Nội dung

Chị Diệp Anh, nhân viên một công ty tin học tại Hà Nội mấy ngày nay tìm đủ mọi cách đặt mua sớm chiếc Toyota Fortuner V giá 41.000 USD. Thậm chí chấp nhận trả thêm tiền với lý do: "Tốn thêm 2.000 USD nhưng đỡ thiệt mất 6.000 USD mà lại có xe ưng ý nên tôi vẫn muốn mua".

Còn anh Linh, quê Nam Định, thì cố gắng tìm nơi mua chiếc Chevrolet Captiva LT có giá hợp lý. Chưa tìm hiểu nhiều về xe nhưng nghe tin giá sẽ tăng sau 1/4, anh quyết định mua ngay thời điểm này để đỡ tốn đồng nào hay đồng ấy.

Trào lưu chạy thuế đang lan rộng ở dòng xe 6-9 chỗ và ngoài nhân viên bán hàng, các hãng cũng tham gia tích cực. Ford Việt Nam tiến hành chiến dịch quảng cáo "đánh" thẳng vào mức thuế mà Everest sẽ phải chịu, từ 30% lên 50% và khuyến cáo nếu mua xe trong tháng 3, khách hàng có thể tiết kiệm đến 7.000 USD.

Mercedes, Vidamco cũng nhân cơ hội kéo người tiêu dùng đến showroom bằng giảm giá khuyến mãi.

 thị trường ôtô và vũ điệu chạy thuế

Khách hàng xem xe Mercedes S-class nhập khẩu tại một showroom của Mercedes Việt Nam. Ảnh: T.T.

Như mọi khi, những người muốn sở hữu ôtô ở Việt Nam "co giò" chạy theo chính sách. Và dấu hiệu đó xuất hiện từ tháng 2, khi thị trường phân thành hai thái cực. Dòng xe đa dụng MPV/SUV chịu ảnh hưởng nặng nhất về thuế có doanh số vọt lên con số trên 2.000 chiếc, gấp đôi lượng sedan (xe 5 chỗ), vốn bị ảnh hưởng rất ít về thuế. Theo dự đoán, xe MPV/SUV còn tăng đột biến trong tháng 3.

Rõ ràng, thuế tiêu thụ đặt biệt trở thành con bài tốt cho các nhà sản xuất kích cầu, giữa lúc thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, như thành viên một diễn đàn ôtô lớn nhận xét, khách hàng lại bị "lùa" về một hướng. Điều đáng nói là không ai biết sau 1/4 thị trường sẽ như thế nào. Dòng đa dụng chưa chắc đã giảm sút nếu một loại thuế khác được dùng để hỗ trợ chúng. Những chiếc sedan chưa hẳn đã bán chạy. 

Tại buổi ra mắt truyền thông khi vừa nhậm chức cuối 2007, Tổng Giám đốc một liên doanh trong nước than thở: "Tôi chưa từng thấy nước nào thay đổi thuế ôtô nhanh như Việt Nam". Đây là nhận xét thẳng thắn hiếm có của một vị lãnh đạo trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam) nhưng dễ hiểu vì khi đó, Bộ Tài chính liên tiếp đưa thuế nhập khẩu xuống tới mức 60% và kèm theo thông điệp "Còn giảm nữa nếu ôtô trong nước không hạ giá".

Sau đó vài tháng, tình hình bỗng đảo ngược và đến lượt các nhà nhập khẩu bị dồn vào thế bí. Riêng trong tháng 4/2008, thuế nhập khẩu tăng từ 60% lên 83%. Thậm chí quyết định còn có hiệu lực một ngày sau mà không cần đợi đăng công báo như thường lệ.

 thị trường ôtô và vũ điệu chạy thuế

Bãi xe nhập khẩu thời ế khách, tháng 6/2008. Ảnh: Hoàng Hà.

Sự bất thường đẩy toàn bộ các doanh nghiệp vào cảnh trên đe dưới búa. Ký hàng loạt hợp đồng nhưng khi xe về cảng bị áp thuế mới, làm giá bị đội lên. Khách hàng bỏ đặt cọc, thị trường đi xuống khiến ôtô nhập tràn đầy các bãi.

Đang được ưu đãi để "ép" xe trong nước, ôtô nhập nhanh chóng biến thành đối tượng làm "ách tắc giao thông, tăng nhập siêu". Người tiêu dùng từ chỗ hồ hởi mua Hyundai Santa Fe, Hyundai Getz, i30, Toyota Yaris lại quay về xe trong nước, bỏ lại bãi đỗ chứa hàng trăm xe nhập mà sau đó phải ì ạch tìm khách trong suốt 2008. Thậm chí, không ít taxi Hyundai Getz, Santa Fe ra đời trong giai đoạn đó.

Không mua xe nhập thì khách hàng quay về liên doanh. Tổng lượng xe tiêu thụ không đổi nên Bộ Tài chính phải sử dụng chiêu thức khác nhằm kìm hãm, và vô tình kích thích thị trường. Tháng 8/2008, thông tin phí trước bạ tăng từ 5% lên 10% giúp các nhà nhập khẩu sau một thời gian dài ế ẩm tiêu thụ bớt số xe tồn. Đến tháng 1/2009, Hà Nội áp dụng mức phí 12% là thời điểm vàng cho việc bán nốt số còn lại.

Theo các chuyên gia, ôtô chịu tới 3 loại thuế với tỷ lệ lớn nên rất nhạy cảm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm điều chỉnh thuế nhập khẩu (gồm xe nguyên chiếc và linh kiện lắp ráp), thuế trước bạ. Thuế tiêu thụ đặc biệt do quốc hội ấn định. Chỉ cần một thứ biến động, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng vì hay thay đổi bất ngờ mà ôtô là mặt hàng có nhiều tin đồn nhất. Mới đây, đích thân Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn lên tiếng khẳng định thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn có hiệu lực từ ngày 1/4, dập đi những thông tin về việc lùi thời hạn. Nhưng giới kinh doanh ôtô nguyên chiếc vẫn đang truyền nhau tin "thuế nhập khẩu sẽ tăng trong thời gian tới".

Kết quả là những biến động về thuế đã trở thành một phần không thể thiếu của thị trường ôtô và đôi lúc còn đóng vai trò là động lực kích cầu. Người tiêu dùng chỉ còn cách thích nghi và dần trang bị kinh nghiệm để có phân tích đúng tình hình, quyết định mua hay không dựa trên nhu cầu sử dụng của chính mình. Bởi tăng thuế chưa hẳn phải mua ngay mà giảm thuế chưa chắc họ đã được lợi.

Trọng Nghiệp

 

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

5 siêu xe sắp ra mắt trong tương lai

Cuộc khủng hoảng kinh tế ít nhiều đã làm cho ngành công nghiệp ô tô chịu nhiều ảnh hưởng và phát triển chậm hơn dự kiến. Tuy vậy, vẫn có những dự án đang âm thầm được triển khai để làm hài lòng những tay đam mê siêu xe và tốc độ. Trong vài năm tới, 5 siêu xe của các thương hiệu nổi tiếng sẽ lần lượt ra mắt.

Xem thêm  

Audi Q5 đọ sức cùng Lexus RX350

Trong phân khúc xe CUV hạng sang tại Việt Nam, có rất nhiều cái tên nổi bật khiến cho khách hàng phân vân khi chọn lựa. Chúng tôi chọn ra hai mẫu xe tiêu biểu Audi Q5 và Lexus RX350 để tìm kiếm sự khác biệt giữa hai đại diện tiền tỷ này.

Xem thêm  

Siêu xe Lamborghini Gallardo mới sắp ra mắt

Sau khi chính thức "khai tử" dòng Gallardo cũ sau 10 năm có mặt trên thị trường với tổng cộng 14.022 chiếc được xuất xưởng. Mới đây hãng sản xuất siêu xe Lamborghini đã tiết lộ những hình ảnh mới...

Xem thêm  

SLS AMG - siêu xe mới nhất của Mercedes

Hãng xe hạng sang Đức chính thức gọi siêu xe đang thử nghiệm của mình là SLS AMG, chứ không phải là SLC như giới truyền thông dự đoán. SLS sở hữu những công nghệ vượt trội, nhằm thay thế xứng đáng SLR McLaren.

Xem thêm