Chúng ta thường nghĩ rằng bệnh bẩm sinh thì phải mắc từ lúc nhỏ tuổi nhưng tại sao ở đây lại đề cập bệnh tim bẩm sinh ở người già? Trong thực tế có nhiều trường hợp người già được chẩn đoán là bị bệnh tim bẩm sinh.
Sơ lược cấu tạo quả tim
Khi nói đến bệnh tim bẩm sinh, nhiều thầy thuốc y khoa đều nhớ đến chuyện vui về bệnh tim bẩm sinh thông liên tâm nhĩ có tên viết tắt theo tiếng nước ngoài là CIA. Chuyện kể có 2 vợ chồng là nông dân lên thành phố khám bệnh vì gần đây người chồng cảm thấy mau mệt khi làm những công việc bình thường không có gì là nặng nhọc và cũng hay bị khó thở. Sau khi hỏi bệnh sử và khám bệnh kỹ lưỡng, các bác sĩ hội ý với nhau. Một bác sĩ hỏi một đồng nghiệp trong nhóm: “Anh nghĩ bệnh nhân bị bệnh gì?”.
Bác sĩ kia trả lời: “Chắc là CIA”. Bà vợ nghe bác sĩ nói chồng mình là CIA thì hoảng hồn, xanh mặt vì bà biết CIA là tổ chức tình báo của Mỹ. Nghĩ vậy nên bà mới năn nỉ bác sĩ: “Dạ... thưa bác sĩ, vợ chồng tôi làm ruộng xưa nay chứ có làm CIA ngày nào đâu… Xin bác sĩ tha cho ổng”. Bác sĩ nghe bà vợ nói vậy biết ngay là bà đã hiểu nhầm từ CIA nên mới giải thích cho bà biết từ CIA là chữ viết tắt của tên bệnh thông liên tâm nhĩ bẩm sinh.
Siêu âm chẩn đoán bệnh tim mạch tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa (Medic) Ảnh: Hồng Thúy
Vậy chứng thông liên tâm nhĩ bẩm sinh là gì, bệnh có biểu hiện gì và làm sao để phát hiện bệnh này?
Để hiểu bệnh tim bẩm sinh là gì, chúng ta hãy xem lại cấu tạo của tim và sự tuần hoàn của máu.
Với người bình thường, tim nằm ở ngực bên trái, trường hợp hy hữu có người bị đảo lộn phủ tạng bẩm sinh thì tim lại nằm bên phải. Tim là một khối cơ rỗng có hình hơi giống quả trứng, nặng khoảng 250-300 g, có vách ở giữa ngăn tim thành 2 phần, gồm tim phải và tim trái, người bình thường tim phải và tim trái không thông thương nhau.
Tim phải có một van gọi là van 3 lá ngăn ra 2 phần, phần trên gọi là tâm nhĩ phải, phần dưới là tâm thất phải. Tương tự, tim trái cũng có van gọi là van 2 lá ngăn ra 2 phần, phần trên gọi là tâm nhĩ trái, phần dưới là tâm thất trái. Như vậy tim có 4 phần, ta thường gọi là 4 buồng tim: nhĩ phải, nhĩ trái, thất phải, thất trái.
Tim trái có nhiệm vụ bơm đưa máu vào động mạch, máu ở đây có màu đỏ tươi chứa nhiều dưỡng chất đi khắp các cơ quan như não, thận, gan, cơ bắp… để nuôi cơ thể. Máu sau khi bị hấp thu hết dưỡng chất sẽ chuyển từ màu đỏ thành màu sậm hơn, hơi đen, theo đường tĩnh mạch trở về tâm nhĩ phải, máu từ tâm nhĩ phải được đưa xuống tâm thất phải. Máu từ tâm thất phải được bơm vào động mạch phổi, đưa máu lên phổi để bão hòa ôxy và máu sẽ từ màu xanh đen trở thành màu đỏ tươi theo tĩnh mạch phổi đổ vào tâm nhĩ trái. Máu từ tâm nhĩ trái được bơm xuống tâm thất trái và từ tâm thất trái được bơm vào động mạch chủ. Từ động mạch chủ, máu theo các động mạch nhỏ hơn phân nhánh từ động mạch chủ đi khắp cơ thể.
Như vậy, tim trái gồm tâm nhĩ trái và tâm thất trái chứa máu đỏ. Tim phải gồm tâm nhĩ phải và tâm thất phải chứa máu đỏ sậm đen.
Bệnh thông liên tâm nhĩ
Bệnh thông liên tâm nhĩ là tình trạng tồn tại một lỗ thông giữa tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Lỗ thông càng lớn, bệnh càng trở nặng sớm và vì vậy được phát hiện sớm. Trong nhiều trường hợp, khi có lỗ thông nhỏ thì người bệnh có cuộc sống bình thường trong vài chục năm.
Trường hợp có lỗ thông lớn, bệnh có biểu hiện từ lúc nhỏ: trẻ chậm phát triển và hay bị nhiễm trùng đường hô hấp. Trường hợp có lỗ thông nhỏ, người bệnh vẫn có cuộc sống bình thường cho đến già. Sau vài chục năm tiến triển, người bệnh có cảm giác yếu ớt, dễ mệt dù chỉ làm những công việc bình thường, cảm thấy khó thở khi gắng sức, cảm giác hồi hộp và tim đập mạnh. Khi phát hiện những triệu chứng này, cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ.
Khi khám bệnh, bác sĩ nhận thấy có sự biến dạng ở lồng ngực nếu là trẻ em. Nghe tim phát hiện ra những âm thổi bất thường ở tim. Nếu chỉ khám lâm sàng đơn thuần thì không dễ dàng chẩn đoán ra bệnh thông liên tâm nhĩ. Để xác định chính xác là thông liên tâm nhĩ, bác sĩ sẽ cho làm thêm nhiều xét nghiệm khác như siêu âm tim màu hay siêu âm tim qua đường thực quản.
Những dạng tim bẩm sinh khác có thể gặp là thông liên tâm thất, hẹp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ... nhưng các bệnh này thường được phát hiện trước tuổi 60.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet