Đó là một thành Rome thời cổ đại, một thành Rome thời Augustus (Caesar), trung cổ, phục hưng, Baroque, Rococo, một thành Rome hiện đại.., hay thậm chí là một thành Rome trong phim tình cảm rất hay của đạo diễn Mỹ Woody Allen, do vậy bạn có thể bắt đầu từ quyển sách kể về Rome của Henry James. Phần ngầm bên dưới không gì khác biệt, do những mảnh vụn mang tính lịch sử được chôn vùi bên dưới, nên phải mất nhiều thập kỷ Rome mới xây dựng một tuyến tàu điện ngầm. Dấu ấn lịch sử đan xen ở khắp nơi.
Những tàn tích của Rome cổ đại |
Tuy nhiên, thành phố được mang danh Kinh thành vĩnh cửu này còn có yếu tố mang tính khích động nhiều hơn so với lịch sử, đó là thời gian. Bạn không thể đụng chạm, ngửi, nhìn thấy, nghe, thậm chí không thể hiểu được thời gian; bạn chỉ có thể bị cuốn vào hoặc bị đẩy ra khỏi nó. Lịch sử có phân định giới hạn về các sự kiện, ngày tháng, tên tuổi, nhưng thời gian thì không.
Thời gian không phải là về các sự việc, nhưng về những vết tích của chúng. Thời gian là dấu chân, không phải bàn chân; là hào quang, nhưng không là ánh sáng; tiếng vang chứ không phải âm thanh. Thời gian là cách mỗi người chúng ta chiếm hữu và ảo tưởng về quá khứ. Mọi người đều biết những công trình kiến trúc của người La Mã, nhưng chúng không thuộc về thời gian. Một con hẻm nhỏ vô danh mang dấu vết từ những ngày không được lát đá còn mang nhiều ý nghĩa thời gian hơn so với chiếc cổng vòm chiến thắng mừng hoàng đế Constantine.
Du khách có thể bắt gặp một trong những hộp lưu trữ thời gian quý báu nhất của Rome. Có khoảng 122 hộp nằm rải rác ở khắp nơi và bạn có thể tìm thấy chúng cách ngẫu nhiên. Không có sơ đồ, không sách hướng dẫn và không thể dự đoán, do đó việc phát hiện ra chúng luôn là một sự kiện nổi tiếng. Đó là những tấm biển ghi lại các ký ức về Rome. Vài tấm là những ghi chép về trận lũ lụt, cho biết chính xác mực nước dâng cao của sông Tiber trong các năm 1598, 1564 hoặc 1937. Ngoài ra, còn có những biển cấm đổ rác nơi công cộng từ năm 1727, 1763, 1766, với mức phạt cụ thể được khắc trên đá cẩm thạch.
Tuy nhiên, hùng hồn nhất là các biển tưởng nhớ nơi sinh sống của các nhà văn và nhà soạn nhạc nổi tiếng. Luôn bắt đầu với dòng chữ: “In questa casa abitò” –“Sống tại ngôi nhà này là…” nhà biên kịch, nhà văn Henrik Ibsen, hoặc nhà thơ Percy Shelley, hay nhà soạn nhạc Pietro Mascagni, người ngồi trong một phòng khách sạn, lo lắng chờ đợi xem vở opera “La Cavalleria Rusticana” sẽ thất bại hay thành công. Có bảng cho biết nơi tiểu thuyết gia Walter Scott và George Sand, nhạc sĩ Gioachino Rossini, Mozart, hay Wagner đã lưu lại. Sau cùng đến người quá cố: “Nơi đây Michelangelo đã qua đời, hoặc xúc động hơn để tỏ lòng tôn kính thi sĩ Keats ở ngôi nhà tại Spanish Steps với bảng cẩm thạch ghi dòng chữ: “Nhà thơ trẻ người Anh John Keats đã mất trong căn nhà này vào ngày 24 tháng 02 năm 1821, ở tuổi 25”.
Nếu đi qua khách sạn Grand Hotel de la Minerve, nơi có tấm biển của nhà văn Stendhal, bạn sẽ cố đón gặp ông ấy trên đường ra ngoài vào ban đêm hoặc đến đền Pantheon, xem nhà soạn nhạc Mascagni đi bộ để gặp nhà soạn nhạc opera khác và Gaetano Donizetti cũng sống cách đó không xa. Không ai cấm bạn tưởng tượng rằng cả hai vị này có thể đã đi bộ ra đường Via del Babuino để gặp nhà soạn nhạc Rossini, sau đó sẽ ghé thăm Mozart vào khoảng nửa đêm.
Stendhal có thể thích nhà văn trẻ Thomas Mann sống gần đó. Nơi James Joyce, nhà văn người Ireland ngồi viết những câu chuyện ngắn hay nhất bằng tiếng Anh mỗi ngày, không xa nơi vị tu sĩ triết gia Giordano Bruno chịu án tử hình vào thế kỷ 16 tại Tor di Nona. Có lẽ như trong một vở kịch thần thoại, tất cả họ đều ra khỏi nhà vào ban đêm và khi không ai dòm ngó, họ lại dành thời gian để nói chuyện phiếm với nhau.
Những tấm biển trên có thể mang ý nghĩa rất ít, nhưng với người yêu sách và âm nhạc, chúng là một cách để cầu xin với người chết, với chính thời gian để duy trì những ký ức không thể xóa nhòa của những người đã đi qua thành Rome nhưng chưa bao giờ thực sự rời đi. Tấm biển cho biết họ đã từng sống nơi đây và có lẽ phải khắc ghi thêm rằng... họ vẫn tiếp tục đi quanh quẩn đâu đó.
Nguyễn Anh/ TST tourist
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet