Mặc cho các ông lớn Mỹ đang tìm cách phát triển, khiến nền công nghiệp xe hơi xứ cờ hoa bùng nổ trở lại, toyota vẫn tự tin với số tiền kiếm được trong năm cao hơn cả "Big 3" của Detroit cộng lại, Detroitnews dẫn.
Cụ thể, năm 2014 GM kiếm được 6,5 tỷ USD, ford 6,3 tỷ USD và fiat chrysler 3,9 tỷ USD, cộng lại cũng chưa bằng con số 24,5 tỷ USD của Toyota, sau khi quy đổi từ khoản 2,92 nghìn tỷ Yên, tính đến hết năm tài chính, tức hết tháng 3 năm 2015.
Lợi nhuận trước thuê trên mỗi xe bán ra của các hãng. Ảnh: Detroitnews. |
Đó mới chỉ là một khía cạnh, chưa kể tới mức lợi nhuận trước thuế tính trên mỗi sản phẩm bán ra, của Toyota cao gấp 4 lần GM. Dù rằng năm nay, các hãng lớn ở Detroit có sức khỏe kinh doanh tốt nhất trong nhiều thập kỷ qua, tạo lợi nhuận và số lượng việc làm nhiều nhất trong lịch sử.
So sánh tương quan, Toyota dự tính kiếm khoảng 2.726 USD mỗi xe. Trong khi Ford là 994 USD, Fiat 850 USD và GM 654 USD, đều nằm dưới mức 1.000 USD.
Theo các chuyên gia phân tích trong ngành, tiền tệ, tỷ lệ lao động và chi phí di sản là những yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách lớn giữa các hãng Detroit và Toyota.
"Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận", chuyên gia phân tích Michael Robinet tại IHS Automotive cho biết. "Đó là các yếu tố về đầu tư, chi phí và doanh thu, tất nhiên tiền tệ cũng ảnh hưởng".
Đồng tiền các nước yếu đi so với USD là điểm nóng cho nền công nghiệp xe hơi Mỹ, trong đó trước tiên là sự yếu đi của đồng Yên Nhật. Giá xe Nhật xuất khẩu rẻ đi tương đối, khiến các hãng xe Nhật tăng lợi thế so với xe Mỹ ngay trên thị trường sân nhà của các ông lớn Detroit.
Hãng đầu tư Morgan Stanley cho biết, sự suy yếu của đồng Yên khiến ba hãng lớn của Nhật là Toyota, Nissan và Honda bỏ túi khoảng 2.000 USD mỗi xe xuất khẩu sang Mỹ.
Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng Nhật Bản cố tình đánh thấp giá trị đồng Yên, thao túng tiền tệ nhằm mở đường phát triển cho ngành sản xuất ôtô nước này. Nhưng về phía Nhật đã phủ nhận can thiệp đến tiền tệ làm giảm giá.
Các nhà phân tích tài chính cho biết, phần lớn sự gia tăng thu nhập của Toyota có được do lợi ích từ đồng Yên suy yếu, nhờ đó tăng lợi thế cạnh tranh của hãng cũng như các thương hiệu Nhật khác so với xe Mỹ.
Bởi đồng Yên giảm giá, doanh thu quý 3 của Honda tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013. Morningstar, một hãng nghiên cứu thị trường ở Chicago cho biết, năm 2014 Toyota xuất khẩu khoảng 45,3% trong số 3,5 triệu xe sản xuất tại quê nhà. Người đồng hương Honda chỉ xuất khẩu khoảng 3%.
Chi phí lao động
Chi phí lao động mà các hãng xe Detroit phải trả có xu hướng gia tăng bởi sự xuất hiện của nhà máy các hãng nước ngoài tại Mỹ, nếu không tăng lương thì cơ hội tuyển được lao động tốt sẽ giảm đi.
Trong những năm gần đây, hợp đồng giữa các hãng xe Mỹ và Công đoàn công nhân ngành ôtô Mỹ (United Auto Workers) bao gồm hệ thống tiền lương hai cấp và thanh toán lợi nhuận gia tăng thay vì mức lương cố định.
Theo chuyên gia của Morningstar, GM phải sản xuất vượt mức giới hạn để trang trải cho chi phí lao động cao. Năm 2014, chi phí lao động của GM cao hơn những người đồng nghiệp từ Nhật như Toyota và Honda.
Cơ cấu tiền lương hai tầng được giới thiệu năm 2007 đã cứu vãn ngành công nghiệp ôtô Mỹ và cho phép các hãng xe Detroit đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy và tuyển thêm hàng ngàn nhân viên. Những công nhân mới vào có mức lương thấp hơn nhiều so với công nhân đầu bảng, vốn kiểm khoảng 27 USD mỗi giờ. Theo hợp đồng hiện tại,công nhân mới có mức lương thấp nhất là 19,28 USD mỗi giờ, tăng cao hơn so với con số 15,5 USD của 2011.
Tính đến tháng 12/2014, khoảng 17,5% lao động theo giờ của GM là người mới, con số này tại Ford là 23% và Chrysler là 44%, mức tỷ lệ này tăng cao để chống lại chi phí lao động lớn.
Chi phí phúc lợi (Legacy costs)
Chi phí phúc lợi (Legacy costs) là loại chi phí mà các hãng xe Mỹ ký cam kết phải chi trả cho người lao động, chủ yếu là các khoản lương hưu và chăm sóc sức khỏe.
Các hãng xe Detroit tiếp tục bỏ ra hàng tỷ USD cho chi phí này như lương hưu và gói lợi ích cho người về hưu và người lao động hiện hành. Trong năm 2014, Big 3 của Detroit đã trả hơn 3 tỷ USD cho chi phí lương hưu và chăm sóc y tế. Do đó, chi phí cho sản xuất mỗi xe tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh so với xe Nhật.
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet