Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ Full-HD hay 1920 x 1080. Đây là độ phân giải đã có mặt trên nhiều TV, màn hình máy tính, laptop và mới đây là smartphone và tablet. Nếu bạn lấy 1920 pixel chiều dài nhân với 1080 pixel chiều rộng, chúng ta sẽ có được khoảng 2 triệu điểm ảnh (2 megapixel). Tuy nhiên, có một độ phân giải mới hơn nữa, một độ phân giải có thể mở ra một kỉ nguyên kế tiếp của nội dung và hình ảnh độ nét cao, đó là 4K (hay còn gọi là Ultra-HD). Với số điểm ảnh lên đến 8 triệu, tức gấp bốn lần Full-HD, 4K hứa hẹn mang lại những trải nghiệm cao cấp hơn, sắc nét hơn. Trong bài viết bên dưới, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin liên quan đến chuẩn hình ảnh này.
Sự khác biệt giữa Ultra HD, Quad Full HD, 2160p và DCI là gì?
Tất cả đều được dùng để chỉ độ phân giải 4K, tuy nhiên chúng xuất hiện bởi vì các hãng, các công ty, nhà sản xuất nội dung có cách gọi khác nhau và định nghĩa về số pixel khác nhau một tí.
Trong số đó, Ultra HD, Quad Full-HD có nghĩa như nhau. Ultra High Definition (hoặc Ultra-HD) sẽ là cái tên mà bạn sẽ thấy rất nhiều trong thời gian tới bởi nó đã được Ủy ban Truyền thông Quốc tế (ITU) và Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng Hoa kì (CEA) chấp nhận làm tên thương mại cho 4K. Tuy nhiên, chữ 4K sẽ vẫn còn đó và thường thì nó sẽ được đi kèm với chữ Ultra-HD luôn. Ví dụ, Sony tuyên bố họ sẽ gọi các sản phẩm 4K của mình bằng cụm từ “4K Ultra High Definition” bởi hãng cho rằng nó sẽ diễn tả hết được đặc trưng của thiết bị. Nhiều công ty nghe nhìn cũng gắn mác 4K cho nhiều máy quay phim, máy ảnh, TV, máy chiếu bên cạnh chữ Ultra-HD. Đây cũng sẽ là độ phân giải tiêu chuẩn dùng trong những sản phẩm tiêu dùng. Những thứ khác chủ yếu xuất hiện trong các thiết bị điện ảnh và lĩnh vực chuyên nghiệp.
Để được dán nhãn Ultra HD, các sản phẩm phải có ít nhất một đầu vào tín hiệu hỗ trợ truyền video gốc ở độ phân giải 3840 x 2160 (8,3 megapixel), còn video độ phân giải thấp mà nâng lên 4K thì sẽ không được gọi là Ultra HD. Với các màn hình hoặc máy chiếu, thiết bị phải có từ 8 triệu pixel hiệu dụng trở lên với chiều ngang ít nhất là 3840 pixel, chiều dọc tối thiểu phải là 2160 pixel. CEA cho rằng nhờ có thuật ngữ cũng như các tiêu chuẩn mới mà người tiêu dùng sẽ dễ dàng xác định được sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu của mình trong quá trình chọn mua máy.
Bảng tóm tắt một số độ phân giải 4K đang được dùng trên thị trường
Lợi ích của độ phân giải 4K?
Ừ thì 4K có độ phân giải cao đấy, khủng đấy, nhưng mà lợi ích của nó là gì? Trước hết, hình ảnh sẽ sắc nét và rõ ràng hơn, các pixel trên màn hình sẽ nhỏ lại và chúng ta sẽ được hiệu ứng tương tự như trên các điện thoại Full-HD hoặc “Retina” hiện nay. Chữ và chi tiết ảnh sẽ được hiển thị tốt hơn, trải nghiệm xem thích thú hơn. Điều này quan trọng bởi vì hiện nay các TV càng ngày càng lớn hơn, chúng ta thậm chí đã có những chiếc TV gia đình với đường chéo màn hình lên đến 84″ hay 85″.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng khả năng nhận biết các điểm ảnh của mắt người còn phụ thuộc nhiều vào khoảng cách đến màn hình. Mời các bạn xem qua sơ đồ bên dưới, trục tung là khoảng cách xem, trục hoành là kích cỡ màn hình. Các bạn có thể thấy rằng 4K chỉ thật sự có lợi ở vùng màu xanh lá cây, tức là chúng ta sẽ cần những chiếc TV lớn 50″-140″ và khoảng cách xem từ 1,5m đến xấp xỉ 5m. Mảng màu xanh càng lớn thì lơi ích càng nhiều. Chỉ khi nào đạt được yêu cầu này thì trải nghiệm 4K của chúng ta mới thật sự tốt, còn nếu không (rơi vào các vùng màu còn lại trong biểu đồ) thì bạn sẽ chỉ thưởng thức được chất lượng của các màn hình 720p hay 1080p. Lúc đó việc trang bị một màn hình 4K trở nên rất phí phạm.
Ngoài ra, nội dung 3D cũng được hưởng lợi rất nhiều khi sử dụng độ phân giải 4K. Hiện tại, những TV 3D hay máy chiếu sử dụng kính phân cực thụ động sẽ cắt hình ảnh Full-HD ra làm hai tương ứng với hai mắt của chúng ta để có thể tạo hiệu ứng nổi. Chính vì thế, chúng ta chỉ nhận được hình ảnh với độ phân giải 960 x 540 (một nửa mỗi chiều của 1920 x 1080) mà thôi, và tất nhiên là ảnh sẽ không thể đẹp như lúc xem 2D rồi. Còn khi áp dụng 4K, hình ảnh 3D xem qua kính thụ động sẽ được chia thành hai ảnh Full-HD 1080p cho mỗi mắt (tức một nửa 4K), tuyệt vời hơn là điều đương nhiên rồi.
Đối với các nhà sản xuất thiết bị, những màn hình 4K thì sẽ dễ sản xuất hơn là áp dụng một công nghệ mới hoàn toàn như OLED, trong khi họ vẫn có thể tiếp thị được nó ra thị trường như một chuẩn nội dung mới hơn, xịn hơn. Như các bạn đã thấy, con số 4K cao hơn những con số khác, và do đó nó dễ dàng được người tiêu dùng cho là “tốt hơn”. Chắc chắn rằng khi hỏi độ phân giải 3840 x 2160 với 1920 x 1080 cái nào tốt hơn, nhiều người sẽ trả lời ngay rằng 4K tốt vì nó có nhiều điểm ảnh hơn. Nhân viên bán hàng chắc chắn cũng sẽ tận dụng điểm này để giới thiệu sản phẩm đến bạn. Tuy nhiên, lại một lần nữa, 4K tốt hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vấn đề khoảng cách mà chúng ta đã thảo luận ở trên. Hiện nay cũng có những người tiêu dùng phổ thông nói rằng “Tôi chẳng biết Full-HD là gì, nhưng mà tôi muốn có nó”. Điều tương tự nhiều khả năng cũng sẽ diễn ra với 4K Ultra HD.
TV 4K to tới cỡ nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, những chiếc Ultra HD TV trên thị trường toàn là những mẫu lớn, chẳng hạn như chiếc Sony 84X9000 84″, LG 84LM960V 84″, Toshiba 84L9300 cũng 84″. Sharp có ICC Purios và Aquos Ultra HD, Samsung thì có TV Ultra HD S9 85″ với thiết kế Timeless Gallery độc đáo. Ngoài ra, 4K cũng có mặt trên nhiều TV khác với kích cỡ nhỏ hơn, ví dụ như Sony XBR-55X900A (55″) và XBR-65X900A (65″), Toshiba 4K 65″ và 58″, Sharp và Sony cũng có những mẫu OLED 4K nhưng chưa rõ bao giờ thì chúng có mặt trên thị trường. Dự đoán rằng trong năm nay và năm sau, càng ngày sẽ có càng nhiều màn hình kích thước vừa (tầm 40″ đến 65″) với tấm nền Ultra HD được công bố. Xuống nhỏ hơn một chút thì ta có màn hình chuyên nghiệp 4K 32″ của Sharp sản xuất bằng tấm nền IGZO.
TV 4K 84″ của LG, đã bán ở Việt Nam với giá 300 triệu và bạn đã có thể mua nếu muốn
Mẫu TV 4K Sony XBR-65X900A với màn hình 65″ và thiết kế độc đáo
TV 4K OLED 56″ của Panasonic
Giá của những mẫu TV kể trên hiện nay vẫn còn khá cao, thường từ 3000$ cho đến vài chục nghìn đô, vẫn còn nằm ngoài tầm với của nhiều người trong số chúng ta. Tuy nhiên, thứ gì mới ra thì cũng mắc cả, tương tự như tình trạng của TV Full-HD khi mới ra mắt. Một khi 4K đã trở nên phổ biến hơn, giá chắc chắn sẽ xuống rất nhanh và lúc đó mọi người sẽ xem 4K là chuyện bình thường.
Xem thêm:
[CES 2013] TV 4K và các giải pháp 4K của Sony
[CES 2013] TV OLED 56″ độ phân giải 4K từ Sony
[CES 2013] Màn hình máy tính 32″ 4K giá 5.400 USD của Sharp
[CES 2013] TV OLED 56″ 4K từ Panasonic
[CES2013] TV 85″ và 110″ UltraHD thiết kế Timeless của Samsung
[CES 2013] Sony giới thiệu TV OLED 4K đầu tiên trên thế giới
Trên tay TV 84″ Ultra HD (4k) của LG: to, làm tại VN, giá 300 triệu
Cảm nhận nhanh TV 4K 84″ giá 819 triệu của Sony
Toshiba ra mắt hệ thống giải trí gia đình cho năm 2013, nhiều Smart TV và đầu đĩa Blu-ray mới
Các TV 4K kích thước 58″, 65″ và 84″ của Toshiba tại CES 2013
Sharp ra mắt TV ICC Purios độ phân giải UltraHD, hứa hẹn chất lượng ảnh trung thực với giá 31.400$
Thế có máy chiếu Ultra HD không?
Câu trả lời là có. Thực chất sản phẩm 4K đầu tiên dành cho thị trường tiêu dùng đó chính là mẫu projector Sony VPL-VW1000ES được ra mắt hồi năm 2012. Những công nghệ dùng trong chiếc máy chiếu này ban đầu vốn được thiết kế để dùng trong những máy chiếu kĩ thuật số của Sony dùng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, VPL-VW1000ES dùng chuẩn 4K DCI nên độ phân giải của nó là 4096 x 2160, khác một chút so với 4K Ultra-HD mà chúng ta hay thấy trên các TV.Ngoài Sony ra, chúng ta còn có một loạt máy chiếu của JVC cũng được cho là có thể hiển thị hình ảnh ở độ phân giải 4K. Các model đó bao gồm DLA-X95R, DLA-X75R và DLA-X55R. Tuy nhiên, những thiết bị này thực chất chỉ trình chiếu hình ảnh ở độ phân giải Full-HD 1080p, sau đó sử dụng công nghệ làm lệch pixel để tăng độ phân giải cho hình ảnh. Trong khi đó, mẫu máy của Sony tự bản thân nó có thể trình chiếu hình ảnh với độ phân giải gốc lên đến 8,8 triệu điểm ảnh. Như vậy, 4K của Sony mới là Ultra-HD đúng nghĩa, còn của JVC chỉ là Full-HD được nâng (upscale) lên 4K mà thôi. Tất nhiên, theo lý thuyết, “hàng gốc” thì lúc nào cũng ngon hơn hàng “phóng lớn” rồi.
Một số thiết bị ghi hình hỗ trợ độ phân giải 4K:
Phantom Flex4K: máy quay phim chuyên nghiệp giá 110.000$, ghi hình 4K@1000fps
BlackMagic ra mắt máy quay điện ảnh Production Camera 4K và m4/3 Pocket Cinema Camera
Sony trưng bày một số nguyên mẫu camera và ống kính dùng cho việc ghi hình 4K
Dịch vụ phim 4K của Sony sẽ tương thích PlayStation 4 nhưng “còn nhiều thử thách phải giải quyết”
Point Grey giới thiệu camera 4K nhỏ nhất thế giới
RED ONE
RED EPIC
RED Scarlet-X
Canon EOS C500
Canon EOS-1D CDSLR
GoProHERO3 Black
Sony FS700
Sony CineAlta F5
Sony CineAlta F55
Sony CineAlta F65
Ultra HD có phát lên các kênh truyền hình không?
Về mặt kĩ thuật thì có đấy các bạn, nhưng phải là trong tương lai. Hãng Eutelsat Communications đã ra mắt kênh truyền hình đầu tiên hỗ trợ độ phân giải Ultra HD vào tháng 1/2013 dựa trên vệ tinh EUTELSAT 10A. Kênh này chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm mà thôi. Ngoài ra, BBC ở Anh cũng bắt đầu ghi hình một số bộ phim tài liệu với các thiết bị 4K trong năm nay. Đơn vị phụ trách mảng Tự nhiên và Lịch sử của BBC cũng đã được giao nhiệm vụ phát thử series phim tài liệu Survival ở định dạng Ultra HD. Ở phía bên kia địa cầu, Hàn Quốc cũng đang có những động thái dẫn đầu trong việc phát hình ảnh Ultra HD. Đài KBS đã sử dụng kiến trúc DVB-T2 để gửi tín hiệu hình ảnh Ultra HD được nén bằng codec H.265, hay còn gọi là High Efficiency Video Coding – HEVC (“codec video hiệu suất cao”). Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc chơi và họ dự kiện sẽ phát sóng Ultra HD ở khu vực Baltimore trong năm nay với cùng công nghệ dùng ở Hàn Quốc. Trận chung kết World Cup 2014 sắp diễn ra ở Brazil cũng sẽ được truyền ở độ phân giải Ultra HD đến cho người xem ở Nhật Bản.
Làm thế nào để đưa nội dung Ultra HD ra TV hoặc máy chiếu Ultra HD?
Hiện tại chúng ta vẫn chưa có nhiều thông tin về các đĩa quang có khả năng chứa được phim Ultra-HD, do đó người dùng sẽ phải sử dụng các hệ thống máy phát nội dung để có thể thưởng thức những thước phim Ultra HD của mình. Về cơ bản thì các máy này giống như những chiếc hộp phát nội dung phổ biến hiện nay, chỉ có điều chúng mạnh mẽ hơn nhiều để có thể hỗ trợ việc xuất hình ảnh gốc ở độ phân giải cao gấp 4 lần so với Ultra HD.
Một trong số các máy phát nội dung được nhiều người chú ý đó là Redray 4K Cinema Player của hãng RED với giá 1450$. Thiết bị này có thể xuất hình ảnh 4K Ultra-HD ở tốc độ 120fps thông qua cổng HDMI 1.4. Nguồn nội dung có thể lấy từ ổ đĩa cứng gắn trong hoặc ổ đĩa rời, thẻ nhớ. Máy có hai cổng Ethernet Gigabit, cổng USB và E-SATA. Đầu phát này còn tương thích với định dạng phim 3D 4K tốc độ cao 48-60fps (so với 30fps của chuẩn 3D cũ) vốn được dùng trong phim The Hobbist. Giờ đây, RED đã cho phép đặt hàng sản phẩm này với giá 1450$ và nó sẽ sớm được giao đến tay người dùng.
RED cho biết thêm rằng sản phẩm của họ đảm đương được độ phân giải 4096 × 2160 (tỉ lệ 16:10) hoặc 3840 x 2160 (tỉ lệ 16:9). Đối với những nội dung hình ảnh cũ, REDray 4K Cinema Player có thể nâng nó lên thành 4K với tính năng upscale. Máy cũng được tích hợp công nghệ bảo vệ bản quyền REDPASS DRM và có một giấy phép RRENCODE để giúp người dùng chuyển đổi phim HD hoặc 4K của mình sang định dạng .RED tương thích với thiết bị nhờ phần mềm REDCINE-X PRO. REDray 4K Cinema Player vẫn có khả năng chơi được các phim HD 1080p, 720p ở định dạng .MP4.
Ngoài RED, Sony mới đây cũng đã tung ra thị trường đầu phát 4K Ultra HD FMP-X1. Chiếc máy này có dạng tròn, tương tự như nguyên mẫu mà Sony đã từng mang đến triển lãm CES 2013. Nó sẽ được bán ra trong mùa hè năm nay. Khi giao tới tay khách, FMP-X1 đã có sẵn 10 bộ phim độ phân giải 4K Ultra-HD. Đến mùa thu năm nay, người dùng FMP-X1 sẽ được phép truy cập vào một dịch vụ phân phối video có tính phí để tải và xem các tựa phim 4K từ Sony Pictures Entertainment cũng như “các nhà sản xuất nổi tiếng” khác. Sony nói khách hàng đang sử dụng chiếc TV 4K 84″ của hãng thì có thể đổi đầu phát nội dung hiện tại lấy FMP-X1. Giá của chiếc Sony FMP-X1 là 699$, “dễ thở” hơn so với đầu phát của RED.
Bên cạnh đó, đĩa Blu-ray cũng có thể chứa được phim 4K. Nhờ vào chuẩn HEVC đã nói ở trên mà người ta có thể nén video cho nhỏ lại để bỏ vừa vào đĩa Blu-ray. Tuy nhiên, có khả năng các nhà sản xuất sẽ phải thêm vào một số lớp lưu trữ để có thể chứa đủ một bộ phim dài. Có hai đầu chơi Blu-ray là Sony S5100 và Samsung BD-F7500 được gọi là “4K ready”, nhưng chúng cũng chỉ upscale độ phân giải từ Full-HD lên Ultra-HD mà thôi.
Việc thiếu nội dung 4K không phải là vấn đề nghiêm trọng
Khi nhắc đến Ultra HD, nhiều người cho rằng nội dung quá nghèo nàn hiện nay sẽ là rào cản để nó tiến bước vào thị trường phổ thông. Tuy nhiên, trang tin CNET có viết bài nói về việc này và họ chỉ ra rằng việc thiếu hút nội dung 4K không phải là vấn đề to tát. Trước khi các phim Full-HD trở nên phổ biến, chẳng phải người ta cũng đã upscale các phim 480p hay 720p lên 1080p hay sao. Như đã nói ở trên, đầu thu của RED hỗ trợ upscale phim cũ lên 4K, ba máy chiếu của JVC và máy chiếu Sony cũng có khả năng tương tự. Như vậy, về lý thuyết, chúng ta đã có sẵn nội dung 4K rồi, tất nhiên là nó không được đẹp như 4K nguyên gốc mà thôi.
Về phần các nguồn phim, hiện nay Hollywood đã và đang bắt đầu quay nhiều bộ phim bằng các máy quay 4K. Ví dụ, phim The Hobbit: An Unexpected Journey của Peter Jackson được ghi hình bằng các camera hỗ trợ độ phân giải lên đến 5K. Nhiều chương trình cũng được quay bằng chiếc camera Sony F65, vốn hỗ trợ độ phân giải 4K. Sony cũng có tải sẵn 10 phim độ phân giải 4K Ultra HD cho đầu phát FMP-X1, bao gồm: Bad Teacher, Battle: Los Angeles, The Bridge on the River Kwai, Salt, The Karate Kid (2010), Taxi Driver, That’s My Boy, The Amazing Spider-Man, The Other Guys, và Total Recall (2012).
Ngoài ra, việc sở độ phân giải 4K không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ dùng hết tất cả các pixel của nó chỉ để trình chiếu một thứ duy nhất. Bạn có thể dùng TV 4K để hiển thị hai kênh truyền hình cùng lúc trên một màn hình duy nhất, hoặc chia đôi màn hình ra và chơi game hai người. Hiện nay một số hãng đã sử dụng kính phân cực đeo lên mắt để tách hai hình ảnh ra, và nếu áp dụng cho 4K thì mỗi ảnh sẽ có độ phân giải là 3840 x 1080, dư sức đáp ứng nhu cầu độ nét cao khi bạn cần xem video.
Còn đó những vấn đề khác ngoài độ phân giải
Như các bạn đã biết, hình ảnh có đẹp hay không thì không thể chỉ đánh giá bằng độ phân giải. Một màn hình hay máy chiếu độ phân giải cao không mang lại hình ảnh xuất sắc. Thay vào đó, chúng ta còn phải đánh giá về độ tương phản, màu sắc, độ đen, hiện tượng lỗi hay biến dạng khi nén phim… Hãy thử tượng tượng bạn đang xem một phim 4K Ultra HD trên một chiếc màn hình với màu sác nhợt nhạt thì có vui không? Chất lượng tổng quan của hình ảnh mới là vấn đề đáng được quan tâm và nếu các thiết bị hay nội dung 4K không đáp ứng tốt khoản này, số pixel khổng lồ trở nên vô nghĩa.
Một vấn đề khác với hình ảnh 4K đó là độ phân giải đối với các hình ảnh chuyển động (motion resolution). Tất cả các màn hình LCD đều bị tình trạng giảm ít nhiều độ phân giải khi chiếu tới các hình ảnh chuyển động nhanh, và trong một số trường hợp có thể mất đến 40%. Hiện nay hầu hết tất cả các màn hình Ultra HD đều là LCD và nó vẫn mắc phải tình trạng này. Dù không quá nghiêm trọng nhưng nó cũng gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xem video của chúng ta. Những màn hình mới cũng có tốc độ quét rất nhanh, lên đến 800Hz, thậm chí là 900Hz, tuy nhiên nếu không có được một bộ tách chuyển động tốt, tần số quét cao chỉ có thể làm giảm một ít motion blur mà thôi.
Mình có nghe nói tới Super Hi-Vision, nó là cái gì nữa?
Super Hi-Vision là chuẩn video “8K” đang được phát triển bởi nhà đài NHK của Nhật Bản và đã được Ủy ban Truyền thông Quốc tế chấp thuận. Super Hi-Vison có độ phân giải là 8192 × 4320 (khoảng 35.3 megapixel) hoặc 7680 x 4320 (khoảng 32 megapixel). Bạn cứ tưởng tượng rằng ở chiều dài và chiều rộng, mỗi chiều của 8K gấp bốn lần so với điểm ảnh của một khung ảnh Full-HD. Nó hỗ trợ hiển thì video với tốc độ 120 khung hình mỗi giây và hệ thống âm thanh 22.2. Năm ngoái, Super Hi-Vision đã được đài BBC của Anh dùng để ghi hình thử nghiệm một số trận đấu trong khuôn khổ Olympics 2012 London. Có lẽ chuẩn Super HI-Vision cũng còn rất lâu nữa mới được thương mại hóa và đưa ra thị trường, chưa kể nó sẽ phải mất thêm khoảng một hai năm nữa để trở nên phổ biến. Trong thời gian đó chắc 4K sẽ được dùng nhiều như Full-HD hiện nay.
Độ phân giải của video vs Megapixel
Trước khi bạn rời bài viết này, mình xin nói thêm một chút về độ phân giải dùng trong video và những con số megapixel mà các bạn hay nghe. Nếu đổi độ phân giải video ra megapixel, một hình ảnh 1080p (1920 x 1080) chỉ bằng 2,1 megapixel. Bạn có thể tính bằng cách lấy số pixel theo chiều dài là 1920 nhân với số pixel chiều rộng là 1080. Tương tự, hình ảnh 4K (3840 x 2160 hoặc 4096 x 2160) xấp xỉ 8,5 megapixel. Chỉ khi nào sử dụng chuẩn 8K (7680 x 4320) thì bạn mới có số pixel “khủng” 33,2 megapixel. Nói cách khác, nếu dùng một chiếc smartphone cao cấp thì bạn đã có thể chụp ra bức ảnh gần với 4K, còn nếu xài máy ảnh compact thì vượt xa luôn. Tuy nhiên, video khác với ảnh tĩnh, để xử lí nó cần rất nhiều tài nguyên hệ thống (CPU, GPU, RAM, pipeline…) vì bạn phải ghép vài chục khung hình mỗi giây để tạo ra sự chuyển động. Do đó, độ phân giải video hiện nay vẫn thấp hơn một bật so với ảnh tĩnh.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet