Các thiết kế được sử dụng trong phim Những cô gái chân dài. |
"Khi tài trợ phần trang phục thời trang, trang điểm, làm tóc cho một chương trình, một bộ phim nào đó, nhà tài trợ có thể được rất nhiều và mất cũng rất nhiều. Được là tên tuổi của nhà tài trợ nhanh chóng đến với người xem. Còn mất là mất công sức, tiền bạc, thời gian nếu ban tổ chức "lỡ" quên nhắc tên" - Minh Đăng (quản lý một thương hiệu thời trang lớn tại TP HCM) tâm sự. Nếu như trước đây, các nhà tổ chức show ca nhạc, thời trang, phim ảnh phải tốn kém khá nhiều cho phần thời trang thì hiện nay phần này đã dễ thở hơn. Một chương trình nếu có uy tín, bề thế (nhất là nghe phong thanh có truyền hình trực tiếp) chỉ cần "tung tin" muốn xin tài trợ thời trang thì ngay lập tức hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ đăng ký "xí phần". Tên của nhà tài trợ sẽ được nhắc đến tùy theo số tiền đầu tư vào chương trình.
Nguyên tắc chung là thế, nhưng chuyện bất đồng giữa ban tổ chức và nhà tài trợ vẫn thường xảy ra. Mới đây, người đẹp Phượng Zennana (giải nhì Siêu mẫu Việt Nam 2003) cũng tỏ ra bức xúc khi bị "tước quyền" làm "chủ xị" phần tài trợ và thời trang cho một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia (khu vực Tây Nguyên). Kế hoạch ban đầu ban tổ chức đưa ra là cô sẽ lo tất cả từ tìm tài trợ, quần áo, trang điểm, làm tóc... cho chương trình. Phượng Zennana cho biết, với việc làm này, cô mong muốn được chăm sóc cho thế hệ "đàn em" tại khu vực Tây Nguyên và cũng mong cái tên Phượng Zennana xuất hiện trong cuộc thi. Tìm được tài trợ, cô hăng hái lao vào các công việc khác thì đùng một cái ban tổ chức yêu cầu cô "rút lui" và chỉ lo các thứ lặt vặt khác như trang điểm, làm tóc... mà không được nhắc tên. "Tại sao tôi phải vất vả lo lắng nhiều cho cuộc thi mà không được quyền lợi gì?", và cô quyết định rút lui.
Cách đây không lâu, hãng thời trang NinoMaxx đã ra mắt rình rang các sản phẩm tài trợ cho bộ phim Dốc tình. Tuy nhiên, khi phim bấm máy, trên 200 sản phẩm chưa được sử dụng đúng theo mong muốn của nhà tài trợ do nhiều nguyên nhân: sản phẩm đưa ra không kịp cho tiến độ thời gian của phim; diễn viên tự thay đổi trang phục; các sản phẩm cũ mới của thương hiệu bị lẫn lộn... NinoMaxx đã rút kinh nghiệm khi tham gia tài trợ cho bộ phim thứ hai - Chiến dịch trái tim bên phải. Khi bộ phim Những cô gái chân dài "ngấp nghé" bấm máy, hãng này cũng dự định nhảy vào nhưng trang phục của họ không phù hợp cho những đôi chân dài. Phim Công nghệ lăng-xê khi ra mắt khán giả với mẫu trang phục được thiết kế bởi Nguyễn Long đã khiến nhiều người trong làng thời trang tỏ ra thắc mắc, vì theo thông tin ban đầu, phần thời trang của bộ phim sẽ do Công ty N.D. và Tony phụ trách. Hóa ra do hai bên chưa thống nhất được quyền và lợi nên đành chia tay.
Trên thực tế, cũng có những cuộc "chung sức" mang lại thành công cho chương trình và giúp sản phẩm thời trang cùng tên tuổi nhà thiết kế trở nên nổi tiếng. Chính Những cô gái chân dài đã đem đến cho giới "sành điệu" những cái tên nhà thiết kế Văn Thành Công, nhãn hiệu Max Boutique và điện thoại Nokia 7200. Vừa qua Văn Thành Công đã nhận được thêm khá nhiều đơn đặt hàng sau khi thiết kế toàn bộ trang phục ca sĩ của Sao Mai Điểm hẹn. Nhà thiết kế Việt Hùng được người trong giới bình chọn là người "chịu chơi" nhất vì tính đến nay, anh đã tham gia tài trợ trang phục cho gần 70% cuộc thi người đẹp, người mẫu, ca nhạc thời trang, và hẳn nhiên, tên anh cũng đã rất quen thuộc với giới nghệ sĩ, người mẫu và người tiêu dùng.
(Theo Thanh Niên)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet