Trong thí nghiệm được công bố trên tạp chí Breast Cancer Research, nhóm nghiên cứu phát hiện có những thay đổi ở mô vú của chuột chỉ 3 tuần sau khi chúng ăn thực phẩm nhiều mỡ, đặc biệt là những biến đổi ở tế bào hệ miễn dịch và sự tăng trưởng nhanh của tế bào.
Hiện tượng này có thể dẫn tới sự phát triển của hàng loạt yếu tố tiền ung thư và hơn hết là ung thư vú. Điều đáng lo ngại nữa là dạng ung thư nói trên thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ, với dấu ấn khác biệt về gien là trong cơ thể có gien BRCA1 và BRCA2, bị xem là dạng khó trị nhất. Một điểm đáng lưu ý khác là những thay đổi ở mô vú chuột xảy ra ở cả 2 nhóm chuột có tăng cân và không tăng cân.
Thiếu nữ tuổi dậy thì nên giảm bớt thức ăn nhiều mỡ động vật bão hòa để góp phần phòng tránh nguy cơ ung thư vú.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu nêu bằng chứng ban đầu cho thấy diễn biến nói trên tác động lâu dài, tức là hậu quả của những biến đổi đó vẫn còn dù chế độ ăn nhiều mỡ đã được giảm bớt. Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư sinh lý học Richard Schwartz nhận định: “Nhìn chung, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tránh ăn nhiều mỡ có thể giúp kéo giảm nguy cơ ung thư vú và đây là điều nên làm theo vì không có bất kỳ bằng chứng nào nêu khả năng chế độ thực phẩm ít mỡ gây tác hại”.
Nhóm nghiên cứu đồng thời cảnh báo ung thư vú trên đà gia tăng ở lứa tuổi trẻ hơn. Hồi đầu năm, một khảo sát được trang tin MNT công bố cho thấy khoảng 50% tổng số ca tử vong do ung thư vú tại Mỹ xảy ra ở tuổi dưới 50.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet