Tôi đến Trân Châu Cảng trong một buổi sáng cuối hè đầu thu, mọi thứ có vẻ thanh bình hơn bao giờ hết khi trời trong, gió mát. Không khí đã không còn đậm mùi thuốc súng và khói lửa, thay vào đó là từng đoàn du khách chậm rãi tản bộ vào thăm khu tưởng niệm.
Vé vào cửa miễn phí, anh bạn người bản địa Jack giải thích, họ không muốn thu tiền dựa trên một nơi từng chứng kiến nhiều bi thương như Pearl Habor. Khu tưởng niệm hoạt động chính bằng kinh phí của bang và quỹ do các nhà tài trợ đóng góp.
Thủy lôi, ngư lôi và tên lửa của hải quân Mỹ được trưng bày dọc theo lối dẫn vào bảo tàng và tàu ngầm Bowfin.
Ngay sau lối vào, tấm bản đồ lớn được vẽ trên nền đất cho du khách cái nhìn rất rõ về vị trí của Hawaii và Trân Châu Cảng. Những hàng dài thủy lôi, ngư lôi, hỏa tiễn của hải quân Mỹ đặt dọc theo lối dẫn tới bảo tàng và chiếc tàu ngầm USS Bowfin oai vệ. Khẩu pháo từng hoạt động trên chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương được mang về đặt trong khuôn viên cùng mô hình trạm chỉ huy trong tàu ngầm mở cửa tự do cho du khách cái nhìn khá sinh động về lực lượng hải quân Mỹ những năm 1940.
Làm cách nào để tưởng tượng bối cảnh của Trân Châu Cảng cách đây những hơn 7 thập kỷ? Cách dễ nhất là xem bộ phim cùng tên ra mắt năm 2001 của đạo diễn Michael Bay với dàn diễn viên nổi tiếng như Ben Affleck, Josh Hartnett, Kate Beckinsale. Cho dù trong phim và bên ngoài sẽ không giống nhau hoàn toàn, nhưng tác phẩm điện ảnh đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng để rồi bồi hồi khi đứng trước đài tưởng niệm Waterfront.
52 tàu ngầm và 3.500 thủy thủ đoàn đã hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ II. Lá quốc kỳ bay phấp phới trong gió, xung quanh là tên của những người đã chiến đấu vì nước Mỹ được khắc trang trọng trên các tấm bia. Tượng đài hình mỏ neo bằng xi măng đặt sát mép nước với tấm bảng có khắc dòng chữ “Remember – Understand – Honor” (tạm dịch là Tưởng nhớ - Thấu hiểu – Vinh danh) để vinh danh những người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, ngày 7/12/1941.
Đài chỉ huy có lối vào để du khách có những hình dung cụ thể về một thời chiến tranh.
Bên kia bờ vịnh, chiến hạm Missouri và một phần của thiết giáp hạm USS Arizona bị chìm nằm tĩnh lặng. Du khách phải đặt chỗ để có thể lên những chuyến tàu từ bờ ra khu tưởng niệm nằm sát con tàu chiến oai phong một thời nay đang yên nghỉ dưới mặt nước. Kế hoạch trục vớt xác thủy thủ, tàu, máy bay đã được đưa ra, trong đó có những tháp pháo của USS Arizona.
Đài tưởng niệm được xây dựng ngang qua phần xác tàu chìm trong nước. Họ khắc tên các thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng trên bức tường đá cẩm thạch. Sau khi từ trần, tro của những người sống sót qua cuộc tấn công sẽ được đặt trong con tàu, bên cạnh những đồng đội đã ngã xuống. Các cựu chiến binh từng phục vụ cùng USS Arizona trong những giai đoạn khác sẽ được rắc tro trên biển chung quanh con tàu.
Những thước phim điện ảnh của Pearl Habor đang chiếu ngược trong tâm trí tôi, đó không phải là một bộ phim tài liệu lịch sử với những con số và phân tích theo tính chất báo cáo, tôi đang nghĩ đến tình người và tình yêu trong những cuộc chiến. Chiến tranh luôn mang đến những mất mát đau thương và đẩy những số phận con người thay đổi gần như hoàn toàn. Thông điệp ấy tôi đang cảm nhận rất rõ khi đứng ngay giữa Pearl Habor. Bao nhiêu âm thanh ầm ào của bom đạn và tiếng rít động cơ máy báy chợt tan biến đi, Jack gọi “Hey Nam, cậu không muốn đứng đó cả giờ đấy chứ, ghé bảo tàng tàu ngầm đi, họ sẽ cho thấy người Mỹ đã đầu tư vào những pháo đài di động dưới lòng đại dương ra sao".
Bộ đồ chuyên dụng của thợ lặn hải quân gợi nhớ nhân vật chính trong bộ phim Men of Honor ra rạp năm 2000.
Bước chân tôi lặng lẽ lang thang trong Submarine Museum, bộ đồ thợ lặn nặng hàng trăm ký giống của diễn viên Cuba Gooding Jr mặc trong phim “Men of honor – Người đàn ông trọn danh dự” (năm 2000), chiếc chuông của tàu ngầm USS Bowfin (SS287), poster, tranh ảnh của những thập niên 20-40, bản vẽ và mô hình mặt cắt bên trong thân tàu, quốc kỳ Mỹ, Nhật…, tất cả đều sống động và chứa đầy hơi thở lịch sử.
Danh sách đặt chỗ đi tàu ra khu tưởng niệm thiết giáp hạm Arizona đã kín lịch đến 6 tháng sau, nghĩa là tôi vẫn nợ Trân Châu Cảng một lần đến thăm nữa, để vẫn bồi hồi và miên man trong những suy nghĩ về bến cảng xinh đẹp chất chứa nhiều kỷ niệm.
Thông tin thêm:
Buổi trình bày tổng quát về cuộc tấn công diễn ra ngày 5/12 tại trung tâm phục vụ du khách Pearl Habor. Du khách sẽ được nghe những đoạn radio phát sóng trong ngày định mệnh 7/12/1941 và cùng các nhà báo, sử gia tham gia tọa đàm.
Nhà hát Honolulu sẽ có “Nothing is the same”, vở kịch về em bé 11 tuổi đã sống sót và thay đổi hoàn toàn cuộc sống sau cuộc tấn công. Bạn có thể đến xem vào ngày 7 và 14/12. Giá 20 USD cho người lớn và 10 USD cho trẻ em.
Rất nhiều hoạt động đi kèm sẽ diễn ra trên đảo Oahu vào đúng ngày 7/12/2013. Tại khu vực chiến hạm USS Arizona bị chìm, Max Cleland, cựu binh từng có mặt trong cuộc chiến Việt Nam sẽ có mặt để phát biểu. Vé vào cửa miễn phí nhưng du khách phải đảm bảo có mặt trước 7h.
Buổi diễu hành từ Fort DeRussy đến Kapiolani Park bắt đầu lúc 17h cùng ngày.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet