Cách đây 2 năm, một trang báo nước ngoài đặt câu hỏi thú vị, tưởng như hiển nhiên: "Tại sao con người thích chạy nhanh?". Hàng nghìn lượt trả lời. Hầu như không có câu đúng hoàn hảo. Nhưng tôi ấn tượng với comment: "Đơn giản vì đi chậm thì ai cũng làm được!".
Đúng vậy, tham vọng của con người là vượt qua chính mình. Trừ những ai không khả năng mới yên tâm đi...chậm. Còn lại số đông sẽ tự hỏi "sao không thử một lần?". Nếu bạn từng đi 150 km/h, sẽ có ngày bạn đạp ga thành 160, 170 và thậm chí 200. Đó hầu như là chân lý.
Tại sao lại vậy? Bởi khi đạt tới giới hạn nào, ta có xu hướng coi khinh nó. Đi mãi ở quốc lộ 80 km/h, khi lên 100 km/h những cao tốc mới, cảm giác thật thú vị. Nhưng chỉ sau vài km thôi, sẽ muốn lên 120. Cảm giác ga thế nào, vô-lăng ra sao. Tiếng ồn mặt đường có lớn? Hàng tá câu hỏi nảy sinh. Mà khi chưa trả lời được, nó thành ám ảnh.
Tạo hóa cho tất cả, từ đi bộ, xe đạp, xe máy, ôtô và siêu xe mỗi ngày chỉ 24 tiếng. Ai nhanh hơn, người đó hữu ích hơn. Sáng Hà Nội, trưa Hạ Long, tối lại Hà Nội. Nhiệm vụ đó là bất khả thi nếu cuốc bộ, rất rất khó nếu đi xe máy, khó vừa cho một chiếc xe bình dân và đơn giản với Ferrari. Cái gì có thể đi nhanh hơn phần còn lại, cái đó là thứ bạn cần. Mỗi khi tắc đường, tôi chắc đa số sẽ ước giá như xe mình có thể nhấc lên và bay được.
Vì vậy, tội gì không đi nhanh khi có thể?
Nhưng nếu chỉ thỏa mãn bản năng, thì nguy hiểm quá. Cả thế giới, từ đang phát triển tới phát triển, rất ít như nước Đức có autobahn không giới hạn tốc độ. Thực ra thì autobahn vẫn giới hạn ở những nơi nguy hiểm. Vậy thì họ sướng quá. Ai cũng có thể chạy tẹt ga, đúng mong ước.
Nhưng cả chục làn xe, chỉ có hai làn trong cùng dành cho tín đồ tốc độ. Tất cả làn còn lại là của những người "không chịu đi nhanh". Lần đầu tiên lái trên autobahn, tôi không thấy sướng. Thú thật là vậy. Chính xác phải là cảm xúc "hèn kém". Bạn tưởng tượng chạy 180 km/h, gió thổi ầm ầm ngoài cửa mà vẫn có xe nháy pha phía sau. Ở Việt Nam, cắm mặt giữ vô-lăng lên 180 chút rồi mau chóng giảm ga. Ở đây, bạn phải chuyển làn lúc đi 180. Rồi khi thông lại chuyển sang làn cũ. Những công đoạn liên tục, liên tục suốt 40 km không nghỉ. Rất căng thẳng.
Còn trạng thái hèn kém? Nó sinh ra bởi hàng loạt lo âu ở đâu kéo về, như:
Chẳng may có viên đá nằm giữa đường?
Chẳng may ông tài xế nào ngủ gật lệch làn?
Chẳng may xe nổ lốp?
Chẳng may gặp ổ gà?
Những ám ảnh đặc Việt Nam làm tôi chùn chân ga. Ngoan ngoãn ở con số 180 mà không dám lên 200 như từng hy vọng.
Kể thế để thấy rằng mỗi chúng ta có một khả năng nhất định, về phản xạ và sức khỏe. Chưa kể năng lực chiếc xe. Trong những lúc lên mặt với bạn bè, có thể chém tơi bời chạy "trăm rưỡi, hai trăm". Đúng lúc "tự do" thì phát hiện ra tốc độ không đơn giản thế.
Người Đức sinh ra xe hơi, hiểu xe hơi từ tấm bé và ý thức cao tới mức tất cả tin rằng người khác cũng tuân thủ luật như mình. Có như vậy, họ mới có những con đường không giới hạn.
Còn chúng ta, lái xe ra đường là lo những tai ương nhạt nhẽo vãng lai. Thì không nên cố chinh phục tốc độ để làm gì. Chỉ nên mơ rằng ngày nào đó tất cả cùng có ý thức thì cơ hội mới không quá xa.
Ngưỡng duy nhất mà chúng ta cần chinh phục là thái độ của chính mình.
Nam Nguyễn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet