Cùng học cách nấu món lẩu lạ miệng này để chiêu đãi gia đình những ngày tất niên nhé các nàng!
Trong dân gian, ta thường nghe tới ba chữ “Tả pín lù ” (tạp pí lù, tả pí lù) khi người ta muốn nói về những thứ hổ lốn, lai tạp… Người ta cũng biết Tả pín lù là một món ăn, nhưng hầu như chỉ thấy trong phim…kiếm hiệp. Còn thì không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy món ăn này thực sự, mà nếu có thấy, thì lần trước… khác hẳn lần sau, khó mà định hình được.
“Tả pín lù” là gì?
Có một món ăn vốn của người Hoa, nhưng đã thành món địa phương ở vùng nam bộ – món tả pín lù. Tả pín lù là đọc trại ra của ba âm da-bin-lo của người trung quốc , Nó có xuất xứ từ một món thịt của người Mông Cổ và các bộ tộc người Hoa sống ở vùng biên thùy Trung – Mông. Những bộ tộc này có thói quen ăn uống ngoài trời. Vào mùa hè ấm áp thì họ lóc từng miếng thịt nhỏ ở các con vật như dê, cừu hay bê, rồi nướng trên lửa để ăn ngay, không cần chế biến hay thêm thắt gia vị. Vào mùa đông thì việc ăn uống kiểu đốt lửa đã tỏ ra rất bất tiện và thiếu sự đậm đà. Do đó, họ đã nghĩ ra một cách ăn món thịt vừa giữ được chất ngọt vừa tiện lợi. Món da-bin-lo đã ra đời từ đó.
Món da-bin-lo xuất xứ từ một món thịt của người Mông Cổ và các bộ tộc người Hoa sống ở vùng biên thùy Trung – Mông.
Chiếc nồi đặc biệt dùng để nấu "tả pín lù" của người Hoa.
Khi người Hoa sang Việt Nam, họ đã mang theo món da-bin-lo. Và đọc theo âm Việt, nó trở thành tả pín lù. Món tả pín lù của người Hoa vẫn còn cầu kì hơn so với khi nó đã “Việt hóa”. Trong cách chế biến của người Hoa thì món ăn này phải gồm các nguyên liệu và theo từng công đoạn như sau: thịt sống thái mỏng gồm hai hoặc ba loại như bò, dê, cừu và thêm vào các loại rau cải sống. Nước lèo (nước dùng) được nấu sôi trong một cái nồi bằng đất nung, có vị chua, cay, ngọt. Nước chấm phải có sa tế và tàu vị yểu.
Món tả pín lù của người Việt Nam thì có khác hơn. Trước nhất là phần nước lèo. Phần này thường bằng giấm pha thêm chút đường, nấu sôi. Rau, cải ăn kèm thì tùy từng loại thịt mà thay đổi. Món tả pín lù thịt bò thì được ăn với bánh tráng cuốn rau, nước chấm là mắm nêm. Trong thực đơn “bò bảy món” thì tả pín lù là món chính yếu. Bò tái mỏng xếp đầy dĩa. Khi ăn, thực khách gắp từng miếng thịt thái nhúng vào nồi nước giấm đang sôi trên lò cho thịt tái đi, sau đó gói chung với rau, cải, bánh tráng, chấm với mắm nêm trộn trái thơm xắt nhỏ. Những đầu bếp món “bò bảy món” thường giải thích: “Trong bảy món bò, món nào cũng toàn những thịt nạc, nướng ngậy mỡ, nếu ăn mãi thì thực khách sẽ rất ngán. Do đó, chen vào món tả pín lù với vị chua chua, ngọt ngọt sẽ làm cho vị giác người ăn được thay đổi, hứng thú”.
"Tả pín lù" của người Việt được biến tấu với đủ mọi nguyên liệu để hấp dẫn thực khách.
Cách làm lẩu "tả pín lù"
Nguyên liệu:
- Cá bóp: 300g, mực ống: 300g, tôm: 300g
- 50g hành tím, 1 củ hành tây
- Dừa nạo: 1 trái
- Giấm: 1/2 chén
- 4 muỗng cà phê đường, 1/4 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt
- Nước dừa tươi: 2 chén
- Dầu ăn: 2 muỗng canh , nước mắm
- Bánh tráng mỏng
- Rau xà lách, dưa leo, rau thơm đủ loại
Thực hiện:
- Đầu tiên cá bóp rửa sạch thái mỏng, mực ống xắt khoanh, tôm bóc vỏ lấy sạch gân máu rồi sắp vào dĩa.
- Hành tây xắt mỏng.
- Đậu phộng rang rồi đâm nhỏ.
- Củ hành tím lột sach vỏ và xắt mỏng.
- Bắc nồi lên bếp cho nóng, cho dầu vào để sôi rồi cho hành tím vào phi cho thơm. Sau đó cho nước dừa, giấm, muối, đường, bột ngọt và củ hành tây vào. Đợi nước sôi lên rồi nếm thử lại lần cuối trước khi bắt đầu thưởng thức.
Cách dùng:
- Nhúng cá, mực, tôm với lượng vừa đủ dùng vào nồi nước lẩu (tránh đưa hết vào 1 lần sẽ mất ngon).
- Bánh tráng mỏng nhúng nhẹ nước, rồi cuốn chung với cá, tôm, mực, rau sống và chấm với nước mắm pha sẵn.
Chúc các bạn có một nồi "tả pín lù" thật ngon chiêu đãi gia đình nhé!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet