Nội dung
Quả hồng rất phổ biến ở Hàn Quốc và là trái cây tượng trưng cho mùa thu của người Hàn.
Bất chợt khi nhìn thấy lá hồng bắt đầu ngả ánh màu đỏ rực, lấp lánh trong cái nắng chiều rực rỡ, ngẩng lên cây đã ngó thấy những quả hồng bắt đầu ngả chín vàng ươm, sáng bừng cả một góc phố, tôi chợt reo thầm: mùa đẹp nhất trong năm đã đến.
Mùa hồng chín khắp xứ kim chi
Những trái hồng đã chín đỏ trên cành. Ảnh: Tataxin.
Hồng là cây trồng phát triển ở phía nam của Hàn Quốc. Hoa màu da cam của nó nở vào tháng năm và tháng sáu, cho trái vào tháng chín hay mười. Trái hồng có 2 loại: màu da cam hoặc màu đỏ. Đài hoa vẫn thường gắn liền với các trái cây sau khi thu hoạch, nhưng sẽ dễ dàng loại bỏ khi nó chín. Cây hồng là cây ăn quả được trồng ở khắp nơi: trước hiên nhà, trên đường phố, trong ngõ nhỏ, nơi công sở, nơi công viên, khu vui chơi, đến những ngôi đền, chùa trên núi hay mọc hoang trong rừng.
Ở Hàn Quốc, quả hồng khô được sử dụng để tăng thêm hương vị truyền thống cho rượu, dùng làm sujeonggwa (một loại nước từ quả hồng với quế, gừng và đường, uống vừa ấm người, ngọt và thơm), giấm hồng còn gọi là gamsikcho rất có lợi cho sức khoẻ. Quả hồng còn được ăn nhẹ như một món tráng miệng hay được sử dụng cho các mục đích nấu ăn khác.
Mùa hồng chín khắp xứ kim chi
Hồng được treo và phơi khô trong nắng. Ảnh: Tataxin.
Nơi sản xuất hồng khô nhiều nhất là ở thành phố Sangju, phía bắc tỉnh Gyeongsang, là nơi có đất trồng cây hồng chất lượng tốt. Đặc biệt ở đây có nhiều loại thực phẩm chế biến từ lá hồng và trái hồng. Chẳng hạn như trà lá hồng, hồng sấy khô, giấm hồng, rượu hồng, mật hoa, nước trái cây, mứt, và Sujeonggwa. Quả hồng khô tự nhiên ở đây có lượng đường cao, ăn mềm và hương vị rất ngọt ngào.
Khi mùa hồng chín, người dân ở thành phố này trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Họ phải làm việc suốt ngày để thu hoạch và sấy khô hồng. Sangju là nơi sản xuất 70% lượng hồng trong nước.
Quá trình sản xuất hoa quả khô không hề đơn giản. Trước tiên, người ta hái những quả hồng chín mọng và lột vỏ. Sau đó treo cuống quả lên sợi dây đến khô, trung bình khoảng 45 ngày để đạt đến độ cần thiết. Quả hồng sau đó tiếp tục được làm khô bằng cách cho tiếp xúc với nhiệt độ trong vòng vài ngày trước khi được chuyển ra thị trường tiêu thụ.
Mùa hồng chín khắp xứ kim chi
Hồng chín đỏ, ngọt lịm. Ảnh: Tataxin.
Cheongdo nổi tiếng với loại hồng bẹt và không hạt, lượng đường cao nên rất thích hợp cho việc sản xuất rượu. Loại rượu Gamgrin được làm từ quả hồng không hạt sau đợt sương giá đầu tiên là loại rượu được du khách và người dân ưa thích. Lễ hội hồng khô được tổ chức tại Yeongdong là nơi mà du khách được học cách làm mứt, lột vỏ hồng, và thậm chí có thể thư giãn bằng việc ngâm chân với lá và vỏ quả hồng Yeongdong.
Mùa hồng chín khắp xứ kim chi Hồng khô thơm dẻo. Ảnh: Tataxin.
Trên khắp đất nước Hàn Quốc, thời điểm lên núi thưởng ngoạn lá cây chuyển mùa cũng là khoảng thời gian thú vị để thưởng thức những trái hồng chín ngọt, chút rượu thơm đượm đà trong tiết trời thu.
Lam Linh​
vnexpress.net​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Một số lưu ý khi đi du lich Mỹ

Những khó khăn, trở ngại trong việc xin visa, khác biệt trong hệ thống luật pháp hay rào cản về văn hóa, lối sống có thể phá hỏng chuyến đi mà bạn đã chuẩn bị. Có một thực tế là "không phải ai...

Xem thêm  

Thung lũng chim tự sát ở Ấn Độ

Biển đón chào du khách ở đầu ngôi làng Jatinga ở huyện Dima Hasao, bang Assam, Ấn Độ. Nằm gọn trong một thung lũng Jatinga, ngôi làng nhỏ là một trong địa danh đẹp ở huyện Dima Hasao với những thác nước...

Xem thêm