Nội dung

Đối với sinh viên thời trang quốc tế, việc được thực tập tại các tạp chí hàng đầu mở ra những cánh cửa xán lạn cho tương lai. Một trong những hãng nhận được nhiều đơn xin thực tập nhất là Conde Nast, tập đoàn nắm giữ tờ Vogue danh giá. Những tên tuổi như nhà thiết kế Whitney Port, diễn viên kiêm biểu tượng thời trang Lauren Conrad hay blogger về phong cách nổi tiếng Emily Weiss đều từng là thực tập sinh tại đây.

Tháng 10/2013, conde nast bất ngờ tuyên bố hủy chương trình thực tập tại các tờ báo như The New Yorker, Vanity Fair... và Vogue bắt đầu từ năm 2014. Hàng loạt tín đồ đã vỡ mộng, và không ít người than phiền cơ hội của họ trong làng mốt tới đây là hết. Tuy vậy, bản thân những người ngoài cuộc chưa hề biết hết sự thật đằng sau công việc thực tập hào nhoáng đầy hứa hẹn kia.

Thực tập sinh vỡ mộng vì lầm tưởng về tạp chí thời trang

Công việc thực tập tại những tạp chí thời trang lớn đồng nghĩa với việc bị sai vặt. Trong ảnh là cảnh phim The Devil Wears Prada (2006).

Phần lớn người thực tập tại tạp chí thời trang lớn đều khẳng định họ bị bóc lột sức lao động. Lauren Ballinger, thực tập sinh tại W Magazine năm 2009, chia sẻ, cô phải nhận mức lương rất thấp, chưa tới 1 USD một giờ. Trong khi đó, cô không hề được hướng dẫn bất kỳ điều gì trong quá trình làm việc tại tạp chí này. Luật sư của Lauren khẳng định mức lương và cách tờ tạp chí đào tạo cho thực tập sinh là trái luật.

Một tín đồ thời trang khác là Lisa Denmark cũng từng có những trải nghiệm không mấy thú vị khi thực tập tại Vogue vào mùa hè năm ngoái. Cô phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Tuy vậy, những gì Lisa được giao không phải công việc đòi hỏi quá nhiều chất xám, chỉ đơn giản là phụ việc vặt cá nhân cho các biên tập viên như lấy đồ giặt khô hoặc đi mua nước ép quả cho sếp ở một chỗ xa xôi nào đó.

"Ngày trước, đối với tôi, thực tập tại Vogue là công việc đỉnh của đỉnh. Đến khi làm thật, tôi mới thấy nó là công việc khủng khiếp nhất mình từng làm. Bản thân tôi không học được bất kỳ điều gì sau khi rời khỏi chỗ ấy", Lisa Denmark nói thêm.

Thực tập sinh vỡ mộng vì lầm tưởng về tạp chí thời trang

Lisa Denmark từng có khoảng thời gian làm thực tập sinh tại tạp chí Vogue. Ảnh: Newyorkpost.

Áp lực làm việc tại các tạp chí hàng đầu cũng lớn không kém so với danh tiếng của họ. Không nhận được bất kỳ đồng lương nào, Lisa Denmark còn luôn phải sống trong lo sợ. Một lần, cô được giao nhiệm vụ chuyển sách thời trang về Dolce & Gabbana và Tom Ford viết bởi Grace Coddington, giám đốc sáng tạo của Vogue, tới các cửa hàng. Suốt thời gian ngồi trên xe ôtô, Lisa đã đứng ngồi không yên vì sợ làm hỏng việc.

Tới khi xong việc và trở về nhà, thực tập sinh này vẫn đứng ngồi không yên. Lisa tâm sự: "Một tuần sau đó tôi mất ít nhất ba buổi tối nằm khóc cho đến lúc thiếp đi. Tôi khóc không phải thấy mình khổ mà vì sợ bị quở trách nếu đặt đồ không đúng quy định. Nếu giấy ghi chú chỉ đính sai một chút, hay một góc mép bìa bị quăn nhẹ, hoặc đơn giản là ông chủ cảm thấy không thích, tôi sẽ gặp rắc rối ngay". Chỉ sau hai tháng, cô quyết định bỏ luôn công việc mơ ước tại tạp chí đình đám.

Thực tập sinh vỡ mộng vì lầm tưởng về tạp chí thời trang

Không ít người "vỡ mộng" khi xin thực tập tại tạp chí thời trang lớn. Ảnh: Tumblr.

Thực tập sinh hay "vỡ mộng" khi làm việc cho các tạp chí thời trang hàng đầu vì chưa tìm hiểu kỹ. Hầu hết những tên tuổi như Vogue, Vanity Fair hay W Magazine đều không cho phép người thực tập quan sát mọi quá trình sản xuất ra sản phẩm. Nếu muốn tham gia, họ phải xác định sẽ chịu thiệt toàn phần.

Một người từng thực tập tại một tờ tạp chí lớn của Conde Nast tâm sự: "Người ta thấy thất vọng vì muốn được tham gia vào mọi quá trình từ biên tập đến làm stylist. Tuy vậy, dù làm việc chăm chỉ đến mấy, người thực tập cũng sẽ không được tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh". Ngay cả những buổi tổng duyệt trang phục để đưa lên mặt báo, anh này cũng không có cơ hội được chiêm ngưỡng.

Theo New York Post, hiện tại, thực tập sinh trên đã có một công việc tốt trong ngành công nghiệp thời trang. Tuy vậy, người này không bao giờ quên được những năm tháng chạy việc vặt cho các biên tập viên, thậm chí dành cả tiếng đồng hồ để tìm và giao "bữa sáng sang trọng" tới cấp trên. "Nếu muốn làm việc trong ngành thời trang, bạn phải hiểu được một điều quan trọng rằng nó không hề lộng lẫy như tưởng tượng. Đó là điều mọi thực tập sinh từng làm ở các tạp chí của Conde Nast rút ra", anh chia sẻ.

Thành Trương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục