Quán " sinh tố bà chửi" (trước cổng KTX làng Đại học Quốc gia, Q.Thủ Đức, TP. HCM) - cái tên mà hàng nghìn sinh viên tại đây đặt cho quán - do bà chủ tên Nhung (51 tuổi) mở ra đã hơn 30 năm trước. Là một người con của xứ Huế chân tình và thẳng thắn nên bà Nhung cũng có tính cách nói thẳng và nói thật, sẳn sàng... la mắng nếu không vừa lòng ai, đặc biệt với những khách hàng là sinh viên.
Vừa từ đầu chỗ mối mua trái cây về, thấy 3 nữ sinh viên đang ngồi uống sinh tố che mất lối đi vào, bà quát: "Né ra một bên coi, có 3 người mà ngồi chình ình ra giữa đường đi". Nghe bà Nhung chửi những sinh viên đều im thin thít, tránh ra một bên rồi lại tiếp tục uống nước trò chuyện như chưa có gì xảy ra, có lẽ, các bạn đã quá quen với những câu la hét của bà chủ kiểu này.
Mỗi khi bà Nhung đang xay sinh tố, tất cả đều phải nói chuyện nhỏ vì sợ ồn ào khiến bà chủ bực mình mà... chửi.
Dù vậy, lúc nào quán của bà Nhung cũng đông khách.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nhung cũng thừa nhận biệt danh nổi tiếng "sinh tố bà chửi" do những sinh viên đặt cho. Bà Nhung chia sẻ: "Thật sự có rất nhiều sinh viên bị tôi mắng như té nước vào mặt nhưng chửi mắng vì... thương sinh viên thôi chứ không có gì đâu. Tôi coi các cháu sinh viên như con mình, nên cái biển tên quán tôi đặt là "Cô Nhung" cho thân mật và dễ gần hơn. Tôi cũng không quan tâm các cháu sinh viên ghét vì bị chửi, vì mục đích cuối cùng của mình vẫn là mong các cháu nên người".
Mở quán được 8 năm, bà Nhung mới treo biển "Quán nước Cô Nhung" nhưng cho đến nay sinh viên vẫn gọi là quán "sinh tố bà chửi".
Theo bà Nhung, hai đứa con trai bà cũng đang ở lứa tuổi sinh viên nên rất hiểu cuộc sống ở lứa tuổi này dễ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực khi không có gia đình kề bên. Việc "thích chửi" mỗi khi sinh viên vào quán làm bà Nhung phật ý cũng đã tạo nên thương hiệu có tiếng tại làng đại học này. Mỗi lần nhắc đến là ai cũng biết về "sinh tố bà chửi". Hầu hết những sinh viên đều bị bà Nhung chửi đều không dám đôi co hay cự cãi vì đã "thấm" nội dung với nhiều hàm ý của bà.
"Tôi là người thẳng thắn nên cái gì không vừa ý thì chửi. Có một lần tôi chửi một nữ sinh viên vì thấy khó chịu với thái độ thiếu tôn trọng trong giao tiếp: "Khi cô sinh viên vào, tôi hỏi cháu uống sinh tố gì? Cô này nói ngắn gọn: "bơ". Tôi liền mắng chửi té tát vì thái độ thiếu tôn trọng này, cô sinh viên khóc nức nở bỏ về luôn. Tưởng con bé một đi không trở lại, vậy mà hôm sau, nó đến xin lỗi tôi và có cách ứng xử tốt hơn", bà Nhung nhớ lại những kỉ niệm khi "hành" sinh viên.
Bà Nhung không sợ mất lòng khách nên ai làm gì phật ý là bà chửi ngay.Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên cho hay, bà Nhung còn có nhiều kiểu chửi lạ kỳ lắm nên các sinh viên khi "ăn chửi" cũng không khó chịu gì. "Có đợt ngày nào mình cũng uống sinh tố cô Nhung vì trời nắng nóng quá, thế là cô ấy quát: "Tiền đâu mà mày uống sinh tố của tao nhiều vậy, ba mẹ cho tiền học chứ mà cho để ăn tiêu vậy hả?" Mình buồn cười quá nhưng cũng dạ dạ rồi đợi mấy hôm mới dám ra uống tiếp", bạn Huỳnh Phong (sinh viên tại làng đại học) chia sẻ.
Các sinh viên kể lại những kỉ niệm với bà Nhung, nam sinh mà nói chuyện nhỏ nhẹ quá, bà cũng chửi: "Đàn ông trai tráng rụt rè như đàn bà, mạnh mẽ lên coi!" hoặc nghe được câu chuyện của những sinh viên bị... nợ môn, bà Nhung phán ngay: "Đã học dốt còn thích ăn chơi đua đòi, lo học đi!". Nhiều sinh viên thời gian đầu cảm thấy khó chịu nhưng dần dần lại quý bà Nhung hơn vì biết bà chủ khó tính, thích la mắng người khác nhưng thực tâm lại rất quan tâm các sinh viên.
Theo những sinh viên, ngoài sự thích thú vì được nghe bà Nhung mắng mỏ thì món sinh tố cũng là một phần thu hút khách. Hầu hết sinh viên đều rất hài lòng với cách chế biến vừa ngon, lại rẻ và rất vệ sinh. Một nữ sinh thích thú cho biết: "Ngoài đặc sản chửi thì sinh tố ngon không thể chê được. Một ly sinh tố của cô Nhung bán quả thật rất tuyệt vời với vị đậm đà, thơm lừng của trái cây được xay nguyên chất".
Phần sinh tố thơm ngon với 10.000 đồng/ly.
Vào sài gòn từ năm 17 tuổi để mưu sinh với nghề buôn bán để nuôi gia đình. Đối với bà Nhung công việc nào cũng cần có tâm huyết, vì thế phải luôn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mới mong khách ghé mua. Quán "sinh tố bà chửi" tại làng Đại học được hình thành đến nay cũng được gần 30 năm gắn với bao thế hệ của sinh viên nên tiêu chí ngon, bổ, rẻ và vệ sinh là tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh của bà Nhung.
"Khi mua trái cây về xay sinh tố tôi chỉ chọn mua đúng một mối duy nhất để làm ăn lâu dài. Khi buôn bán, tôi để sinh viên tự phục vụ vì muốn các cháu chủ động trong mọi việc không được ỷ lại theo kiểu thích gì cũng có người đem tới tận miệng", bà Nhung thẳng thắng nói.
Hầu hết tất cả sinh viên nếu đã từng vào quán bà Nhung đều đã bị chửi nhưng vẫn thích ghé.
Bà Nhung còn cho biết, trước đây cũng bán chè nhưng giờ chỉ còn bán sinh tố vì muốn được phục vụ khách tốt hơn, nhanh hơn nhưng không quên nhiệm vụ... chửi để giúp sinh viên nên người. Bà tâm sự rằng: "Tôi chửi sinh viên, các cháu ghét tôi, nhưng tôi không ghét bất cứ cháu nào cả".
Tứ Quý
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet