Anh Trần Mạnh Hùng, trưởng dự án John Handmade. Ảnh: NVCC.
Anh Trần Mạnh Hùng, trưởng dự án tai nghe của nhóm John Handmade, cho hay, ban đầu nhóm chỉ định phát triển dịch vụ "độ" tai nghe, giắc cắm nhưng rồi quyết định tiến thêm một bước nữa là làm tai nghe hand-made. Anh Hùng kể chuyện, giọng đấy nhiệt huyết: “Mình và nhiều bạn từng mua những tai nghe giá vài chục triệu đồng chỉ để thỏa mãn đam mê. Tuy nhiên, càng yêu mình càng trăn trở tại sao không thể tạo nên những sản phẩm chất lượng tương đương trở lên với mức giá phù hợp bằng chính đôi tay của mình”.
Để hoàn thành Jelly Ear, John Handmade đã trải qua rất nhiều thử nghiệm với hàng chục công đoạn làm hoàn toàn thủ công. Hàng trăm mẫu thử phải bỏ đi bởi chỉ một điểm chưa ưng ý. Anh Hùng cho biết, nhóm đã chi cả tỷ đồng để nhập nguyên vật liệu, linh kiện. “Có lúc tưởng như đã thiết kế xong, sẵn sàng đi vào sản xuất thì ngày mai, tuần sau lại thấy chưa ưng ý. Cả nhóm lao vào đẽo gọt để cho ra chiếc tai nghe ưng ý nhất”.
Tai nghe Jelly Ear ra đời với thiết kế riêng bằng biểu tượng bàn tay đỏ trên vỏ màu trắng. Đây là màu sắc mà nhóm yêu thích nhưng cũng chính là hạn chế của sản phẩm bởi không phải người tiêu dùng nào cũng thích ngoại hình này. Tai nghe sử dụng driver Balanced Armature mà theo anh Hùng, sẽ giúp tái tạo chất âm của từng nhạc cụ. Ngoài ra các chi tiết khác cũng được quan tâm như dây nhập từ Nhật Bản, phần núm tai bằng bọt biển với kích thước làm riêng để phù hợp với khách hàng.
Quy trình sản xuất tai nghe Jelly Ear
Khó khăn lớn nhất với nhóm là tiếp cận nguồn vốn. Khởi nghiệp ở Việt Nam đã khó và với dự án của nhóm còn khó khăn nhiều hơn. Ngoài ra, nhóm không kiếm được linh kiện ở Việt Nam hay thuê các doanh nghiệp trong nước gia công được mà buộc phải tìm đối tác nước ngoài. “Made in Vietnam không có nghĩa là 100% sản xuất trong nước, driver âm thanh phải đặt hàng, về đây nhóm phải phân tần theo ý của bọn mình. Khâu thực hiện vỏ cũng khá là phức tạp chứ không hẳn là chỉ làm được cái vỏ, thiết kế của cái vỏ như thế nào mới là quan trọng”, anh bộc bạch.
Anh Hùng chia sẻ: “Cái khác biệt mà Jelly Ear muốn hướng tới không phải là số đông người dùng, mà là những người thích sự tinh tế của sản phẩm handmade, chưa kể là chất âm mộc mạc. Việc làm một sản phẩm để chạy theo lợi nhuận vô tình sẽ làm giảm cái riêng, cuối cùng là mất đi cái tâm huyết của nhóm đối với sản phẩm đó”. Mỗi công đoạn sản xuất tai nghe đều được làm và kiểm định tỉ mỉ, bằng những vật liệu cao cấp nhất mà theo anh tiền vật liệu đã chiếm hơn 3/4 giá thành. Mặc dù làm chủ tất cả các công đoạn nhưng nhóm quyết định chỉ cho ra một sản phẩm mà không tạo nên các tai nghe phù hợp với từng sở thích nghe riêng.
Mở hộp tai nghe Jelly Ear bản thương mại
Trong đợt giới thiệu sản phẩm cuối tuần qua, anh Hùng cho biết nhóm của mình đã phải bỏ hết lô sản phẩm cũ với hơn 30 mẫu để làm mới lại hoàn toàn khi quyết định chuyển từ hai dây kết nối lên bốn dây. Anh chia sẻ, “tai nghe dùng càng nhiều dây càng tốt”, bốn sợi dây sẽ cho mối đan đẹp hơn để nâng cao tính thẩm mỹ, đảm bảo độ bền. Ngoài ra, nâng cấp này cũng giúp tai nghe cho chất âm hay hơn, tiếng dày hơn nhờ đường truyền tốt. Đương nhiên khi làm như vậy, nhóm tiếp tục làm tăng chi phí vật liệu.
Jelly Ear không hướng tới số đông người dùng mà nhấn mạnh vào sự tinh tế và chất âm mộc mạc. Ảnh: NVCC
Hiện tại, John Handmade mới chỉ có thể sản xuất Jelly Ear với số lượng nhỏ. Nếu người dùng đặt hàng thì trong vòng một tháng sẽ giao sản phẩm. Trung bình, thời gian hoàn thiện cho mỗi tai nghe Jelly Ear khoảng 48 giờ. Nhưng sắp tới công ty anh sẽ mở rộng sản xuất và sản lượng lúc đó có thể lên đến 1.000 sản phẩm mỗi tháng. Nhóm dự tính bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài là chủ yếu còn thị trường trong nước phải chờ phản hồi từ phía khách hàng.
Huy Đức - Đình Nam
vnexpress.net
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet