Việc bùng nổ về lượng khách cũng xuất hiện một lượng khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng, khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu.
Thế nào là tour 0 đồng?
Với khách du lịch, tour giá rẻ có thể được hiểu đơn giản nhất là du khách mua vé máy bay (tàu, thuyền, ôtô), phí visa, khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải trả.
Với doanh nghiệp du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng” hay “tour không có lãi”, thậm chí là “tour âm đồng". Đây là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn”.
Thủ tướng vừa yêu cầu quảng ninh kiểm tra phản ánh cửa hàng 'chỉ bán cho người Trung Quốc'. Ảnh: Minh Cương. |
Công ty du lịch thông qua các hình thức như "chăn dắt" khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để lấy doanh thu từ hàng hóa, bù lại phần chi phí khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, phí visa và thu lời. Do vậy, khái niệm giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Vì sao có tour 0 đồng?
Tour giá rẻ hay tour 0 đồng xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá.
Ví dụ tại Hàng Châu, có đến hơn 100 công ty lữ hành bán sản phẩm Nha Trang và Đà Nẵng. Họ thuê máy bay của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet, Dragon Airlines... Ngoài ra cũng còn rất nhiều công ty thuê máy bay đến đảo Bali, Phuket, Maldives, Saipan, Krabi… Khách du lịch Hàng Châu có rất nhiều lựa chọn với chi phí không hề đắt đỏ. Những công ty bán sản phẩm du lịch Đà Nẵng và Nha Trang của Việt Nam chắc chắn không thể nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến về giá với các điểm đến khác.
Sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa quả tải vì lượng khách trung quốc tăng đột biến. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Đây cũng là cuộc chiến của các hãng hàng không và các nhà thầu máy bay. Năm 2016, một tuần có 60 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Nha Trang. Chỉ tính riêng xuất phát từ Thành Đô mỗi tuần có 20 chuyến. Tương tự, có khoảng 50 chuyến charter từ Trung Quốc đến Đà Nẵng mỗi tuần. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày từ Incheon, Hàn Quốc có 12 chuyến bay charter đến Đà Nẵng, mùa thấp điểm có từ 6 đến 8 chuyến, mỗi tháng vận chuyển khoảng 40.000 đến 50.000 lượt khách. Các hãng hàng không của Việt Nam và các nước xuất phát cũng đều phải cạnh tranh khốc liệt với loại hình bay charter.
Đà Nẵng, điểm đến ngày càng hấp dẫn của Việt Nam, đang là sản phẩm du lịch chịu sự cạnh tranh mạnh ở Hàn Quốc, đặc biệt trong nhóm khách sử dụng hàng không giá rẻ, mua tour tiết kiệm. Mức chi trung bình cho dịch vụ tại khách sạn 4 sao của khách Hàn Quốc khoảng 40 USD, tương đương khách Trung Quốc. Vì vậy không tránh khỏi việc các công ty đón khách Hàn Quốc cũng phải dựa vào tour mua sắm để bù lại chi phí đầu vào.
Tour giá rẻ còn là cuộc chiến giữa sản phẩm du lịch của các công ty gom khách. Nếu tất cả công ty gom khách đều chào một sản phẩm du lịch Đà Nẵng hay Nha Trang chung chung thì khó có thể cạnh tranh được, mà phải thiết kế các sản phẩm khác nhau phục vụ từng dòng khách khác nhau, ví dụ “sản phẩm tiết kiệm” dành cho nhóm khách trung bình sử dụng khách sạn 3 sao, “sản phẩm trung cấp” sử dụng khách sạn 4 sao và “sản phẩm cao cấp” sử dụng khách sạn 5 sao.
Ngoài ra còn có sản phẩm đánh golf, MICE, nghỉ dưỡng đơn thuần, mua sắm hay du lịch cùng người thân, gia đình… Cho dù đa dạng như vậy nhưng tất cả sẽ bị cuộc chiến về giá càn quét. Hơn nữa, để lấp đầy một chuyến máy bay không thể chỉ có khách cao cấp, hoặc cũng không thể chỉ toàn khách thấp cấp hay trung bình. Đây là bài toán kinh doanh đan xen do thị trường quyết định.
Cuộc chiến cũng đến từ chính các công ty đón khách. Nhiều công ty đón khách vì muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí có một số công ty du lịch nhận khách sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời, mang tâm lý “đánh cược” khiến cho chính các công ty thuê bao charter cũng phải lắc đầu vì mức độ mạo hiểm.
Tiếp theo: Các nước giải quyết thế nào với tour 0 đồng
Lê Vàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet