Một phụ nữ Canada gốc Việt có dịp về thăm quê nhà, thèm mì, nhờ người em giới thiệu giùm nơi nào bán mì ngon nhất. Hôm đó nhằm ngày chủ nhật, lượng thực khách đông nghịt. Chờ lâu sốt ruột, bà chị hỏi ông em: “Liệu có đáng để chờ không?” Ông em tự tin, nhưng làm ra vẻ phớt đời: “Lỡ chờ rồi thì chờ xem có đáng không?” Cả tiếng đồng hồ ngồi chờ trên ghế xúp, được hỏi muốn ăn món gì – khách vào đây khi không còn bàn trống được mời ngồi ghế xúp chờ đợi chớ không phải đứng xếp hàng chờ bưng như miệt ngoài – rồi được mời vào bàn trống và tiếp tục chờ, rồi tô mì khách gọi được bưng đến. Ăn xong tô mì, bà chị gật gù: “Thật đáng để chờ”.
Ai cũng vậy, hễ đến quán này tầm từ 7g – 10g đều phải trải lòng mình qua chữ nhẫn trên ghế xúp, rồi được mời ngồi vào bàn, uống ly hồng trà chanh, tiếp tục chờ món gọi được bưng đến. Hồng trà chanh cũng giống như sâmbanh khai vị, phải chăng góp phần làm cho tô mì, tô hủ tíu ngon miệng hơn, vì bao tử có thời gian để cồn cào? Cuối cùng, đôi mắt còn được nhìn những miếng thịt gà mảnh dẻ xếp tràn ra gần khắp tô mì khô trước khi miệng nếm được những cọng mì đầu tiên không nén được hơi thở phào: phút khoái lạc đã đến. Húp một miếng nước, nước không trong lại thoáng lợn cợn, nghe thoảng vị beo béo của sườn, mùi sườn, ngọt cái ngọt không đèo bồng umami nhơn tạo. Nhìn những xâu sườn chặt khúc độ hai lóng ngón tay vớt từ nước ra, thật thích, cùng với khói bốc hương nồng đượm. Vì xe mì nằm ngay cửa vào đúng với luật kích thích khứu giác thực khách vừa đưa chân vào quán (theo cái pháp ứng dụng của các nhà tiếp thị), mới thấy hết giá trị của cái ngon trong một không gian chỉ có chừng 15 cái bàn mà khách lúc nào cũng đầy ăm ắp. Từ trung tâm Sài Gòn muốn ăn được tô mì ở cái quán không tên nằm trong con đường Lò Siêu nhỏ bé nối Hồng Bàng với Ba Tháng Hai tận quận 11, gần đồn Cây Mai, có khi mất đứt buổi sáng, cả đi, về, chờ đợi và không đầy mười phút được tận hưởng cái đệ nhất khoái – tô mì.
Ngay từ lối vào, lỗ mũi khách hàng đã được đặt vào hương vị bát mì và miệng bắt đầu có vấn đề ngay trong lúc ngồi chờ đợi
180 độ với mì ăn liền, có thể nói đây là tô mì ăn chậm đúng xu hướng… ăn chậm (slowfood).
Được hỏi: sao quán không có tên gì vậy. Bà chủ cười nói: thì từ hồi ba mở quán bán đến nay ba bảy chục tuổi, không đặt tên thì giờ vẫn vậy. Bà chủ cho biết mì tươi được đặt làm, còn nước do quán nấu. Mì ở đây có hai loại dày và mảnh cũng thuộc loại hàng đặt của người khó tính.
Trước cửa quán (có lẽ mấy chục năm nay) chỉ treo vỏn vẹn dòng chữ viết không chút hoa mỹ trên tấm riềm của miếng bạt di động trước thềm: Hủ tíu mì sườn, gà 105 Lò Siêu. Còn nhiều Sài Gòn không tên như thế nữa, lẩn khuất đâu đó, mà thiếu thổ công, bạn sẽ chẳng bao giờ biết đến.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet