Nội dung
“Hãy nói cho tôi biết bạn thích ăn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào”, – “Số phận của các quốc gia tùy thuộc vào cách chế biến ẩm thực”… Châm ngôn trên đây của lý luận gia ẩm thực Pháp Brillat Savarin cho ta thấy hai yếu tố chủ yếu trong văn hóa ẩm thực của một dân tộc: ăn gì, uống gì, cách chế biến thế nào? Ứng xử cùng giao tiếp trong ẩm thực ra sao?

Văn hóa ẩm thực việt nam

Để trả lời những câu hỏi trên, cần dựa chủ yếu vào địa lý tự nhiên, các yếu tố khí hậu, đất đai, sông ngòi, thực vật, động vật, kể cả những bằng cứ lịch sử và dân tộc học.Theo các nhà nhân học văn hóa có uy tín như G.Hofstede (Hà Lan) và E. Hall (Mỹ), các nền văn hóa dân tộc khác nhau do nhiều sắc thái, quan trọng nhất là ba khía cạnh tương phản: văn hóa nặng về tính cá thể hay tính cộng đồng, – nặng về nam tính hay nữ tính, – quan hệ trên dưới gần nhau hay xa nhau. Áp dụng những khía cạnh ấy vào văn hóa Việt Nam thì có thể đưa ra nhận định: văn hóa Việt Nam thuộc loại nặng về tính cộng đồng, trọng nam hơn nữ, tôn ti trật tự rất chặt chẽ. Những nét chung ấy thể hiện rõ rệt trong ứng xử ẩm thực.Bữa cơm của ta, dù trong gia đình hay làng xã mang tính cộng đồng, đều chia sẻ với nhau, có tôn ti trật tự, nữ là phận dưới nhưng chịu trách nhiệm chế biến chính (ở phương Tây, nam lại là đầu bếp giỏi). Bà Higuchi đã nghiên cứu so sánh hai văn hóa nặng về cộng đồng Nhật Bản và Việt Nam, gia đình ở Việt Nam có tầm quan trọng số một, còn ở Nhật Bản họ xếp số hai sau bạn bè. Bữa “cơm nhà” của ta, ngày hai bữa, mang tính chất lễ nghi gắn bó những thành viên gia đình, nước ta chủ yếu là nông nghiệp nên có điều kiện dễ tập hợp, thường là ba thế hệ, ta ngồi trên chiếu, quanh chiếc mâm tròn, bày các món ăn sẵn cùng một lúc, có bát nước chấm chung. Mọi người ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Có nhiều quy định bất thành văn. Bà hoặc mẹ hay con dâu trưởng ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà, xới cơm dẻo ngon cho ông bà cha mẹ trước, trước khi động đũa, có lời mời “xơi” cơm đối với người hơn tuổi mình, ăn xong, phải có lời “xin phép” rồi mới được đứng dậy. Thật đáng tiếc, từ sau Cách mạng 45, nhiều gia đình bỏ việc mời ăn, cho là phong kiến. Tôi nghĩ chữ Lễ về mặt khoa học tạo ra phản xạ có điều kiện kiểu Pavlov, – “mời ăn” hàng ngày lặp đi lặp lại trong tiềm thức tình cảm kính trên nhường dưới thân thương, giúp giữ đạo đức gia đình. Đồ ngon (như phao câu, âu cánh) gắp cho người có tuổi và trẻ em, điều này không có trong bữa ăn Tây. Đũa cấm so lệch, – vì người ăn sẽ bị xúi quẩy. Gắp cho khách ăn, phải trở đầu đũa hay dùng đôi đũa riêng. Không vừa cầm đũa vừa cầm thìa múc canh, đưa bát đũa phải đưa hai tay.


Có khách đến đúng bữa ăn, thêm cái bát đôi đũa thành thực mời ăn cùng. Dân gian có rất nhiều câu ca dao về ăn uống như: Ăn cơm không rau, như nhà giàu chết không kèn trống, – Ăn lắm không biết miếng ngon, Nói lắm sẽ hết lời khôn, hóa rồ, – Miếng ăn là miếng nhục, – Ăn tham trời làm chết nghẹn…

Bữa cơm cũng là lúc đoàn tụ chuyện trò thân mật, kiêng tranh cãi mắng mỏ: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Tiếc thay, vài thập kỷ nay, người thành phố đi làm cả ngày, cả nhà bố mẹ con cái chỉ gặp nhau bữa tối. Có khi cả nhà vừa ăn vừa xem ti vi rồi đi ngủ!

Những bữa ăn chung làng xã, ở đình làng càng cho thể hiện rõ tính cộng đồng theo tôn ti trật tự, mâm trên mâm dưới rõ ràng. Nhưng một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp cũng dễ gây ra tranh chấp mất đoàn kết, – sĩ diện cao là một mặt trái của văn hóa mang nặng tính cộng đồng. Đi ăn cỗ mang quà về cho con cháu là nét văn hóa hay: Cỗ ngày giỗ ngày Tết có quy định mấy bát mấy đĩa. Tiếp khách có trầu – trà theo quy tắc.

Ẩm thực của chúng ta sớm gắn với các giá trị tâm linh, thờ cúng, lễ hội. Vật tế ẩm thực thường có ý nghĩa tượng trưng, người Việt cúng lễ, để nguyên các món ăn, đặt cả mâm lên bàn thờ. Vì nước ta thuộc văn minh lúa nước, nên tục cúng cơm rất quan trọng. Sau tang lễ, trong thời gian dài, hàng ngày cúng cơm có kèm đôi đũa cái bát, khiến người sống đỡ xót thương. Cúng lễ nói chung hay có xôi gà. Dùng từ ngữ “ăn xôi” thay cho “chết”. Ngoài cúng thần Phật, phổ biến nhất là cúng gia tiên, mùa nào thức ấy, mỗi lễ Tết có những món riêng. Đồ cúng hạ xuống, người hạ giới ăn chung coi như lộc của thần Phật và ông bà, âm dương cùng hưởng. Có những đồ cúng thuần Việt như trầu cau, rượu nếp, bánh dày bánh chưng, quả nhiệt đới (ngũ quả…). Có người tiếc là nhiều ngày lễ ta bắt chước Tàu quá. Như vậy là chưa nắm được một quy luật của nhân học văn hóa: các nền văn hóa đều ít nhiều mượn của nhau, nhưng qua giao tiếp sẽ biến đổi và trở thành một bản sắc của dân tộc. Các ngày Tết Mùng 3 tháng 3, Mùng 5 tháng 5 đã được Việt hóa: người dân ta giết sâu bọ, ăn bánh trôi bánh chay… đâu cần biết Giới Tử Thôi hay Khuất Nguyên là ai đâu.

Nhiều giá trị đạo đức cũng nhiều khi mượn ẩm thực để nhắc nhở: Ăn cây nào rào cây ấy, – Một miếng khi đói bằng một gói khi no, – Ăn mặn thì khát nước, Cơm ba bát, áo ba manh, – No mất ngon, giận mất khôn… Hay phản ánh thói đời: No nên Bụt, đói nên ma, – Người ăn ốc, người đổ vỏ, – Muốn ăn gắp bỏ cho người…

Ta còn mượn ẩm thực để nói lên tình cảm : tình yêu trai gái, quê hương, bạn hữu, vợ chồng: Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau, Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon, Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm hạt gạo đắng cay muôn phần…

Nói đến “đậm đà bản sắc dân tộc”, một số bạn trẻ thường thắc mắc: thế nào là bản sắc dân tộc Việt Nam? Điểm qua một số nét ứng xử và văn hóa giao tiếp trong ẩm thực cũng đủ thấy: ta là ta, dù khi có mượn Tây – Tàu cũng đã Việt hóa rồi.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Phở cuốn làng Ngũ Xã

Cũng thịt bò, bánh phở, rau thơm... nhưng không phải thái sợi bánh nhỏ ra chan với nước dùng mà để miếng vuông cuốn lại như nem. Người từ nơi xa đến biết tiếng phở cuốn thế nào cũng phải ghé qua nếm thử.

Xem thêm  

Quán cuối tuần: Chả cá Hà Nội

Quán khá ấn tượng với bảng hiệu làm từ tấm gỗ hình một con cá. Nội thất được trang trí với những bức tranh sơn dầu phố phường Hà Nội. Thực khách đến đây còn được nghe văng vẳng giai điệu ả đào.

Xem thêm  

Trám - đặc sản dân dã

Trám có vào mùa cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trám có thể nhồi thịt, kho cá hoặc đem om cũng vẫn giữ vị bùi, béo. Bát cơm gạo mới trắng tinh có mấy miếng trám đen kho cá là cả một bữa tiệc đồng quê.

Xem thêm  

Tứ xứ bánh canh

Bánh canh được làm chủ yếu từ bột gạo, một số nơi ở miền nam có thêm bánh canh làm bằng bột lọc. Tại Huế có hai loại là bánh canh Nam Phổ và bánh canh cá tràu, tức cá lóc. Cách làm sợi bánh cũng như nước dùng của hai loại này khác nhau nhiều.

Xem thêm