Nhắc đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người thì chúng ta không thể bỏ qua khoai tây. Khoai tây rất mềm, dễ tiêu hóa nên làm dịu đường ruột và hệ tiêu hóa. Nó cũng có thể chữa lành tình trạng viêm bên ngoài khi chà xát lên chỗ viêm. Đặc biệt tốt cho não, người bị tiểu đường, giảm sỏi thận, giảm căng thẳng... Nhờ những lợi ích thiết thực, khoai tây có mặt trong nhiều công thức nấu ăn, làm đẹp.
Nếu bạn vô tình để quên những củ khoai tây trong bếp quá lâu ngày và chúng bắt đầu mọc mầm thì đừng vội vứt đi nhé. Khoai tây mọc mầm không thể ăn được nữa vì có hại cho sức khỏe nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng chính những củ khoai đấy để trồng thành cây mới ngay tại nhà.
Khoai tây để lâu rất dễ nảy mầm. Lúc này chất lượng dinh dưỡng gần như không còn nhưng lại rất thích hợp để trồng cây mới.
Cũng giống như khoai lang, rau cải chíp, hành lá..., khoai tây rất dễ phát triển theo phương pháp Thạch Sanh. Bạn chỉ cần chuẩn bị một cốc nước sạch và vài củ khoai tây đã mọc mầm từ các mắt khoai. Xiên 3 - 4 cây tăm vào thịt của củ khoai, rồi thả nó vào cốc nước sao cho 1/2 thân củ khoai chìm trong nước.
Nước để ươm củ giống càng sạch càng tốt. Ban đầu, các bạn nên sử dụng nước ấm khoảng 30 - 35 độ C.
Để cốc nước trên bậu cửa sổ hoặc vị trí nào đón được nhiều ánh sáng để hỗ trợ quá trình nảy mầm và mọc rễ.
Chỉ sau 2 tuần, bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt trên củ khoai. Những mầm non chìm dưới nước sẽ mọc rễ rất dài, còn bên trên thì vươn cao lên.
Khi mầm non đã mọc đủ cao thì tách ra khỏi củ và bắt đầu bước tiếp theo là phát triển cây con.
Đặt phần rễ mầm chìm trong bát nước sạch. Cách này giúp bộ rễ sinh trưởng hoàn thiện.
Khi cây non cao được 25 - 30 cm, bạn có thể đem trồng xuống đất.
Đối với các gia đình sống ở thành phố không có vườn tược hoặc quá nhiều diện tích thì có thể trồng khoai tây trong các bao tải, hộp xốp hoặc chậu cảnh đều được.
Khi gặp đất, bộ rễ sẽ hút chất dinh dưỡng nuôi cây cao lớn và xanh tốt rất mãnh liệt.
10 ngày sau, cây bắt đầu ra những cụm lá mới.
Khoai tây cần một nơi đủ ánh sáng, thoáng mát với đất trồng giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, độ ẩm thích hợp. Năng suất của khoai tây có thể cải thiện nhờ các chất hữu cơ phân hủy, ví dụ như phân vườn. Do đó, thường xuyên tưới nước và thêm chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây.
Xem thêm Trồng rau sạch:
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet