Hôm qua vừa mua quả kính lão, hôm nay khai trương bằng việc toét mắt đọc đi đọc lại hơn 198 lời bình luận cho chủ đề tai nạn ở Việt Nam - xe lớn cứ phải đền xe nhỏ? Xem ra nhiều bác ''có đôi chút nhầm lẫn'' giữa tập tính và qui phạm pháp luật trong vấn đề giải quyết tai nạn giao thông. Nếu gặp bác Lại Văn Sâm sẽ bị tống cổ khỏi ghế nóng để không ảnh hưởng tới thời lượng dành cho quảng cáo!
Xem xét lỗi gây ra va chạm giao thông có ba trường hợp: một là do A gây ra, hoặc B gây ra; hai là do A, B, cả hai cùng có lỗi, nhưng mức độ vi phạm khác nhau; ba là do khách quan mà cả A hoặc B hoặc cả hai cùng gây ra.
Ảnh minh họa. |
Ở trường hợp 1 thì mười mươi, rõ như ban ngày, ai gây ra người đó phải chịu. Tình huống 2, 3 mới gây tranh cãi và thường là các phương tiện đắt tiền hơn chịu thiệt. Vì các bác đi xe ô tô , phương tiện đắt tiền đều khôn như mõi, khôn như nông thôn. Các bác này sợ rách việc, sợ câu lưu phương tiện, sợ bị sách nhiễu, sợ cái xảy nảy cái ung, sợ đêm dài lắm mộng..., mang tiếng kẻ nhiều tiền hơn, nên sẵn sàng ''chi phí'' cho xong chuyện.
Thực chất pháp luật qui định như thế nào?
Tôi xin trích dẫn lời của luật sư Huỳnh Văn Nông đăng trên báo Tuổi trẻ Online ngày 9/7/2010: ''Để hiểu đúng về vấn đề này chúng ta cần phải xem xét các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể, tại Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 đã có quy định rõ. Theo điều 604 BLDS về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi hội đủ bốn yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.
Thông thường trong một vụ tai nạn giao thông hậu quả xảy ra có thể là: thiệt hại tính mạng, sức khỏe, hư hỏng xe, tài sản khác cũng như các thiệt hại về mất sức lao động, thiệt hại về tinh thần... Những thiệt hại này sẽ do bên có lỗi chịu trách nhiệm bồi thường (trừ trường hợp chủ sở hữu xe phải bồi thường thay cho người có lỗi). Nếu các bên đều có lỗi thì phải chịu bồi thường thiệt hại theo tỉ lệ lỗi của mình gây ra (điều 617 BLDS)."
Ngày 2/2/2005, VnExpress đăng bài: Người đi bộ gây tai nạn giao thông: Phải xử lý bình đẳng trong đó có đoạn viết "Công an quận 1, TP HCM, đã khởi tố Ngô Thị Mỹ Yên, về tội cản trở giao thông đường bộ. Trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, Yên đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Yên chỉ bị sây sát nhẹ nhưng anh Vân bị ngã xuống mặt đường, chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát giao thông khẳng định Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Ngô Thị Mỹ Yên bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng."
''Trao đổi với VnExpress, ông Võ Văn Vân, Phó Phòng cảnh sát giao thông, công an TP HCM, khẳng định: "Người đi đường nếu đi đúng phần quy định thì sẽ được ưu tiên. Ngược lại, không đi đúng phần đường ưu tiên mà còn gây tai nạn nghiêm trọng thì tất nhiên sẽ bị truy tố theo đúng luật định". Luật sư Phan Đăng Thanh, Đoàn luật sư TP HCM cũng cho rằng, luật đã quy định hành vi cản trở giao thông phải được xử lý bình đẳng. Người đi bộ gây cản trở giao thông cũng giống như các phương tiện cơ giới khác, phải bị xử lý như nhau. Người đi bộ trái luật cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, giống như bất cứ phương tiện giao thông nào khác."
Như vậy đã rõ! Chẳng có công an, pháp luật nào bắt các bác đi xe lớn cứ phải đền xe nhỏ cả, mà do tập tính của các bác và một bộ phận người dân không hiểu biết pháp luật mà thôi.
Phải nói thêm rằng tai nạn giao thông hay nói đúng hơn là va chạm giao thông chưa đến mức khởi tố hình sự thì việc hai bên tự thỏa thuận đền bù là thỏa thuận dân sự được pháp luật chấp nhận, miễn không vi phạm các điều cấm của hiến pháp, pháp luật. Pháp luật không can thiệp. Ngoại trừ thỏa thuận đó vi phạm hoặc một trong hai bên hoặc cả hai bên khiếu nại và yêu cầu cơ quan pháp luật đứng ra giải quyết, điều tra, xác minh, giám định, trưng cầu, kết luận....Mà yêu cầu cơ quan pháp luật can thiệp thì ''dài tập'' lắm vì thế ''a la đành'' cho đỡ rách việc.
Vì vậy tập tính xe lớn cứ phải đền xe nhỏ có cơ hội phát triển thành tập quán.
Nguyễn Phúc Tâm
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet