Nội dung
Thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành ngày càng tăng, trong đó nhiều loại khi bị đề nghị thu hồi đã được bệnh nhân dùng hết. Các đơn vị, cá nhân liên quan vô can trong khi bệnh nhân lãnh đủ, ngay cả việc bồi thường cũng chưa ai tính đến.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm mặt hàng tân dược kém chất lượng phải thu hồi và tiêu hủy. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu; từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, corticoid, giảm béo, đau dạ dày, tim mạch, đái tháo đường, tuần hoàn não đến các loại vitamin, đông dược…

Thu hồi trên… giấy

Dù số thuốc kém chất lượng bị phát hiện phải thu hồi hoặc đình chỉ lưu hành do không đạt các tiêu chuẩn tăng một cách đáng lo ngại nhưng việc thu hồi thế nào, số lượng được bao nhiêu... vẫn không thấy cơ quan chức năng công bố. Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm và phát hiện thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hoặc sở y tế các địa phương phải gửi công văn tới doanh nghiệp, bệnh viện và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều loại thuốc trước khi có lệnh thu hồi đã được tung ra thị trường, đến các cơ sở khám - chữa bệnh, được bác sĩ kê đơn và bệnh nhân đã sử dụng sạch.

Thuốc dỏm uống rồi đành chịu

Bệnh nhân hầu như không có thông tin gì về chất lượng các loại thuốc mà họ mua dùng

Trong khi đó, việc ra quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng đến thời gian hoàn tất thu hồi có khi kéo dài cả tháng trời. Ngoài ra, việc nhà sản xuất, phân phối hoặc các cửa hàng thuốc có thu hồi toàn bộ thuốc kém chất lượng hay không thì rất khó kiểm soát. Vì lẽ đó mà nhiều loại thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi trên… văn bản.

Chị Nguyễn Thanh Hoa, nhân viên một nhà thuốc GPP (đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt quản lý nhà thuốc”) ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho biết thông thường, các thông tin về thu hồi thuốc được nhận từ Sở Y tế. Mỗi tháng, nhân viên cửa hàng thường đến lấy văn bản này một lần. Chính vì thế, cũng có lúc văn bản về tới nơi thì thuốc đã được bán hết hoặc gần hết.

“Trong tình cảnh này thì thông tin thuốc phải thu hồi chỉ có giá trị tham khảo. Bởi lẽ, khi thuốc đã bán cho bệnh nhân thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi!”- chị Hoa giải thích. Lý giải cho việc rất nhiều loại thuốc vừa mới được ra “lò” đã tiêu thụ với số lượng lớn, chị Hoa cho rằng một phần do chiến dịch quảng cáo và trình dược viên liên kết “làm” đơn thuốc với bác sĩ để kê toa cho bệnh nhân.

Theo bà Bùi Hải Yến, chủ một hiệu thuốc ở quận Hoàng Mai - Hà Nội, nếu không nhận được văn bản thu hồi thuốc kém chất lượng hoặc nhân viên của hãng không đến thu lại thuốc thì chắc chắn cửa hàng không thể biết. “Đơn cử, với một loại men tiêu hóa bị thu hồi năm 2011, nhà thuốc tình cờ biết được sản phẩm này bị ngừng lưu hành là do khách hàng đọc báo rồi nói lại. Tuy nhiên, đợi mãi nhưng chúng tôi cũng chẳng thấy ai đến thu hồi. Cũng may là nhà thuốc chỉ còn 2 - 3 vỉ nên đành bỏ đi, chứ nếu có nhiều thì không biết xử lý thế nào” - bà Yến băn khoăn.

Không dễ kiểm soát

Một dược sĩ trưởng khoa dược ở một bệnh viện tại Hà Nội cho biết tháng nào ông cũng nhận được thông tin thuốc kém chất lượng, đề nghị phải thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi những loại thuốc này hoàn toàn trên tinh thần tự giác chứ không có ai giám sát rằng bệnh viện đã sử dụng bao nhiêu, nay còn thế nào.

“Chẳng hạn, các thuốc chứa hoạt chất Buflomedil, do gây ra những phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh, có thể dẫn đến tử vong mà Cục Quản lý dược vừa có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng. Thời điểm chúng tôi nhận được văn bản, qua kiểm kê, khoa dược còn khoảng 20 ống thuốc chứa hoạt chất này nên đã niêm phong và trả lại đơn vị phân phối. Tuy nhiên, nếu bệnh viện lờ đi thì cũng không có đơn vị nào đứng ra kiểm kê, đối chứng để thu hồi” - ông lo ngại.

Cũng theo dược sĩ nêu trên, lâu nay, việc thu hồi thuốc là do doanh nghiệp sản xuất, công ty phân phối đứng ra thực hiện nhưng nếu không bị cơ quan quản lý thúc ép thời gian thì chẳng ai dại gì thu hồi ngay. “Hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở các nhà thuốc. Không loại trừ trong lúc “tranh tối, tranh sáng”, vì lợi nhuận, họ vẫn cố tình bán thuốc bị thu hồi cho bệnh nhân. Với loại hàng hóa đặc biệt như thuốc thì bệnh nhân thông thường không thể biết đâu là loại kém chất lượng. Vì thế, họ luôn mua theo đơn của bác sĩ hay sự tư vấn của nhân viên nhà thuốc” - ông phân tích. 

Một đại diện Cục Quản lý dược cũng thừa nhận với hơn 40.000 nhà thuốc trên cả nước và hơn 20.000 số đăng ký thuốc đang lưu hành, việc giám sát thu hồi sản phẩm kém chất lượng là chuyện không đơn giản. Điều đáng nói là trong hàng ngàn loại thuốc bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi những năm qua, phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý dược hay sở y tế địa phương thẩm định về chất lượng, cấp số đăng ký và cho phép lưu hành, trong đó thuốc nhập khẩu chiếm số lượng rất nhiều. Vì thế, dư luận không khỏi băn khoăn rằng phải chăng vì việc cấp phép lưu hành cho những loại thuốc ngoại quá dễ dàng nên đã để nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng lọt ra thị trường?

Tác hại khôn lường

Dược sĩ Lê Quốc Thịnh, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương, cho biết có thể với vài bệnh lý thông thường, nếu trót uống phải thuốc kém chất lượng cũng không bị ảnh hưởng nhiều nhưng với bệnh mãn tính thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

“Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết nhưng do lỡ uống phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại lên vù vù thì khác gì đẩy họ đến chỗ chết. Hay như thuốc hạ huyết áp, nếu mua phải loại đã mất tác dụng thì biến chứng sẽ rất khôn lường, thậm chí mất mạng. Đó là chưa kể thuốc kém chất lượng có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe” - ông Thịnh khuyến cáo.

Đến nay, không ai biết được đã có bao nhiêu loại thuốc kém chất lượng được bệnh nhân bỏ tiền ra mua mà bệnh vẫn nguyên vẹn, thậm chí nặng thêm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà thuốc, họ chưa từng gặp bệnh nhân nào mua thuốc rồi nghe tin nó kém chất lượng mà mang trả lại.

Điều đáng nói nữa là từ trước đến nay, chưa có cơ quan nào lên tiếng bồi thường cho bệnh nhân nếu họ chẳng may bị kê đơn hay mua phải thuốc kém chất lượng. “Chúng tôi từng đề nghị người dân nếu mua phải loại thuốc kém chất lượng phải trả lại ngay cho người bán nhưng nếu đã trót uống rồi thì cũng đành chịu!” - TS Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận.
 
Một dược sĩ cảnh báo nếu cơ quan quản lý không có chế tài xử phạt nghiêm minh thì mỗi năm, hàng ngàn loại thuốc kém chất lượng lại tiếp tục đổ vào Việt Nam và không loại trừ nước ta có nguy cơ trở thành “bãi rác” thuốc “dỏm” của các nước công nghiệp phát triển.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Tử vong do nuốt mật động vật

Anh B, bộ đội về phép được vợ đưa cho cái mật cá trắm để nuốt với hy vọng tẩm bổ sức khỏe. Sau khi nuốt, anh B thấy khó thở, ngất lịm và hôn mê. Lập tức anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị. Sau 2 hôm anh B đã tử vong do lượng độc tố trong mật cá trắm quá lớn.

Xem thêm  

Cách dùng chất béo với bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số những bệnh hay gặp của “thời hiện đại” và cuộc sống đô thị hóa.  Căn bệnh đó cũng liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống. Chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt.

Xem thêm  

Sự thật những bệnh viện gắn “sao”

Được gắn mác bệnh viện “3 sao”, bệnh viện “đẳng cấp quốc tế” với những quảng cáo rầm trời về đội ngũ bác sĩ nước ngoài, giáo sư đầu ngành trong nước nhưng đằng sau những bệnh viện “sao” này, vẫn tồn tại một số bất cập yếu kém về chuyên môn.

Xem thêm  

Trúc Diễm khoe da trắng mịn màng

Chiều qua (10/11/2013) người đẹp Trúc Diễm đã góp mặt trong buổi tọa đàm về trò chơi giải trí trên thiết bị di động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc Diễm lựa chọn mẫu trang phục...

Xem thêm  

Cách lựa chọn thực phẩm khôn ngoan

Để đảm bảo sức khoẻ, mỗi người cần phải biết chọn cho mình thức ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, sở thích. Lựa chọn phù hợp Phù hợp với...

Xem thêm