Theo Le Monde, một tấm thảm tảo nâu với mùi trứng thối đang “chiếm đóng” và gây ô nhiễm nghiêm trọng các bờ biển thuộc vùng vịnh Caribbean. Không những nhiễm bẩn bãi biển, hiện tượng này còn gây nên nhiều vấn đề sức khỏe cho cộng đồng cư dân sinh sống tại đây.
Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này buộc phải rút tiền từ các quỹ khẩn cấp để làm sạch bờ biển. Trên một số bãi biển, lượng tảo nâu ô nhiễm có độ dày tới 3 m. Tại nước Cộng hòa Tobago, các nhà chức trách còn tuyên bố rằng đây là một “thảm họa tự nhiên” cần được khắc phục.
Một bờ biển tại vùng Caribbean bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi thảm tảo nâu Sargassum. Ảnh: Le Monde. |
Christophe James, chủ tịch Hiệp hội khách sạn và du lịch tại Tobago cho biết: “Đây là năm ô nhiễm nặng nề nhất từ trước đến nay. Chúng ta cần phải có biện pháp mang tầm khu vực để giải quyết vấn đề này, bởi những đám tảo nâu sẽ nhanh chóng ảnh hưởng tới hình ảnh của Caribbean”.
Từ năm 2011, hai loại tảo thuộc họ Sargassum đã chiếm dần bãi biển vòng cung của vùng Caribbean từ khu vực thuộc Cộng hòa Dominica, qua bờ biển Mexico tới vùng Barbados. Năm nay, số lượng bờ biển bị ô nhiễm bởi tảo tăng quá cao, khiến nhiều du khách phải từ bỏ kế hoạch nghỉ hè ở thiên đường Caribbean.
Nhiều người phải hủy chuyến du lịch tại Caribbean do tình trạng tảo nâu ô nhiểm biển quá nặng nề. Ảnh: AP. |
Trước mùa du lịch cao điểm, nhiều nhà chức trách kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp giữa 15 nước thuộc Cộng đồng Caribbean. Họ lo ngại rằng vấn đề này sẽ gây một tác động không nhỏ tới nền kinh tế khu vực, khi mà nguồn thu của các nước trong cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ du lịch.
Theo bản báo cáo về việc quản lý các vấn đề môi trường và nhà ở (DEAL) của Guadeloupe, những thảm tảo nâu xuất hiện do tác động của vấn đề ô nhiễm đất, đồng thời cũng bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, gây nên sự thay đổi của các dòng hải lưu.
Vùng biển Caribbean bao gồm phần biển Caribbean, các đảo thuộc quần đảo Bahamas, Đại Antilles, Tiểu Antilles cùng các vùng vịnh trên đất liền. Hệ sinh thái thuộc vùng biển này tuy đa dạng nhưng đang dần suy kiệt bởi tác động của con người và sự biến đổi khí hậu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet