7 trẻ một giường
Theo bác sỹ Cù Thị Minh Hiền, Phó Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương mấy ngày gần đây tăng bất thường. Ngày 25/3, Khoa có hơn 3.500 bệnh nhân đến khám. Tính từ ngày 7/3 đến ngày 27/3, bệnh viện tiếp nhận 30.769 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bác sỹ Hiền cho biết, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng cao trong khi đó số giường còn hạn chế, khoảng gần 1.000 giường bệnh, Tại đây, bệnh nhi thường xuyên phải nằm ghép từ 3 đến 4 trẻ/giường.
Theo bác sỹ Hiền, bệnh nhi nhập viện chủ yếu cũng liên quan tới các bệnh về đường hô hấp, cúm A, tiêu chảy, đặc biệt thời gian gần đây ghi nhận sự trở lại của bệnh tay chân miệng.
Trẻ ồ ạt nhập viện vì bệnh đường hô hấp
Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, mấy ngày gần đây lượng bệnh nhi cũng tăng đột biến.
Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày Khoa tiếp nhận hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện. Có thời gian cao điểm lên đến 150 trẻ. Hiện tại Khoa đang có hơn 140 trẻ đang nằm điều trị thậm chí bệnh nhi phải nằm ghép, 7 trẻ/giường.
Trẻ không thích nghi kịp thời tiết thay đổi thất thường
BS Dũng cho biết, bệnh chủ yếu mà trẻ gặp phải trong những ngày gần đây là viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm phổi nặng, một số cháu sốt cao, sốt vi rút co giật hoặc biến chứng viêm màng não.
Theo các chuyên gia, thời tiết thay đổi thất thường cộng với độ ẩm không khí cao kéo dài trong 2 tháng gần đây khiến cho trẻ sơ sinh không kịp thích ứng, đường hô hấp dễ bị tấn công gây ra viêm phế quản, viêm phổi nguy hiểm.
Trẻ sốt phát ban phải đi khám ngay
Theo các chuyên gia, phụ huynh khi thấy con có các biểu hiện bất thường như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi, phát ban, khó thở… nên đến các cơ sở y tế trên địa bàn để khám, điều trị, nếu thấy tiến triển bệnh nặng hơn mới đưa trẻ lên tuyến trung ương.
Hiện nay, nhiều dịch bệnh như sởi, thủy đậu đang hoành hoành khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý, phụ huynh không nên lo sợ thái quá.
Cũng theo vị bác sỹ này, đã có nhiều trường hợp bệnh nhi không mắc bệnh nhưng do đến khám bệnh tại các cơ sở y tế đông đúc, quá tải, dẫn đến tình trạng lây chéo bệnh truyền nhiễm.
Phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng
Để phòng tránh bệnh đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, chống ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, bụi xe. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng, rửa tay thường xuyên là cách giúp trẻ phòng bệnh trong thời tiết thất thường.
Những hôm trời nồm, độ ẩm cao, tường nhà ướt, phụ huynh nên chống nấm mốc bằng cách lau chùi trên tường. Gia đình nào có điều kiện nen chạy điều hòa ở chế độ khô làm đổ ẩm trong nhà không quá cao. Trước khi mặc quần áo, quấn tã cho con nên là khô vì quần áo thường bị ẩm.
Một lỗi sơ đẳng mà phụ huynh thường mắc phải là lạm dụng thuốc hạ sốt cho con. Phụ huynh chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi nhiệt độ trên 38, 5 độ C. Nếu chỉ sờ thấy trán trẻ ấm đã cho uống hạ sốt rất nguy hiểm bởi, trẻ uống thuốc hạ sốt quá nhiều có thể gây suy gan.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet