Tay chân miệng bắt đầu tăng nhanh
Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, tuần qua đã có 182 ca mắc tay chân miệng, tăng 23 ca so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 1.554 ca, tăng 34% so với cùng kỳ 2013. Đáng chú ý, có đến 21/24 quận huyện có số ca bệnh cao hơn cùng kỳ, với tỷ lệ tăng cao nhất là huyện Củ Chi tăng 189%, kế đến là huyện Cần Giờ 136%.
Theo dõi trong 4 tuần gần đây, dịch đang tăng khá nhanh, tất cả đều cao hơn năm 2013. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận định, bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần sắp tới vì đã sắp đến đỉnh dịch đầu tiên trong năm, thường xảy ra vào mùa nóng cuối tháng 3 đến tháng 4.
Để đối phó với tình hình bệnh đang tăng nhanh, ngành dự phòng cho biết cần phải có biện pháp phòng, chống chủ động. Đặc biệt, tập trung việc giám sát công tác phòng chống tay chân miệng khu vực trường mầm non và những khu nhà trọ, nhất là những quận huyện có số ca mắc cao như: Bình Tân, Bình Chánh, Q.8, Hóc Môn và Q.12.
Số ca mắc sởi chưa có dấu hiệu giảm. Trong tuần ghi nhận 104 ca, tăng 39 ca so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay đã có 419 ca, tăng 4.556% so với cùng kỳ.
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.
Nhiều trẻ viêm phổi nặng do lỗi chủ quan
Một diễn biến bất thường khác, nhiều trẻ mắc các bệnh hô hấp tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam nhập viện ngày càng nhiều.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM), mỗi ngày có khoảng 2.500 trẻ tới khám chữa bệnh. Trong đó, số trẻ mắc các triệu chứng như: sốt, ho, nhảy mũi, tiêu chảy… khá đông.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 7.105 bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp phải điều trị nội trú. Hiện tại, Khoa Hô hấp đã có gần 200 trẻ đang điều trị viêm phổi. Trong đó, có 22 trẻ bệnh nặng phải nằm Phòng Hồi sức cấp cứu.
Theo các bác sĩ Khoa Hô hấp, thời tiết lạnh, trẻ em dễ bị cảm, đa số mắc viêm hô hấp do siêu virus nhưng diễn tiến bệnh thường lành tính. Nếu chăm sóc tốt sẽ hết sau 5 - 7 ngày mà không cần phải nhập viện hay dùng kháng sinh. Nhưng mùa nắng nóng mà mắc bệnh hô hấp thì nguy hiểm hơn, vì đa số viêm phổi vào mùa này là do vi trùng, khiến bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn.
Một nguyên nhân nữa khiến bệnh hô hấp chuyển nặng, theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, là do phụ huynh đã chủ quan không tuân thủ đúng các toa thuốc đã kê và không tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Bởi khi bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, nếu dùng thuốc 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, có dấu hiệu nặng hơn, thì phải mang đến bác sĩ để đổi thuốc, cho chụp X-quang, có thể chuyển lên tuyến trên để tránh những biến chứng viêm phổi nặng ở trẻ.
Các chuyên gia lưu ý, khi thấy trẻ bị ho, cảm, sổ mũi… phụ huynh cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa ngay để có hướng điều trị đúng. Không nên chủ quan hoặc tự ý sử dụng thuốc. Đồng thời, giữ vệ sinh thật tốt để phòng ngừa các dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet