Theo anh Lê Nhật Tuấn, chủ cửa hàng bể cá thủy sinh trên đường Nguyên Hồng, Bình Thạnh (TP HCM), việc chọn kích thước bể sẽ quyết định đến loại cây, đá trang trí, các loại cá trong hồ.
Với bể cao, rộng, bạn dùng những mảng đá to, phẳng đặt trên nền bể, có thể làm theo kiểu dốc đứng của hẻm núi. Với dạng bể thấp, nhỏ, nên xếp đá dẹt thành lớp ngang hoặc nghiêng. Nhà nhỏ, bể cá thường có kích thước phổ biến là 1 m, 1,2 m và 1,5 m. Bể dài 3 m thích hợp với phòng khách rộng rãi của biệt thự.
Hồ thủy sinh giúp không gian phòng khách xanh mát. Ảnh: Khánh Ly |
Theo anh Phan Văn Hải, chủ cửa hàng bể cá thủy sinh trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 (TP HCM), một bể cá đẹp cần trang trí nhã nhặn, tạo được chiều sâu cho bể và che đi các phần phụ của bể nuôi.
Việc chọn vị trí đặt bể trong nhà cũng cần cân nhắc kỹ. Anh Trần Ơn, sống ở quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết: "Cần đặt bể cá ở chỗ thuận tiện để dễ thay nước, chuyển đất, rửa kính, thay cá và không gây hỏng hóc các đồ vật xung quanh".
Nhiều người có ý định làm bể cá thủy sinh thường thắc mắc về vai trò của đá và sỏi trong hồ. Lớp sỏi không chỉ là chỗ cho cây đâm rễ mà còn được sử dụng như một lớp lọc và chỗ cho cá đẻ. Những viên sỏi có kích thước 3 mm được ưa chuộng vì phù hợp với điều kiện chăm sóc bảo quản trong những bể cá kích cỡ trung bình.
Trang trí con đường bằng sỏi trong hồ thủy sinh. Ảnh: Khánh Ly |
Các bước tự làm một hồ thủy sinh đơn giản:
- Làm vệ sinh thành và đáy bể sau khi mua về.
- Rải sỏi, cát hay đá đập vụn làm lớp nền dày từ 2 cm tới 7 cm. Dưới lớp nền có thể cho lớp đất dinh dưỡng 2-3 cm nhưng cần lưu ý giữ vệ sinh kỹ càng.
- Dùng cọ để vuốt lại lớp sỏi cho bằng phẳng, tạo kiểu theo ý muốn.
- Xếp đá, rễ cây khô và cắm cây. Xếp khéo léo đá trong bể để tạo nơi cư trú cho một số loài cá nhỏ.
- Thả các loại cá, tôm phù hợp với thẩm mỹ, sở thích.
Sau khoảng 2 tuần, cây bắt đầu tươi tốt, khoảng sau một tháng thì phát triển nhanh.
Video hướng dẫn làm bể cá thủy sinh
Khánh Ly
Video: Youtube
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet