Sống nơi đất lạ, người chưa kịp quen, đường chưa kịp tỏ thì Tết mãi là nỗi mong ngóng đến ngọt ngào.
Dừng chân tại trạm xe, tôi đưa hai bàn tay ra mà cọ xát mong tìm lấy một chút hơi ấm thì bất chợt một giọng nói vang lên: “Lạnh quá em nhỉ. Sắp Tết rồi mà trời vẫn lạnh quá”. Chữ Tết vang lên sao bỗng khiến lòng tôi chùng xuống. Cứ như con rô bô tôi gật đầu “Dạ” rồi thay đổi ý định, lững thững rời bỏ trạm xe mà đi bộ đến văn phòng.
Tết đến rồi mà lòng còn gì để nhớ chăng? Chỉ là một cô nhân viên mà tôi đã để bản thân mình bận rộn quá. Bận đến mức không còn thời gian để nhớ. Nhớ rằng Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên.
Tết là cái dịu ngọt thấm dần vào lòng người. Nắng vàng hoang hoải như chợt tắt ngày cuối năm đâu thể xua đi sự lạnh giá của những cơn gió mùa thổi mãi, chệch hướng không biết đường về kia. Nhưng lại đủ sức tô vẽ nên bức tranh vàng ấm đến lạ cho phiên chợ Tết quê tôi.
Mới đây thôi, má còn níu tay hai chị em nào mứt nào quả, chọn lựa qua bao hàng quán để được những miếng bí, miếng khoai, miếng dừa, hạt sen… thơm giòn bóng lộn qua mảnh giấy kiếng đến là bắt mắt. Cặp tắc vàng ươm sai trĩu quả được tôi và Hai khệ nệ vừa bưng vừa ca thán “Nặng, đau quá má ơi, hư hết móng tay Hai sơn cho con rồi. Hoa mặt trời đẹp thế này a”. “Giao thừa kêu Hai nó sơn lại cho, nhìn tôi tay xách nách mang bao nhiêu thứ không hả cô?”.
Tất cả vẫn còn thật lắm, thật đến độ còn nghe được lời ba vọng lại “Mua hết chợ hả ba má con” rồi lời Hai lém lỉnh “Chưa hết chợ nhưng hết tiền ba ơi.”
Gần đến vậy, nhưng sao đưa tay ra lại không thể bắt lấy dù chỉ là một chiếc bóng. Tết ơi sao vụn vỡ nơi ký ức rồi. Ấm áp nhất là khi cả nhà ta quây quần bên nhau cùng chuẩn bị cho mâm cơm giao thừa đón năm mới. Tay ba chắc khỏe lắm, buộc nạt bánh chưng vuông vức chắc nịch. Má lại khéo vô cùng với đòn bánh tét thon dài. Vật lộn nào đậu, nếp, thịt, dong cả buổi thì công đoạn gói bánh cũng hoàn tất. Nhà neo người cơ mà má gói nhiều bánh lắm. Má nói Tết họ hàng, biếu hàng xóm ăn lấy thơm, lấy thảo. Cho đi không chỉ là cái bánh mà còn là tình thương, lòng quý trọng của nhà mình con à.
Miệng má nói và tay má thoăn thắt thái đậu, xả hành, băm thịt để cho ra đời những cuộn chả giò, thon thon dài dài tạo bởi tay má, mập mập tròn xinh tạo bởi tay Hai. Riêng những “que” gầy nhom ốm nhách là thành phẩm của tôi. Từng cuộn, từng cuộn xếp chồng lên nhau đến khi vung đầy cả mâm.
Thoảng trong gió hương dong dịu nhẹ lan tỏa từng nhà. Ngon lửa đêm bập bùng âm ỉ cùng cái thơm ngát dịu ngọt vị Tết đầu xuân khiến ta nao lòng. Ba nhâm nhi tách trà nóng rồi râm ran lại chuyện cũ của cả năm dài. Vui có, buồn có, tiếng cười đâu thiếu nhưng nước mắt còn đong đầy vì những người đi mãi, chẳng kịp về nữa. Về để ăn cái Tết cùng ba, cùng má. Về để cúng mâm cơm giao thừa, để chúc ba chúc má một chữ phúc, để nhận bao lì xì đỏ rồi cười vang và chỉ để được ngồi bên cạnh nhau cho đúng nghĩa một chữ “nhà”. Tiếng má thảng thốt vang lên “Đi đâu Tết cũng về nhà nha con, đừng để hai thân già trông ngóng mà phải tội.”
Cái gì cay cay nơi hốc mắt sắp trực trào ra, Tết về là để yêu thương, là chỉ để nhìn ngắm khuôn mặt xa cách bao tháng ròng rã theo dòng đời buôn ba cơm áo gạo tiền.
Tết ơi gần đến thế mà nay lại xa cách không thôi. Vẫn là bánh chưng, dưa hành, chả giò vàng rộm nhưng giờ lại xa quá rồi. Vắng má, Tết nghe sao lạnh quá, sum vầy là điều không thể. Vắng má, Tết không về nữa.
Má đi nhưng mai vàng vẫn khoe sắc thắm, con như chợt thấy bóng ba bứt lá mai, lá rụng tả tơi sao mà nghe đơn côi quá. Tết rồi con muốn về mà thiết chặt tay ba, mà ôm chặt lấy Hai.
Tết ơi sao vẫn hoài trông ngóng, mai vàng ơi xin hãy rực cháy mãi, cho ta nhìn được bóng hình những người yêu thương, dù chỉ qua tấm gương ký ức đã phủ màu.
Đồng Lệ Quyên
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet