Nhiều người đi phượt để chứng tỏ, để bắt kịp xu hướng. Nhưng dù với mục đích gì, chúng ta vẫn không thể phủ nhận ngày càng nhiều người trẻ “xách ba lô lên và đi”.
Phượt không chỉ đơn giản xách balô lên và đi, ảnh minh họa.
Không dành cho sự ngẫu hứng
Nhiều năm lại đây, câu chuyện đi phượt đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các bạn trẻ bởi ước muốn được trải nghiệm, được chinh phục những miền đất hoang sơ, gian khó… Những chuyến đi, những hành trình ít nhiều mang đến cho phượt thủ các kiến thức xã hội, kỹ năng sống và thậm chí là những cảm xúc dữ dội trong mong manh sự sống và cái chết.
Bên cạnh đó, những rủi ro và mặt trái của phượt cũng gây ra những tranh cãi trái chiều bởi những cuộc đi ngẫu hứng. Hoặc là những chuyến đi chỉ vì đi, vì “thể hiện” sự ngông cuồng của một số người trẻ.
Cách đây không lâu, cư dân mạng xôn xao tin một cô gái trẻ tử nạn do tai nạn giao thông khi đi phượt trên cung đường từ Hà Nội đến Mộc Châu. Trước đó, vụ một nam thanh niên mất tích khi leo Phan Xi Păng cũng làm rúng động dư luận một thời gian dài. Trùng hợp là cả hai nạn nhân đều gặp nạn trong chuyến phượt đầu tiên của mình.
Ngoài ra, cư dân mạng cũng truyền tai nhau trường hợp một nữ phượt thủ từ TP HCM đi Nha Trang bị cưỡng hiếp. Sự việc này tuy không có bằng chứng xác thực nhưng cũng đã gây hoang mang trong dư luận, đặc biệt là cộng đồng phượt.
Thêm nữa, khi không có một phông văn hoá, đi tới đâu họ để lại “dấu ấn” ở đó như vẽ bậy, viết bậy lên di tích, tàn phá các ruộng hoa. Tiêu biểu nhất là trường hợp những người dân ở Mộc Châu đã viết “tâm thư” gửi các phượt thủ. Nội dung bức thư chê trách các bạn trẻ đi phượt, chụp ảnh, vô ý thức xả rác, phá hoại cảnh quan, mùa màng, vườn tược của người dân nơi đây.
Ngoài ra, đó là câu chuyện đoàn phượt Hà Giang mang tên “Phong Vân Phượt” với 50 người, một con số quá khủng cho một đoàn du lịch bụi . Họ lập đoàn sau khi hô hào trên Facebook, hẹn một ngày và cùng nhau tiến đến Hà Giang trên những chiếc xe máy. Theo lời người trong cuộc kể, đoàn quá đông nên việc kiểm soát khó, đường sá xa xôi và tốc độ phóng điên dại của đoàn xe cũng khiến tai nạn trở thành mối đe dọa không hề nhỏ đối với từng cá nhân tham gia phượt.
Đáng kể, có 2 bạn bị tai nạn và phải dừng cuộc phượt, 1 bạn vì bị ngã đau và quá mệt mỏi với hành trình khủng khiếp nên cũng phải bắt xe ô tô khách quay lại. Chưa kể tới hình ảnh xấu khi họ điên cuồng phi thẳng xe qua ruộng hoa tam giác mạch và thậm chí trèo lên đỉnh cắm cờ ở Lũng Cú để chụp ảnh…
Chính vì sự ngẫu hứng, đi để “lấy le” ta đã đặt chân tới mọi miền Tổ quốc nên nhiều người đi chỉ lăm lăm tới đúng cột mốc để… chụp ảnh đưa lên facebook cho bạn bè ngưỡng mộ mà thôi. Còn khung cảnh hoang sơ thì than thở quá buồn tẻ…
Trong khi đó, những người đi phượt cũng giống như người mở đường vậy. Họ chạm đến những nơi mà du lịch không thể chạm đến được. Đó là những cung đường bùn đất lầy lội, là những đỉnh núi cheo leo hùng vĩ, thiêng liêng nơi biên giới xa xôi, là vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh chưa hề có dấu dân người qua lại…
Có người nói đi phượt là hành xác. Bởi đi phượt khác với đi du lịch, nghỉ dưỡng. Đến với những nơi xa xôi, hoang sơ như thế, việc ngủ ngoài đường, ăn bánh mì, lương khô là việc hết sức bình thường. Và dù có phải băng rừng vượt thác, khó khăn gian khổ hơn thế nữa thì những con người đam mê xê dịch cũng sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu, niềm đam mê của mình.
Nguyễn Long, chàng trai 18 tuổi, khi vừa đỗ đại học với với điểm số khá cao đã tự thưởng cho mình một chuyến xuyên Việt bằng xe đạp. Cậu đã bảo lưu học kì đầu tiên để thực hiện ước mơ này cùng người anh họ. Cậu nói, đây là ước mơ suốt những tháng ngày miệt mài học tập của mình. Dù gia đình có điều kiện nhưng hai anh em cậu chỉ chuẩn bị 2 chiếc xe đạp tốt và mỗi người 15 triệu cho 3 tháng.
Và trong hành trình đó, cậu đã hạn chế tối đa dùng điện thoại cũng như không cập nhật facebook. Long nói, đi là để cho chính mình bởi với Long, tất cả đều rộng mở phía trước và cậu luôn tin vào con đường của mình…
Mỹ Huệ, cô gái đầu tiên đặt chân tới Sơn Đoòng.
Vào trung tuần tháng 10 năm ngoái, cô gái Võ Thị Mỹ Linh (với tên tài khoản trên Facebook là Va Li) đã được cộng đồng mạng biết tới nhiều bởi cô đã sống sót qua trận bão tuyết kinh hoàng ở Nê Pan.. Dù đã trải qua cơn bão kinh hoàng với nhiều người bạn đồng hành đã nằm lại dãy Himalaya, cô gái 8x vẫn thể hiện một tinh thần lạc quan đầy tích cực.
Một cơn bão tuyết khủng khiếp đã bất ngờ ập đến tấn công hàng trăm người gồm cả du khách, người hướng dẫn địa phương đang chinh phục núi Annapurna, đỉnh núi cao thứ 10 thế giới, nằm trong dãy Himalaya.
“Một trong những người đàn ông bị tuyết che phủ đến đầu nhưng vẫn sống sót thấy chúng tôi đi qua thì lên tiếng kêu cứu. Những chàng trai trong nhóm vội vàng lao ra đào xới tuyết và giải thoát người đàn ông. Tuy vậy, không ai dám ở lại cùng ông vì ai cũng sợ bão tuyết ập tới lần nữa. Tôi đưa túi ngủ của mình cho ông để ông chờ trực thăng đến cứu dù cái túi ngủ đó tôi mượn của bạn và anh bạn dặn đừng ném nó đi vì đó là túi ngủ rất đắt.
Người này bị vùi trong tuyết nhưng còn sống và được giải cứu. Tôi không nhớ là đã bước qua bao nhiêu xác người để đi về. Chỉ biết có những lúc 2 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết. Lúc đi qua một cái hố sâu, một chàng trai trẻ đã chết nhưng mắt vẫn mở nằm ngay giữa đường, tôi không dám bước qua xác anh ta để đi nhưng rồi bắt buộc phải nhắm mắt bước qua vì đó là con đường duy nhất.
Mọi người trong làng thấy tôi đeo ba lô, cầm cây gậy đi từ phía núi về thì chạy ra chào đón, hỏi han. Một trong những trekking guide nhìn tôi và bảo: “Cô là cô gái may mắn nhất vì không có bạn, không có trekking guide, không có porter đi theo bảo vệ nhưng vẫn sống sót”. Một vài người còn chạy lại xin chụp hình với tôi vì họ tin rằng tôi may mắn và chụp hình với tôi sẽ đem niềm may mắn đó đến cho họ.
Mỗi người họ đến từ một vùng miền đất nước khác nhau. Chúng tôi không quen nhưng đã từng sẻ chia những miếng bánh, những ngụm nước và những câu chuyện cười. Và giờ, có những người tôi không bao giờ gặp lại….”.
Khi được hỏi sau trải nghiệm này, Mỹ Linh có còn muốn phiêu lưu như vậy nữa không, cô gái 8x này không ngại ngùng trả lời: “Có. Trước khi đi, tôi đã được cảnh báo về sự nguy hiểm nhưng tôi muốn xem sức chịu đựng của mình, nên tôi đã đi Annapurna Circuit. Vì cuộc sống này vốn dĩ có quá nhiều thứ xấu xa, nên đôi khi để tìm được niềm tin, người ta phải leo lên núi ngắm một bông hoa nở trên đá và nhận ra rằng cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời”. Quả đúng với tinh thần: “Đời người chỉ có một lần, hãy sống sao cho khỏi phải nuối tiếc”.
Mới đây, Nguyễn Thị Mỹ Huệ, cô gái đầu tiên đặt chân tới Sơn Đoòng chia sẻ: “Đi phượt là khám phá bản thân mình, là thử thách chính mình với những điều tưởng chừng không làm nổi. Trên mỗi cung đường, ta sẽ học được cách sinh tồn cũng như chịu trách nhiệm về bản thân và mọi người xung quanh.Tôi nghĩ về ước mơ của mình.
Tôi sinh ra ở Long An, lên Sài Gòn từ năm 16 tuổi. Từ bé tôi đã là con người hay tò mò và mong muốn được khám phá những vùng đất lạ, đẹp, hoang sơ. Tôi đã ước mình lớn thật nhanh để có thể tự mình kiếm tiền, thỏa lòng khám phá những vùng đất tôi mơ. Năm 2008, lần đầu tiên tôi thực hiện chuyến đi bụi ra Hà Nội và quyết định leo Fanxipăng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng từng bước một, tôi đã chinh phục được đỉnh cao này…”.
Và với những đoạn đường khó khăn nhất trong những ngày chinh phục Sơn Đoòng, cô chia sẻ: “Đoạn đường khó khăn nhất với tôi, nơi tôi trải nghiệm cảm giác gần như đối mặt rất gần với tử thần là đoạn đi từ trạm nghỉ thứ hai đến lỗ sụt thứ nhất. Chúng tôi phải đi qua một vách núi nghiêng mà gần như thẳng đứng, vòng qua vách núi rất cao (giống như ngọn núi bên trong động) để qua sườn bên kia, chỉ cần sảy chân là rơi xuống vực thẳm sâu hun hút bên dưới.
Chẳng có gì gọi là con đường, chẳng có gì để bám víu, chúng tôi buộc phải dựa vào sườn núi, bò qua đoạn cong cheo leo ấy để qua sườn bên kia. Trong khoảnh khắc bò từng bước một qua sườn núi ấy, tôi nghĩ: “Mình phải cố gắng trong từng bước chân để còn quay về với gia đình mình”, tôi đã tự nhủ thầm như thế.
Trong quãng đường dài chinh phục Sơn Đoòng, giữa những đoạn đường trắc trở đầy hiểm nguy mà chỉ cần sơ sảy một bước chân sẽ có thể gặp nguy hiểm, bạn sẽ biết mình thương ai nhất trong cuộc đời này. Với tôi, đó là gia đình. Càng về cuối hành trình, tôi càng nghĩ về ba mẹ nhiều hơn, và tôi nghĩ, sau chuyến đi này tôi sẽ sống nhiều hơn cho ba mẹ tôi…”.
Có lẽ không ai nhiều bạn bằng dân đi phượt. Mỗi nẻo đường đi qua, họ gặp gỡ, giúp đỡ và được giúp đỡ biết bao nhiêu người. Bữa cơm ấm cúng trong căn nhà sàn nhỏ, cảm giác hạnh phúc khi chinh phục được một cột mốc, một điểm đến hiểm trở bên cạnh những người bạn đồng hành của mình, cùng nhau chia sẻ cái lạnh thấu xương giữa rừng hoang vắng… chắc chắn sẽ là khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ đối với những con người có đôi chân thích xê dịch.
Và mỗi chuyến đi cũng chính là một lần đến với một nền văn hóa khác. Được trải nghiệm và được sống trong những không gian văn hóa khác nhau, ta sẽ nhận ra rằng mình vô cùng nhỏ bé và hiểu biết của mình chưa bao giờ là đủ.
Một cô gái chia sẻ: “Yêu thích chủ nghĩa xê dịch và muốn được tới nhiều nơi, tôi rất thích cuộc sống hoang dã của nhiều dân phượt, khi họ có thể đến những nơi họ muốn, sống đơn giản, nhẹ nhàng và hít hà từng hơi thở của cuộc đời mà tạm quên đi những lo lắng và ràng buộc trong cuộc sống hiện đại vốn phức tạp. Với tôi, đó chính là định nghĩa cho sự “trải nghiệm”.
Có thể nói, đi để được chạm tới những cảm xúc thật nhất, dữ dội nhất là niềm đam mê bất tận của những người trẻ và bất kể ai đam mê xê dịch và thẳm sâu là tình yêu cuộc sống theo nhiều cách khác nhau…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet