiện nay, hai bé đang sống an lành trong vòng tay của những người chủ yêu thương.
Bộ ảnh cưới chụp với chó mèo bị bỏ rơi của vợ chồng Thảo Nguyên rất khác lạ. Từ đâu hai bạn nảy ra ý định chụp ảnh cưới với những chú chó, mèo bị bỏ rơi?
Cá nhân tôi nghĩ một bộ ảnh cưới phải gắn liền với cuộc sống thường nhật của mình. Tôi thích ảnh cưới của mình thể hiện đúng bản chất cuộc sống hàng ngày của tôi, thế nên cả hai vợ chồng quyết định sẽ chụp hình cưới với những con vật mà tôi đã cứu từ ngoài đường về.
Tất nhiên qua bộ ảnh cưới của mình - nhất là sau đó nó được khá nhiều báo chia sẻ lại – tôi mong muốn thể hiện một cuộc sống bình dị, một gia đình ấm áp khi có chó có mèo, nơi những con vật được coi là thành viên trong gia đình, như con nít, chứ không phải chỉ là con chó con mèo.
Không có trách nhiệm, tốt nhất đừng nuôi thú cưng
Hiện vẫn còn không ít người đối xử chưa tốt với thú cưng của họ (không quan tâm chăm sóc, bỏ rơi khi không nuôi được…), bạn nghĩ gì trước những hành động đó?
Nhiều người vẫn hay viện rằng cuộc sống của người lo chưa xong thì lo gì đến con chó con mèo. Suy nghĩ đó không sai, nhưng hẹp, vì đợi cho tất cả con người trên thế giới này được có cơm ăn áo mặc hết rồi mới bắt đầu yêu thương một con chó con mèo và chăm sóc chúng đàng hoàng liệu có quá muộn không? Và nếu ai vẫn còn nghĩ vậy thì tốt nhất họ đừng nuôi một con vật nào cả.
Tôi cho rằng nếu trách nhiệm nhỏ nhất, dễ thực hiện nhất của chúng ta đối với một con vật mình nuôi trong nhà mà còn làm không được thì đừng nên nói đến những thứ trách nhiệm khác cao và nặng hơn.
Khi người chủ không nuôi được thú cưng của họ nữa và muốn vứt bỏ, bạn sẽ nói gì với họ?
Cũng tùy người mà tôi khuyên hay không khuyên, nhưng trong cả 2 trường hợp thì tôi đều sẽ chuẩn bị phương án cứu con vật sắp bị chủ cho ra đường đó. Khi không thể hay không muốn nuôi nữa thì vẫn còn có cách là tìm người thân, bạn bè hoặc người khác nuôi chứ sao lại có suy nghĩ vứt nó ra đường.
Cho nên với tôi, những người có suy nghĩ vứt con vật mình từng nuôi ra đường đa phần là “hết thuốc chữa” – dù với bất kỳ lý do gì. Nếu có khuyên thì tôi khuyên họ đừng bao giờ nuôi chó mèo nữa. Còn với những người còn chút khả năng lay chuyển, tôi muốn họ biết rằng cuộc sống này là một vòng lặp. Chúng ta sẽ nhận lại nguyên vẹn những gì chúng ta đã làm với người khác, vào một lúc nào đó trong cuộc đời.
Cảm ơn Nguyên vì những chia sẻ của bạn!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet