Hoạt động từ tháng 9/2015, du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành một hoạt động thú vị, thu hút đông đảo khách du lịch muốn khám phá TP HCM.
Dòng kênh vẫn lềnh bềnh rác. Ảnh: Dã Phong |
Với lộ trình 4,5 km bắt đầu từ cầu Thị Nghè (quận 1) cho đến chùa Chantarangsay (quận 3), du khách sẽ được dịp thăm thú khung cảnh hai bên bờ, nhiều công trình kiến trúc lịch sử độc đáo. Bên cạnh đó, khách còn được nghe thuyết minh về lịch sử của thành phố, thưởng thức đờn ca tài từ trong những cơn gió trời mát mẻ. Nhưng hiện nay, dòng kênh có nguy cơ bị ô nhiễm trở lại khiến hoạt động du lịch này gặp không ít khó khăn trong việc phát triển.
Xả rác vì "vô tư"
Sau một thời gian được cải tạo trở nên sạch đẹp, thoáng mát, người dân có thể ra đây câu cá, tập thể dục, thư giãn, thì dòng kênh bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm trở lại vì một số người vô ý thức đã vứt rác bừa bãi. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến du lịch bằng thuyền trên kênh gặp nhiều khó khăn. Lượng khách không tăng kể từ ngày đưa vào hoạt động. Nhiều người biết đến tuyến du lịch mới cũng không còn hào hứng tham gia do nước bị ô nhiễm.
Nhiều nhánh rẽ của dòng kênh vẫn còn nhà của người dân sinh sống, và chính “sự vô tư” mỗi ngày trong sinh hoạt đã khiến dòng kênh xuất hiện rác nhiều hơn. Ảnh: Dã Phong |
Một người bán nước lâu năm gần khu vực kênh chia sẻ: “Người dân sống quanh đây, nhiều nhà còn nghèo và chưa có ý thức nên họ cứ vô tư vứt rác xuống sông thôi”. Chị cho biết nhiều người ra đây câu cá hoặc hóng mát cũng thường “thuận tay” vứt rác xuống kênh, khiến dòng nước cứ lềnh bềnh vỏ hộp.
Dù cố gắng rất nhiều, các công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tp hcm đều phải vất vả từ sáng đến chiều để vớt rác nhưng vẫn khó mà làm sạch hết.
Hết mình chặn rác
Tuyến du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một mô hình tiên phong, thí điểm nhằm phát triển du lịch đường thủy trong nội đô thành phố, làm đa dạng các hoạt động trong chương trình city tour dành cho du khách khi đến TP HCM.
Chị Trần Anh Thy, Giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn, đơn vị khai thác chính tuyến du thuyền thưởng ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết nhiều khách Tây khi đi tour du thuyền tỏ ra khó chịu vì rác thải vẫn xuất hiện.
"Sau thời gian khai thác và hoàn thiện, tuyến du thuyền vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, điều kể đến nhiều nhất vẫn là tình trạng rác còn trên kênh dù phía công ty đã hết mình cải thiện”, chị Trần Anh Thy chia sẻ.
Chị Thy cũng cho biết, công ty đã giăng nhiều tấm phao ngăn rác, lục bình ở đoạn rẽ kênh Bùi Hữu Nghĩa, cầu Thị Nghè, sông Sài Gòn, nhưng đây chỉ là một trong những cách hạn chế rác tạm thời. Một trong những “nguồn rác” chính vẫn từ người dân vui chơi dọc hai bên bờ sông thả xuống.
Theo chị Thy, muốn dòng kênh sạch hơn thì không khó, chỉ cần sự đồng lòng, chung tay thực hiện từ phía người dân và các đơn vị chức năng. Điều này không là lợi ích của một cá nhân nào, mà vì bộ mặt chung của cả thành phố, vì một môi trường sống xanh, sạch và đẹp hơn.
"Thấy trẻ lại khi đi thuyền"
Dù vậy, những vị khách sau khi đặt chân lên thuyền và thưởng ngoạn đều có những phản hồi tích cực đối với dịch vụ này. Chia sẻ với VnExpress, chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, một người sống lâu năm ở Sài Gòn cho biết: “Được một người bạn giới thiệu về hoạt động này nên tôi đã đến và thử đi. Ngồi trên chiếc thuyền cùng làn gió buổi chiều mát mẻ, những âm thanh cuộc sống hai bên bờ khiến tôi cảm thấy như mình được trẻ lại, mọi căng thẳng từ công việc cũng tạm lắng bớt”.
Chị Huỳnh Kim Anh đi cùng chị Ánh cũng chia sẻ: “Trong tương lai, thành phố nên đẩy mạnh phát triển loại hình này. Đây cũng là cách giới thiệu hình ảnh đời sống thường nhật của thành phố đến khách du lịch, đặc biệt là những người bạn nước ngoài”.
Du khách nước ngoài thích thú khi được lênh đênh trên thuyền trong buổi chiều gió mát. Ảnh: Dã Phong |
Ngày 2/9/2015, Sở Du lịch TP HCM khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, bắt đầu ở bến đò gần chân cầu Thị Nghè đến gần cầu Lê Văn Sỹ (quận 3). Tuyến du lịch do Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư xây dựng gồm hai nhà ga và 12 thuyền. Thuyền phụng có giá vé 220.000 đồng/ người và thuyền chống có giá vé 110.000 đồng/ người.
Xem thêm: Du khách sẽ được thăm tuyến kênh nhiêu lộc bằng xe điện
Phong Vinh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet