Đối với mỗi nhu cầu riêng của một hộ gia đình, tủ giày sẽ mang một hình thức khác biệt. Tủ nên bố trí các ngăn kéo nhỏ làm nơi để xi, bàn chải đánh giày, để chìa khóa nhà hoặc những vật dụng mang tính chất di động khác cần dùng đến hằng ngày. Những đôi giày hoặc dép thường xuyên sử dụng có thể bố trí để ở những ngăn hở để có thể lấy ra đi ngay mà không cần mở cánh tủ. Tuy nhiên, không nên để nhiều ngăn như vậy vì tủ giày sẽ bừa bộn và mất thẩm mỹ.
Tùy không gian, tủ giày cần những yêu cầu cụ thể khác nhau. |
Tủ giày thường bố trí tại tiền sảnh mỗi ngôi nhà hay căn hộ chung cư, tùy theo nhu cầu của chủ nhà và không gian tiền sảnh mà quyết định kích thước tủ giày. Tủ giày có 3 loại đợt sắp xếp:
- Đợt ngang: Đợt ngang sẽ làm tủ có bề dày khoảng 35 cm vì giày dép xếp theo phương nằm ngang.
- Đợt nghiêng: Đợt bên trong tủ giày có thể đặt nghiêng từ 15 đến 45 độ, độ nghiêng càng lớn thì tủ giày càng mỏng.
- Giá để thẳng đứng: Độ dày của tủ mỏng nhất, 18 cm. (Lưu ý tủ giày nên có những đợt cao để giày cao cổ)
Tủ giày chia làm 2 loại: cao và thấp. Tủ thấp bị hạn chế chỉ có thể để giày dép. Tủ cao có thể để treo áo măng tô cho khách đến chơi, treo áo mưa, ô, mũ... rất gọn gàng và đẹp cho không gian phòng khách lân cận. Vì nếu không, những đồ đó khi mang vào phòng khách sẽ rất bừa bộn. Bố trí chỗ ngồi để đi giày cần được cân nhắc hợp lý với vị trí tủ giày và không gian tiền sảnh.
Ở Việt Nam, nên thiết kế tủ giày có cánh đóng kín. |
Nên bố trí tủ giày đi cùng gương soi bên trên để bạn có thể chỉnh lại trang phục trước khi ra khỏi nhà. Đối với những tủ cao thì gương soi có thể dán sau cánh cửa nếu như chủ nhà yêu cầu khắt khe về phong thủy hoặc trên chỗ ngồi đi giày.
Nếu được thiết kế, tủ giày sẽ không còn đơn giản là một chiếc tủ giày, khô khan và lặng lẽ ở góc nhà với duy nhất một chức năng là đựng, nó sẽ đẩy không gian đầu tiên của nhà bạn lên một tầm cao nghệ thuật thực sự.
KTS Nguyễn Đặng Đan Thanh
Công ty Kiến trúc A Cộng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet