Vào mùa lạnh, khi những cơn mưa nhấm nhẳng rơi xuống bất ngờ trên núi rừng Mường Thanh thì đâu đó có những người mang gùi vào rừng đi bắt sâu măng. Không khí ẩm ướt khiến sâu măng sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Người đi rừng tìm đến những cây măng nứa thân hơi cong queo, vỏ ngoài hơi thâm, héo ngọn, mắt có u thì biết rằng đây đích thị là nơi trú ngụ của những chú sâu béo nhất. Sau khi đốn hạ thân măng, người bắt sâu sẽ trút sâu trong ống nứa vào giỏ. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.
Đặc sản sâu măng Mường Lát. Ảnh: dulichvietnam
Đây cũng là thời điểm trên mâm cơm của dân bản thường có thêm các món ăn chế biến từ sâu măng như sâu măng om, sâu măng chiên giòn, sâu măng luộc chấm tương… Nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sâu măng xào.
Cách chế biến sâu măng xào rất đơn giản. Sâu đem rửa sạch, ướp tiêu muối cho ngấm khoảng 15 phút. Sau đó phi thơm hành, trút sâu măng vào chảo, đảo nhanh tay. Khi sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ vào đảo đều, chừng 3 phút rồi trút ra đĩa ăn nóng. Tránh đảo quá lâu sẽ khiến món ăn bị giòn quá, mất đi độ béo ngọt của sâu non.
Đĩa sâu măng vàng tươi, có mùi thơm rất hấp dẫn. Nhưng không phải ai cũng can đảm để đưa đặc sản đậm chất núi rừng này lên miệng thử. Khi mạnh dạn thưởng thức những chú sâu nghi ngút khói nằm ngon lành trên đĩa, bạn sẽ cảm nhận được vị ngậy ngậy, ngọt bùi, thơm thơm rất riêng của loại côn trùng này.
Sâu măng xào lá chanh béo ngậy. Ảnh: dulichxuthanh
Bên cạnh việc xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, sâu măng xào còn thường được dùng làm mồi nhậu trong những dịp hội họp bên bình rượu cần của người Mường, là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà chỉ những vị khách may mắn đến thăm gia chủ người Mường vào mùa mưa mới được thiết đãi món ăn hết sức lạ và đặc biệt này. Dám chắc rằng nếu đã kết bạn với những chú sâu này một lần, bạn sẽ nhớ mãi và muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Ngoài chế biến thành món ăn, sâu măng còn được dùng để ngâm rượu. Người ta chọn ra những chú sâu măng tròn lẳn và to béo nhất, sau đó đem đảo qua trên chảo nóng cho sâu săn lại rồi trút vào bình ngâm rượu. Khoảng một tháng sau là có thể đem ra sử dụng. Thức uống này rất được người dân bản địa ưa dùng. Nhiều gia đình còn ngâm để dành để uống đến mùa sâu năm sau, khi có khách quý mới đem ra mời.
Nếu có dịp ghé thăm bản Mường xứ Thanh vào mùa mưa lạnh, hãy thử món ăn đặc sản này như lời cảm ơn dành cho chủ nhà đã mời bạn thưởng thức thú vui ẩm thực nho nhỏ của miền sơn cước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet