Đã 4 năm kể từ ngày Yamaha YZF-R15 có chuyến công du đầu tiên đến Ấn Độ. Hệt như đàn anh của mình, YZF-R15 đã thổi một luồng gió mới vào thị trường xe máy nước Ấn. Đặc biệt, với phần chỉnh sửa thân xe để cách thể hiện sao cho hầm hố hơn, thể thao hơn, YZF-R15 phiên bản 2.0 ngay lập tức chứng tỏ mình là đại diện nổi bật so với những mẫu xe máy hiện tại tại quốc gia này.
Bước sang năm nay, thị trường lại thêm rộn ràng với một đại diện đến từ Honda, là CBR150R. CBR150R có giá nhỉnh hơn YZF-R15, cũng tương xứng với công năng và hiệu suất trội hơn một chút. Tuy nhiên, Honda chưa thể khoác lên CRB150R tấm áo hầm hố và cá tính như Yamaha và các trang bị cũng có phần thua kém.
Nhìn chung, Yamaha YZF-R15 2.0 có được tiếng tăm, uy tín và một nền tảng vững chắc mà người anh của mình để lại. Honda CBR150R thì không quá thể thao, không quá cá tính, đó một chiếc xe “thân thiện, đại chúng” rất cần thiết cho những con đường đông đúc như của Ấn Độ.
Thiết kế
CBR150R:
Nếu Yamaha cố gắng thoát khỏi hình ảnh của đàn anh bằng những cải tiến thì Honda CBR150R lại như sao chép lại dáng dấp của mẫu tiền nhiệm là CBR250R, dẫu rằng tổng thể đã được “thể thao hóa” hơn so với trước. Những nét cong của xe cũng được khéo léo giấu đi nhờ kiểu hình họa 3 tông màu rất thời thượng. Rõ ràng, hình thể của Honda có được cái lanh lẹ, tinh tế, nhưng lại thiếu mất vẻ sắc cạnh, rắn rỏi vốn được xem là biểu trưng của dòng xe thể thao. Sành điệu và trang nhã là đặc điểm của CBR150R, còn đại diện của Yamaha lại như mới bước ra từ một cuộc đua MotorGP, hoặc thậm chí, là một ngôi sao của cuộc đua ấy.
Rõ ràng xe được thừa hưởng cái đẹp từ đàn anh YZF-R6, nhất là tư thế đĩnh đạc, vững vàng khi chạy trên đường và những đường nét gồ lên, vuốt mạnh nổi bật ở vóc dáng bên ngoài. Phần fairing (có thể hiểu là yếm xe) được cắt một cách gọn ghẽ nhưng sắc cạnh, đuôi xe hơi vuốt dài ra với đèn đuôi LED. Yamaha đã thay đổi khá nhiều trên dòng xe này nhằm mang lại kiểu dáng hầm hố và mạnh mẽ. Đáng chú ý là phần yên của người lái và người ngồi sau đã tách ra hoàn toàn. Yên sau được đẩy nhô cao hẳn lên, tạo sự thoải mái cần thiết.
Vận hành
Cả hai xe đều có những thông số kỹ thuật tương đối giống nhau. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là Honda sử dụng hệ trục cam đôi DOHC còn Yamaha là cam đơn SOHC. Lợi ích mà DOHC mang đến khá nhiều nhưng thuộc tính chìa khóa của nó là cho phép vận hành cấu hình 4 van mỗi xylanh và giúp bộ truyền động van hoạt động hiệu quả hơn ở tốc độ tua máy cao. Tuy nhiên, kèm theo công nghệ DOHC, dung tích động cơ của CBR150R cũng nhỏ hơn, nên cơ bản, không có quá nhiều khác biệt về tính năng vận hành cả hai mẫu xe. YZF-R15 đạt công suất 17PS tại vòng tua 8,500rpm còn CBR150R cho sức mạnh 17,6 PS (nhỉnh hơn một chút) tại tốc độ máy 10.500rpm. Tăng tốc từ 0-100km/h, Honda CBR150R mất 11,87 giây, rút ngắn thời gian đến hơn 1 giây so với YZF-R15. Đại diện của Yamaha tăng tốc 0-100km/h cần13,25 giây.
Công nghệ SOHC mà Yamaha lựa chọn cũng mang lại những lợi ích thú vị như kết cấu trục cam đơn sẽ bớt phức tạp hơn, nhờ đó nhẹ hơn, và trọng lượng giảm xuống cũng sẽ có lợi cho những vòng tua máy thấp hơn. Kết quả là, Yamaha YZF-R15 đạt được mô men xoắn 15 Nm tại tốc độ 7.500rpm, còn Honda, dù đã lên đến vòng quay 8.500rpm cũng chỉ đạt được mô men 12,66 Nm. Khi máy hạ được tốc độ vòng tua tốt hơn, cũng có nghĩa, người lái sẽ dễ điều khiển xe tại những cung đường đông đúc chật hẹp hơn, tăng tốc khi xe đang chạy cũng tốt hơn. Cụ thể, chạy ở số 5, R15 tăng tốc 30-70km/h mất 10,75 giây, còn đại diện của Honda lại phải tiêu tốn tới 17,52 giây.
Nếu YZF-R15 tạo được sự cân xứng hoàn hảo giữa chạy đường đua và đường thường thì CBR150R chỉ thực sự tỏa sáng khi bước lên đường đua. Động cơ của Honda có tốc độ tua máy cao, kèm theo hỗ trợ cân bằng của khung xe và cách thiết kế công năng nên nó không chỉ dễ điều khiển ( đây là những ưu thế dành cho xe đua) mà còn cho phép người lái vận hành xe tự tin hơn. Sau khi chạy thử cả hai mẫu nhiều lần trên trường đua Kari (bang Coimbatore, Ấn Độ), với những tay đua chuyên nghiệp , kết luận rút ra là CBR đạt được laptime (thời gian hoàn thành một vòng đua) nhanh hơn R15. Chạy lâu, ngồi CBR cũng sẽ thấy thoải mái hơn, người lái nhanh chóng quen xe và dễ dàng khám phá được tiềm năng của máy. Còn R15, nó đòi hỏi người lái phải tập trung rất nhiều, động lực của máy hoạt động sắc bén như dao cạo, và tất nhiên là đầy cảm hứng thể thao. Bởi lẽ đó, muốn chạy R15 được thuần thục, người lái cũng sẽ mất một thời gian nhất định để làm quen.
Abhishek, người mà danh tiếng gắn liền với trường đua Kari cảm thấy rất thích thú khi có thể điều khiển mẫu xe của Yamaha qua những khúc cua gập tay áo. Còn Ravi, con người cả một đời rong ruổi với những hành trình dài lại hài lòng hơn với chỗ ngồi thoải mái của Honda, nhờ vị trí yên và cách tạo hình rất thân thiện của nó. Rõ ràng là, những tay lái quen với xe đua và xe thể thao sẽ thích YZF-R15 2.0, còn những người mới bước chân vào lãnh địa xe đua sẽ thấy một khởi đầu thú vị với đại diện của Honda. Mỗi sản phẩm sẽ tiếp cận người tiêu dùng theo một cách riêng của nó.
Kết luận
Điểm ấn tượng nhất của YZF-R15 là tính thể thao từ dáng dấp tới vận hành, đòi hỏi người lái phải tập trung cao độ, nên không ngoa khi cho rằng R15 kén chủ hơn CBR150R rất nhiều. Mỗi đại diện sẽ tiếp cận khách hàng theo cách riêng của nó. Còn cái dễ lái của Honda đã giúp các tay đua hoàn thành vòng chạy trong một thời gian ngắn. Điều đó lý giải tại sao điểm số CBR150R đạt được lại cao hơn YZF-R15 trong phần thử thách laptime dẫu rằng YZF-R15 cũng luôn bám sát.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet