Nội dung
Thiết kế thời trang đi tây học

Võ Việt Chung (trái) cùng nhà thiết kế người Canada tại Italya.

Kiều Việt Liên là một trong những người có bằng cấp cao nhất trong giới vì đã tốt nghiệp 2 trường nước ngoài: Richard Robinson’s Fashion School (Canada) và Haute Couture - ESMOD (Pháp). Gần 4 năm cho 2 trường và hơn 1 năm tại Australia để trau dồi kiến thức dự bị đại học (dành cho người châu Á) không phải dễ dàng đối với chị. Ngoài học phí trung bình 5.000-10.000 USD/năm, học sinh phải tự trang trải mọi thứ, đặc biệt khoản chi phí khổng lồ cho phần thực tập (gấp 4-5 lần học phí). Chị kể: "Tôi tranh thủ mày mò nghiên cứu về thời trang đồ cưới - ngành học năm thứ hai tôi lựa chọn. Trong lớp, phần lớn giáo viên chỉ dạy lý thuyết, còn phần thực hành thì mình phải tự thân vận động. Nhà trường chỉ tạo điều kiện cho học sinh trong phạm vi trường học".

Khi đến Italy, Võ Việt Chung cũng không phải lo nghĩ nhiều về khoản tiền phải đóng để tham gia khóa học do Hiệp hội thời trang châu Âu tại Italy tổ chức nhằm đào tạo và hỗ trợ cho những nhà thiết kế trẻ của các nước. Gần một năm học tập, anh không chỉ mở rộng tầm mắt mà còn được giao lưu học hỏi với hơn 20 nhà thiết kế trẻ khác đến từ Mỹ, Australia, Canada, Anh, Đan Mạch... "Sau chuyến đi, tôi đã đúc kết lại cho mình nhiều điều quý giá trong nghề nghiệp và cả cách sống" - anh nói.

Tốt nghiệp trường ESMOD Paris (Pháp) còn có Trần Như Khánh Hòa. Ban đầu Hòa đến Pháp để học nhạc. Ít lâu sau, "máu" thời trang nổi lên, cô quyết định đầu tư tất cả tiền bạc, thời gian học thiết kế thời trang ứng dụng cao cấp. Khóa học 3 năm đã được Hòa "học dồn" chỉ còn 2 năm, nhưng cô cũng rất vất vả, nhiều đêm phải thức trắng. Hòa tâm sự: "Tôi phải có mặt đầy đủ trên lớp để nghe giảng về lý thuyết tư duy hình ảnh, hội họa, màu sắc... trong lúc tôi chưa biết về các ngành này. Sau 3 tháng thì các học sinh có thể tự mình nâng cao và sáng tạo những gì mình muốn. Sinh viên phải tự học, giáo viên chỉ hướng dẫn".

Với học bổng 6 tháng tại trường Mass Art (Boston - Mỹ), thay vì phải học lớp cơ bản về thời trang thì Ngô Thái Uyên xin "nhảy" sang một lớp học cao cấp hơn về kết cấu sợi. Lớp không chỉ dành cho các nhà thiết kế muốn sử dụng sợi cho tác phẩm của mình mà còn cho tất cả những ai làm nghệ thuật, giúp chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều họa sĩ, thợ may giỏi, nhờ vậy Uyên đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình.

Thiết kế thời trang đi tây học

Kiều Việt Liên với bộ sưu tập đồ cưới tại Pháp.

Hai nhà thiết kế trẻ Trịnh Thế Bảo, Nguyễn Công Trí cũng có cơ hội tiếp xúc với thời trang nước bạn (dù thời gian không lâu). Trí được Công ty thời trang ứng dụng Lush (Australia) mời sang thiết kế cho từng đợt hàng theo chủ đề xuân, hạ, thu, đông. Hai tháng dù không nhiều nhưng cũng đủ để Trí học được quy trình làm thế nào đưa thời trang đến tay người tiêu dùng tốt nhất; làm mẫu mã ra sao để sản xuất hàng dễ được chấp nhận... Còn Thế Bảo cũng đã có thời gian đến Paris - Milan - Madrid xem thời trang cao cấp.

Sau 7 năm học tại kinh đô thời trang Italy, khi về nước nhà thiết kế Chữ Linh Thư đã quyết định... đổi nghề vì không thể áp dụng những gì đã học. Kiều Việt Liên thì mới áp dụng được một nửa. Khánh Hòa sau thời gian tập trung cho nhãn hiệu thời trang mang tên mình đã tạm ngưng và chuyển vào làm việc cho Công ty thời trang Scavi VN (có đầu tư của Pháp), nhưng chỉ phụ trách phần ghi nhận hồ sơ, chào hàng, xuất hàng...

Vì sao các nhà thiết kế không áp dụng được hết những gì đã học được ở nước ngoài cho thời trang trong nước như mong muốn khi lên đường du học? "Tôi thật sự cảm thấy mình quá nhỏ bé trong thế giới thời trang và những gì đã làm thật sự chưa là gì so với những thứ tôi đã được học", nhà thiết kế Võ Việt Chung than thở. "Thời trang VN không phải không phù hợp với những gì chúng tôi đã học. Hàng VN may sẵn cũng không thua nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta bị thua về chất liệu và nếu muốn thời trang chất lượng hơn thì phải nhập nguồn hàng từ các nước, dẫn đến giá thành cao. Giá cao thì hàng may sẵn càng ngày càng hiếm. Ngoài ra, chúng ta cũng bị copy mẫu nên không cạnh tranh lại" - Khánh Hòa cho biết.

Kiều Việt Liên thì nói: "Những gì tôi học được khi áp dụng vào thị trường VN không phù hợp vì phụ liệu phải nhập. Ngoài ra, một bộ thời trang cao cấp phải gia công rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian nên giá thành cao". Ngô Thái Uyên cũng không thể áp dụng được điều mình đã học vì nếu phải bỏ công sức đầu tư cho sợi, dệt chất lượng thì... máy móc phải cực tốt. Tuy nhiên, cô vẫn nuôi mơ ước là sắp tới sẽ quán xuyến được 50% nguồn nguyên liệu đạt tính thẩm mỹ cao.

Dù thế nào, những khó khăn của người đi trước vẫn không ngăn cản những nhà thiết kế trẻ tiếp tục lên đường du học. Họ đi để thỏa mãn khao khát học hỏi, thỏa mãn niềm đam mê của mình.

(Theo Thanh Niên)

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Bộ sưu tập đồ lót bằng ren

Gợi cảm, quyến rũ là điểm nổi bật của bộ sưu tập này, ren cũng là chất liệu lý tưởng để thiết kế nên một bộ đồ lót hoàn hảo. Bạn hãy tham khảo một số mẫu dưới đây.

Xem thêm  

Cảnh sát ùa đến cứu Naomi Campbell

Bãi biển Cagliari, Italy yên bình bỗng trở nên náo nhiệt. Gần 4.000 người, phần lớn là phái mạnh bổ nhào đến ngắm nghía, nhìn cho đã con mắt hình ảnh "viên ngọc đen" trong bộ bikini. Lúc đó, Naomi đang quay cho một clip quảng cáo.

Xem thêm