Trầu bà là một trong những loại cây cảnh được ưa chuộng nhờ vẻ đẹp và khả năng thanh lọc không khí. Với lá xanh bóng quanh năm, dạng cây dây leo trầu bà không chỉ mang lại cảm giác tươi mát, mềm mại mà còn có thể được tạo hình thành các kiểu dáng độc đáo như cho bò leo lên cột hay trồng trong chậu treo để làm thành rèm xanh, tạo điểm nhấn cho không gian sống.
Bên cạnh đó, cây trầu bà còn có khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ, góp phần cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Cây cảnh này còn tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự may mắn và tài lộc. Chính vì những lợi ích này, trầu bà đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình khi chọn cây xanh trồng trong nhà.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc trồng cây trầu bà trong nhà. Một số người cho rằng, không nên trồng trầu bà trong nhà vì những lý do dưới đây:
1. Trầu bà thích bóng tối
Trong khi hầu hết các loại thực vật đều yêu thích ánh nắng mặt trời, thì cây trầu bà lại có sở thích hoàn toàn trái ngược. Trầu bà là cây ưa bóng râm, phát triển mạnh mẽ trong những môi trường tối tăm và ẩm ướt. Chỉ cần có ánh sáng nhân tạo, cây vẫn có thể sinh trưởng tốt. Ngược lại, nếu tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng mạnh, nhất là ánh nắng gay gắt vào mùa hè, cây dễ bị cháy lá, chết cây.
Sự khác biệt này đã khiến một số người không còn mặn mà với việc trồng cây trầu bà trong nhà, khi không gian sống của nhiều gia đình đón được nhiều ánh sáng. Vì lo sợ lá cây bị cháy nắng, họ sẽ ưu tiên chọn trồng những loại cây ưa nắng.
2. Tranh giành oxy
Nhiều người chọn trồng cây xanh, đặc biệt là trầu bà trong phòng ngủ để tạo không gian lãng mạn và tươi mát. Tuy nhiên, việc này không hề lý tưởng. Mặc dù có vẻ đẹp thu hút nhưng trầu bà lại không thích hợp để trồng trong phòng ngủ, đặc biệt khi số lượng cây quá nhiều.
Nguyên nhân là do cây trầu bà hoạt động quang hợp vào ban ngày, chuyển hóa khí độc thành oxy. Tuy nhiên, vào ban đêm, cây sẽ hấp thụ oxy và thải ra carbon dioxide.
Trong không gian phòng ngủ thường nhỏ hẹp và kín, điều này có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh oxy giữa con người và cây cối. Kết quả là, chất lượng giấc ngủ của con người sẽ bị ảnh hưởng, và nếu tình trạng này kéo dài, sức khỏe cũng sẽ bị đe dọa.
3. Cây có độc
Mặc dù là cây cảnh phổ biến, có khả năng hút độc tố trong không khí nhưng nhiều người không biết rằng bản thân cây trầu bà có chứa độc tố. Cụ thể, trong lá và dây của cây trầu bà chứa chất độc canxi oxalat tương tự như cây kim tiền.
Nếu vô tình ăn phải có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng. Ngay cả khi chạm phải, nó cũng có thể gây bỏng rát với những người có da mỏng, nhạy cảm. Mặc dù độc tính của nó không quá mạnh, nhưng với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì vẫn khá nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, nhiều gia đình đã không trồng cây cảnh này trong nhà.
4. Dây leo ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ
Nhiều người thường tạo ra những bức tường xanh hoặc thác nước từ cây trầu bà trong phòng khách, nhằm mang lại vẻ đẹp tự nhiên và sinh động. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và cắt tỉa đúng cách, hình dáng cây có thể trở nên mất kiểm soát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ và sự gọn gàng của không gian.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc cây trầu bà
Mặc dù có nhược điểm nhưng trầu bà vẫn có nhiều ưu điểm và được nhiều người thích trồng trong nhà. Nếu vậy, khi chăm sóc cây cảnh này, bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Chọn vị trí trồng thích hợp:
Khi trồng cây trầu bà trong nhà, việc chọn vị trí là rất quan trọng. Không nên đặt cây trong phòng ngủ, dù bạn có yêu thích không gian xanh đến đâu. Thay vào đó, có thể để cây ở phòng khách vào ban ngày và di chuyển ra ngoài vào ban đêm để tránh tình trạng cây cạnh tranh oxy với con người.
Ngoài ra, cây trầu bà cần ánh sáng vừa phải, không nên để ở nơi có ánh nắng quá mạnh hoặc quá tối và ẩm ướt. Vị trí lý tưởng để trồng cây là nơi đó có ánh sáng tán xạ và thông thoáng, giúp cây quang hợp tốt và cung cấp oxy cho không gian sống.
- Chăm sóc và cắt tỉa:
Để tạo hình cho cây trầu bà, như tạo thành thác nước hay cho cây leo tường, bạn nên sử dụng chậu lớn để cung cấp đủ đất và dinh dưỡng cho cây. Trong giai đoạn sinh trưởng, cần thường xuyên bón phân để cây phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, cây trầu bà rất thích nước, vì vậy cần tưới nước thường xuyên để giữ cho đất luôn ẩm, nhưng tránh để nước đọng trong chậu. Vào mùa đông, khi nhiệt độ giảm, nên giảm lượng nước tưới để tránh tình trạng cây bị thối rễ.
Bên cạnh đó, bạn cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc vì nhựa cây trầu bà có độc. Khi cắt tỉa hoặc thay chậu, nên đeo găng tay cao su để tránh tiếp xúc trực tiếp với nhựa cây, đặc biệt nếu bạn có vết thương trên tay. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, hãy dạy trẻ không được chạm vào nhựa cây, ngắt lá cây bỏ vào miệng và luôn giám sát trẻ để tránh những tình huống không mong muốn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet